Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe để thấu hiểu

10:03, 01/03/2017

Đều là phận nữ, nhưng trợ giúp viên Hồ Thị Xuân Chi, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Thống Nhất (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp), vẫn tế nhị ra ngoài để đồng nghiệp Bùi Thị Mai tư vấn pháp lý cho bà T.V. (ngụ xã Bàu Hàm 2).

Đều là phận nữ, nhưng trợ giúp viên Hồ Thị Xuân Chi, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Thống Nhất (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp), vẫn tế nhị ra ngoài để đồng nghiệp Bùi Thị Mai tư vấn pháp lý cho bà T.V. (ngụ xã Bàu Hàm 2).

Trợ giúp viên Bùi Thị Mai thực hiện tư vấn pháp lý.
Trợ giúp viên Bùi Thị Mai thực hiện tư vấn pháp lý.

Bà Chi giải thích, cấp trên không quy định điều đó nhưng để “khách hàng” không ngại ngùng dốc hết tâm tư, chỉ cần cái nháy mắt của đồng nghiệp là bà bước ra ngoài.

* “Trợ giúp viên pháp lý huyện mình giỏi hén”

Một kỷ niệm khó quên trong nghề của trợ giúp viên Mai là vụ tư vấn pháp lý cho  một người dân ngụ xã Gia Kiệm khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Thống Nhất. Kết quả, UBND huyện phải hủy quyết định trước đó, ban hành quyết định mới có lợi cho người dân. Thắng kiện, người này mua 1kg măng cụt mang đến hậu tạ bà Mai cùng với lời khen: “Trợ giúp viên pháp lý huyện mình giỏi hén!”.

Bà Mai tâm sự, với đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý (gồm những người già, nghèo, neo đơn, dân tộc thiểu số…) và ngoài đối tượng (những người thuộc diện cận nghèo, công nhân, lao động…) khi có nhu cầu tư vấn pháp lý, bà và đồng nghiệp Chi đều tiếp đón ân cần, hướng dẫn cặn kẽ theo quan điểm chỉ đạo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và Sở Tư pháp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, phải là người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý thì bà và đồng nghiệp mới được quyền xuất hiện, song hành cùng họ trong suốt quá trình khiếu kiện, khiếu nại cho đến khi có kết quả. Còn những trường hợp người ngoài đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, bà và đồng nghiệp chỉ tư vấn, hướng dẫn họ đi đúng hướng, hành sự đúng pháp luật.

Bà Chi bộc bạch, nhiệm vụ của trợ giúp viên là bảo vệ người yếu thế và góp phần cùng địa phương hướng dẫn người dân “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Cho nên, đứng trước vấn đề có tính tế nhị, trợ giúp viên phải linh hoạt, bản lĩnh và xem xét hài hòa các mối quan hệ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. “Mình không tư vấn đúng hướng, chu đáo hoặc nể nang ai đó thì người dân bị thiệt, mất niềm tin vào đơn vị” - trợ giúp viên Chi nhấn mạnh.

* Chia sẻ và lắng nghe

Ông già Tân (ngụ xã Xuân Thạnh), bà Minh (ngụ xã Quang Trung), chị Vinh (ngụ xã Gia Kiệm) đều là những người đã được các trợ giúp viên hỗ trợ hết mình trong công việc.

Chị Vinh tỏ bày, nhờ sự tư vấn chu đáo của trợ giúp viên Mai mà vợ chồng chị chấm dứt hục hặc chuyện tình cảm, tiền bạc.

Cầm trên tay hồ sơ vụ tranh chấp lao động giữa bà Liên (đối tượng người có công) với UBND một xã trên địa bàn huyện, trợ giúp viên Mai cho hay, bà Liên nhờ hỗ trợ pháp lý trong việc đòi bồi thường thiệt hại khi bị UBND một xã trên địa bàn huyện sa thải trái luật. Vụ việc đang được tòa thụ lý và đang trong quá trình hòa giải giữa đôi bên. Đây là vụ việc mà các trợ giúp viên Chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Thống Nhất “đụng” với chính quyền. Tuy nhiên, quan điểm của bà Chi và bà Mai vẫn quyết hỗ trợ đúng luật, tạo tiền đề tốt trong công tác sử dụng lao động tại cấp xã sau này.

Với những vụ không chứng cứ xác thực ban đầu, 2 trợ giúp viên Chi và Mai hướng dẫn và đồng hành cùng người yếu thế tìm kiếm, bởi nếu củng cố được chứng cứ thì hồ sơ được tòa, chính quyền thụ lý và ra phán quyết có lợi cho người khiếu nại, khởi kiện. Để đòi được công lý cho những trường hợp này, 2 trợ giúp viên Chi và Mai phải lắng nghe, chia sẻ, tư vấn và đi nhiều mới có được; đến khi chân lý được tìm thấy thì nụ cười thỏa mãn, lời cảm ơn chân thành của đương sự càng làm cho họ thêm tự hào về nghề nghiệp.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều