Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ giúp viên của người nghèo khó

10:09, 11/09/2016

Quy định pháp luật chỉ khô cứng trên những tờ rơi cấp cho dân, một khi nó gắn vào thân phận của cá nhân thì sẽ trở nên sinh động, đầy sắc màu cuộc sống.

Quy định pháp luật chỉ khô cứng trên những tờ rơi cấp cho dân, một khi nó gắn vào thân phận của cá nhân thì sẽ trở nên sinh động, đầy sắc màu cuộc sống.

Trợ giúp viên Nguyễn Thị Hoài Thương, phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Cẩm Mỹ.
Trợ giúp viên Nguyễn Thị Hoài Thương, phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Cẩm Mỹ.

Đó là suy nghĩ của trợ giúp viên Nguyễn Thị Hoài Thương, phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện Cẩm Mỹ (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh).

Sẻ chia với những thân phận pháp lý

Năm 2010, vợ chồng anh Thành (ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) nên duyên vợ chồng. Vì chưa đăng ký kết hôn nên khi sinh bé An, anh chị thống nhất cho bé An lấy họ mẹ khi làm giấy khai sinh. Năm 2012, vợ chồng anh Thành mới đến UBND xã đăng ký kết hôn sau khi có thêm bé Thúy (đăng ký khai sinh theo họ cha). Thấy việc 2 con không thể khác họ, vợ chồng anh Thành quyết định đến UBND xã cải chính hộ tịch, chuyển họ bé An sang họ cha. Tại đây, vợ chồng anh gặp rắc rối khi cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch xã yêu cầu anh Thành đi giám định ADN mới đồng ý cải chính họ cho bé. Bí quá, vợ chồng anh chở nhau lên huyện gặp trợ giúp viên Thương cầu cứu.

“Với sự hỗ trợ pháp lý của trợ giúp viên, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã chấp thuận cải chính hộ tịch cho bé An mà không cần phải đi giám định ADN vì mất thời gian, tốn kém tiền bạc” - trợ giúp viên Thương kể.

Dù là cặp vợ chồng khiếm thị, chị M. vẫn quyết liệt đòi chia tay anh T. (ngụ xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) với lý do anh T. hay bệnh tật, sẽ là gánh nặng cho chị sau này. Rất yêu chị M., nhưng anh T. vẫn chấp nhận quyết định đó khi được cha già và trợ giúp viên Thương động viên.

“Khi người ta yêu thương nhau, cả hai thường suy nghĩ rất đơn giản, đến lúc chia tay thì có vạn lý do để công kích nhau. Anh T. tuy tủi lòng nhưng vẫn đồng thuận ký vào đơn ly hôn khi biết tình yêu chị M. dành cho anh không còn đẹp, không thể vượt qua sự khiếm khuyết cơ thể như lúc đầu” - trợ giúp viên Thương tâm sự về trường hợp chị được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh phân công hỗ trợ pháp lý.

Trong năm 2015, trợ giúp viên Thương đã hỗ trợ pháp lý miễn phí trong và ngoài tố tụng cho 10 trường hợp. Riêng việc tư vấn qua điện thoại, tại văn phòng và trong các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại cơ sở thì có trên 100 trường hợp. Những vấn đề người dân nhờ chị gỡ rối từ chuyện hôn nhân và gia đình, khai sinh đến việc tranh chấp đất đai, chơi hụi, hình sự, dân sự…

Trợ giúp viên Thương tâm sự, những tình huống pháp lý của người dân cần được đối nhân xử thế sao cho đúng đạo đức, pháp luật. Vì vậy, khi đã gắn vào thân phận pháp lý của cá nhân, các quy định pháp luật hết khô khan, phơi bày sắc màu cuộc sống.

Bận rộn mà vui

Trợ giúp viên Nguyễn Thị Hoài Thương tâm sự, khi vấn đề pháp lý của người dân được giải quyết thấu tình đạt lý, tinh thần của họ rất phấn khởi, có động lực để vượt qua nghịch cảnh, sống tích cực. Đối tượng được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh phục vụ thường rất nhạy cảm về tâm lý bởi họ thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, rất cần pháp luật bảo vệ, cũng như sự đồng cảm, lắng nghe lời họ chia sẻ.

Công việc thường ngày của chị Thương không chỉ là ngồi văn phòng chờ điện thoại, hoặc người dân đến tìm, hết đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo kế hoạch năm tại 13 xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ của đơn vị, chị còn được các đơn vị, đoàn thể của huyện và các xã mời đi “nói chuyện” pháp luật với dân. Để nội dung buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật thêm sinh động, dễ hiểu, gắn với thực tiễn địa phương và đối tượng tham dự, chị Thương luôn bắt đầu bằng những câu chuyện, tình huống thực tế mà người dân hay gặp phải, như: chuyện cải chính hộ tịch cho con của vợ chồng anh Thành, chuyện ly hôn của anh T…

Để tình huống luôn mới, không nhàm chán người nghe, cập nhật kịp thời các quy định pháp lý mới, trợ giúp viên Thương chịu khó tìm tòi trên mạng, học tập từ đồng nghiệp. Mỗi khi có cơ hội tiếp cận với dân, trợ giúp viên Thương đều giới thiệu tường tận chi nhánh khiêm tốn của mình và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh luôn mở cửa phục vụ miễn phí cho các nhóm đối tượng là người dân ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, người có công, trẻ em…

4 năm gắn bó với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Cẩm Mỹ, công việc của trợ giúp viên Thương tuy bận rộn nhưng đầy niềm vui. Điều chị thấy vui và hạnh phúc vẫn là những câu chuyện, tình huống pháp lý người dân gặp phải được hỗ trợ kịp thời, kiến nghị giải quyết thấu tình đạt lý. Chị cũng thấy vui với những món quà “cây nhà lá vườn” hay lời cảm tạ khi vô tình gặp lại những người được chị hỗ trợ pháp lý. “Phục vụ đối tượng yếu thế trong xã hội là trách nhiệm, niềm vui của trợ giúp viên. Điều này đã quy định thành luật, nhưng người dân vẫn chưa biết nhiều để tìm đến chúng tôi đề nghị phục vụ” - chị Thương bày tỏ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều