Báo Đồng Nai điện tử
En

Yêu sớm, hại đủ đường…

11:10, 21/10/2016

Hiện tại, xã hội vẫn tồn tại những cặp vợ chồng chưa thành niên (đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Pháp luật không công nhận hôn nhân giữa các cặp vợ chồng trong độ tuổi này, nhưng lại không ngăn cấm hoặc xử lý hình sự về tội: tảo hôn, giao cấu với người chưa thành niên.

Hiện tại, xã hội vẫn tồn tại những cặp vợ chồng chưa thành niên (đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Pháp luật không công nhận hôn nhân giữa các cặp vợ chồng trong độ tuổi này, nhưng lại không ngăn cấm hoặc xử lý hình sự về tội: tảo hôn, giao cấu với người chưa thành niên.

* Yêu sớm…

Đang còn tuổi học trò, N. (ngụ huyện Tân Phú) phải lòng anh hàng xóm B. mới lớn. Bị 2 bên gia đình ngăn cản, N. bỏ học rồi cùng người yêu trốn đến TP.Biên Hòa chung sống như vợ chồng. Bực tức chuyện con gái lấy chồng sớm, cha mẹ N. quyết định khởi kiện B. Tuy nhiên, khi nghe luật sư tư vấn rằng, lúc chung sống với B., N. đã đủ 16 tuổi nên B. không phạm tội giao cấu với trẻ em, gia đình N. đã bỏ ý định kiện B.

Kiện không thành, cha mẹ N. làm hòa và bàn với gia đình B. làm đám cưới cho đôi trẻ. Nhưng rồi gia đình N. một lần nữa gặp trục trặc về pháp lý. Bởi theo luật sư, do N. và B. chưa đủ tuổi kết hôn (theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tuổi kết hôn, nam nữ kết hôn với nhau khi nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên) nên không đăng ký kết hôn được; nếu 2 gia đình tổ chức đám cưới cho đôi trẻ sẽ phạm tội tảo hôn.

Luật sư giải thích, tảo hôn là việc lấy vợ (chồng) khi một bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tổ chức tảo hôn là việc tổ chức cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghe luật sư giải thích một hồi, gia đình N. mới vỡ chuyện, vò đầu, gãi tai bày tỏ với luật sư rằng, trường hợp của N. pháp luật không cấm cả hai chung sống như vợ chồng, nhưng lại không cho phép đăng ký kết hôn. Thôi thì 2 bên gia đình tạm quên chuyện đôi trẻ yêu sớm, chờ cho họ đủ tuổi thì tổ chức đám cưới, vận động đôi trẻ đi đăng ký kết hôn theo đúng luật.

* …Hại đủ đường

Theo các chuyên gia tâm lý, nhìn từ góc độ sinh sản, trẻ em gái sẽ bị thiệt thòi khi làm mẹ lúc tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện. Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ. Những trường hợp nạo phá thai nhỏ tuổi dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, cũng như để lại di chứng suốt đời. Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, tảo hôn, kết hôn cận huyết là vấn đề lớn mà trẻ vị thành niên đang phải đối mặt.

Thách thức của trẻ em gái trong lứa tuổi này là muốn khẳng định bản thân nhưng lại bị giằng xé trong những ranh giới, nếu không được hướng dẫn, cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng sống sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai, sinh con… Nguyên nhân của hiện tượng này, một phần do các em chưa được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục, phần do nhiều bậc cha mẹ còn ngại nói về chủ đề này. Việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính mới chỉ được lồng ghép vào các môn học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Về mặt pháp luật, tội giao cấu với trẻ em là hành vi của người đã thành niên giao cấu thuận tình với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tội danh này được quy định cụ thể tại Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999, như sau: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-10 năm: phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người, có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31-60%. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội”.

Về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 trường hợp: Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó. Đồng thời, người nào đã bị xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó. Người nào có một trong các hành vi này, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Theo các nhà làm luật, tội phạm này xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, hôn nhân tiến bộ. Tức là việc kết hôn của nam nữ phải tuân thủ điều kiện về tuổi kết hôn, nhằm đảm bảo người kết hôn đã có sự phát triển đầy đủ về mọi mặt và nhận thức được trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, cũng như có khả năng tự chủ được hôn nhân của mình.

Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều