Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi "làm mới" tâm hồn trẻ hư

10:06, 23/06/2017

Bằng lòng nhiệt thành, tình yêu và sự cống hiến hết mình, những giáo viên ở Trường giáo dưỡng số 4 (đóng chân ở xã An Phước, huyện Long Thành) đã sớm đưa những đứa trẻ hư hỏng trở về với xã hội...

Chịu trách nhiệm giáo dục học viên là những đứa trẻ hư hỏng của xã hội, bằng lòng nhiệt thành, tình yêu và sự cống hiến hết mình, những giáo viên ở Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành) đã sớm đưa những học viên đặc biệt ấy trở về xã hội với một tâm hồn mới và một trái tim biết yêu thương.

Các em học viên Trường giáo dưỡng số 4 tham gia học tập văn hóa trên lớp.
Các em học viên Trường giáo dưỡng số 4 tham gia học tập văn hóa trên lớp.

* Những mảnh đời hư hỏng

Khi P.T.H. (sinh năm 2000, ngụ TP.Cần Thơ) mới 4 tuổi, mẹ H. đã bỏ nhà ra đi, để lại anh em H. cho người cha nuôi dưỡng.

Sống thiếu mẹ, dù được cha yêu thương, nhưng H. sớm mặc cảm với đời rồi bỏ học đi lang thang cùng đám bạn xấu ngoài xã hội. Số tiền kiếm được bằng công việc mò cua bắt ốc, H. “nướng” hết vào game online.

Đến năm 2015, thấy đám bạn hư hỏng đi giao “hàng” cho các đối tượng bán ma túy để có tiền tiêu xài rủng rỉnh, H. đã xin đi theo học hỏi. Từ đó, H. trở thành “chân rết” đi giao ma túy cho một số đối tượng mua bán ma túy cộm cán.

Sau hơn 2 tháng làm việc phạm pháp, H. đã bị công an bắt. Do chưa đủ 16 tuổi nên H. bị đưa vào Trường giáo dưỡng số 4 cải tạo 2 năm. Trải qua 1 năm trong trường, H. đã ý thức về việc làm của mình, hiểu biết nhiều về pháp luật và khao khát được về nhà để kiếm tiền phụ giúp cha nuôi em.

Thiếu tá Mai Thị Thu giảng dạy tiết thực hành cho các học viên Trường giáo dưỡng số 4.
Thiếu tá Mai Thị Thu giảng dạy tiết thực hành cho các học viên Trường giáo dưỡng số 4.

Được giáo dục tại Trường giáo dưỡng số 4 hơn 19 tháng nên T.T.L. (sinh năm 2000) sớm trở thành thợ đan ghế thành thục. Vẫn còn bùi ngùi về hành vi vi phạm pháp luật của mình, L. nói: “Em sinh ra không có cha. Mẹ bận làm công nhân cả ngày nên em chẳng biết chơi với ai ngoài đám bạn hư hỏng”.

Học hết lớp 7, L. bỏ học theo đám bạn xấu sống lang thang và tham gia trộm cắp tài sản. Ngang bướng và có chút “máu giang hồ” nên khi bị bắt vào trường giáo dưỡng, L. chống đối, gây hấn với những người khác. Nhưng đến nay, cậu bé “giang hồ” năm xưa đã ngoan ngoãn lao động, học tập và luôn mong được về với mẹ để sống những ngày tháng yên bình.

Tưởng sẽ có cuộc sống êm đềm thì bỗng một ngày, mẹ của em P.V.Đ. (14 tuổi, quê tỉnh An Giang) mất, cha em bán căn nhà rồi bỏ đi biệt xứ, để lại Đ. bơ vơ không nơi nương tựa. Mất phương hướng, Đ. mang theo hành trang là bộ quần áo mặc trên người đi lang thang khắp nơi và...

“Em chưa bao giờ nghĩ vào nơi cải tạo lại được ăn sung mặc sướng, được yêu thương hơn những ngày sống cảnh lang thang bụi đời. Đây là ngôi nhà thật sự của em” - Đ. xúc động chia sẻ.

* Nơi của những yêu thương

“Nhà trường chỉ giúp được các em trong 2 năm, còn những ngày tháng các em vào đời với khát khao được đổi mới rất cần đến vòng tay yêu thương, nhân ái, đùm bọc của gia đình và xã hội” - Đại tá Nguyễn Thọ Hải, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4, chia sẻ.

Hoàn cảnh của các em nhỏ hư hỏng chính là động lực để những người thầy (cô) chiến sĩ tại đây đeo bám với nghề. Thay vì răn đe, chế tài nghiêm khắc, các giáo viên đã dùng trái tim “nóng” để cảm hóa những tâm hồn non dại.

Đã 20 năm dạy dỗ những học sinh ngang ngược và hư hỏng, nhưng Thiếu tá Mai Thị Thu vẫn luôn nhẹ nhàng và nhiệt huyết với nghề.

Nghĩ lại những ngày đầu bước vào nghề, Thiếu tá Thu chia sẻ: “Tôi đã muốn bỏ đi, bởi môi trường quá khó ưa; học sinh không thích học, kiến thức không có, lại còn ngang ngược. Nhưng rồi vì yêu bọn trẻ nên tôi ở lại, vì thương các em nên mới cảm hóa được lòng người”.

Trao đổi về môi trường giáo dục đặc biệt này, Đại tá Nguyễn Thọ Hải, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4, cho hay trước giờ trường có số lượng học sinh trên 1 ngàn em, nhưng sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời, số lượng học sinh ở trường giảm mạnh và đến nay chỉ còn gần 70 em.

Cũng theo Đại tá Hải, Học sinh ít, nhưng tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật của các em ngày càng đa dạng và phức tạp. Học sinh chủ yếu là thành phần đã bỏ học, học lực kém, nhiều em chưa biết chữ, nên nhà trường đã sớm áp dụng chương trình xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và chương trình bổ túc THCS nhằm giúp các em có đủ kiến thức vào đời.

Ngoài kiến thức văn hóa thì chương trình giáo dục về sức khỏe, giới tính, kỹ năng sống và phổ biến giáo dục pháp luật đã được trường đưa vào đào tạo cụ thể trong các tiết học chính.

Giúp khơi gợi tình cảm và khiến các em mạnh dạn trải lòng mình, nhà trường nhiều năm nay duy trì chương trình viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Thư em B.V.T. gửi mẹ từng viết: “Lòng mẹ bao la như biển cả, mẹ hãy tha thứ cho con để con bớt đi sự dằn vặt, để con có niềm tin vào ngày mai...”. Hay những dòng xin lỗi dù muộn màng nhưng đầy nỗi niềm của em N.C.K. khi viết thư cho bà nội: “...Con sinh ra và lớn lên đã chịu thiệt thòi khi ba mẹ con đều gây tội ác cho xã hội và mất sớm. Bà nội là người chăm sóc con, nuôi dưỡng con trưởng thành, tình cảm nội dành cho con không gì sánh bằng…, vậy mà con lại làm nội buồn. Những lỗi lầm luôn chập chờn trong giấc ngủ của con... Mong nội hãy tha thứ cho con, nội nhé”.

Với những gì đã làm được trong 40 năm qua của trường, Đại tá Hải cho biết để các em tự ý thức được lỗi lầm và tu dưỡng bản thân là việc rất khó. Quan trọng hơn là những lời xin lỗi, xin tha thứ của các em cần được người thân, những người bị hại, các cấp chính quyền rộng lòng tha thứ và dang tay đón chào các em ngày trở về.

Tố Tâm

Tin xem nhiều