Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó cai nghiện tại cộng đồng

11:07, 19/07/2017

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, tình hình người nghiện trên địa bàn ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, tình hình người nghiện trên địa bàn ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Người nghiện phạm pháp hình sự bị tòa án xét xử (ảnh minh họa).
Người nghiện phạm pháp hình sự bị tòa án xét xử (ảnh minh họa).

đến cuối tháng 5-2017, số người nghiện trên địa bàn tỉnh có gần 5 ngàn người, trong đó người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên 3,2 ngàn người (gồm: đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện 770 người; đang ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ hơn 340 người và số còn lại đang ở tại cộng đồng).

* Người nghiện được trở về cộng đồng

6 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 192 vụ, 543 đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Tình hình mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng và tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện: Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa…, nhất là nơi có quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, quán karaoke.

Vào tháng 1-2017, Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng Võ Văn Mung (24 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa).

Quá trình cai nghiện, chữa bệnh, lao động và học tập, anh Mung đã thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện và các quy định của pháp luật; sức khỏe anh cũng đã bình phục và được xác định hết nghiện ma túy nên được trở về nhà sau 9 tháng cai nghiện.

Cuối năm 2016, anh Trần Hồng Phúc (30 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) được trở về địa phương sinh sống do căn bệnh lao. Nhận thấy học viên bị bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu, nguy cơ lây lan bệnh cao nên Tòa án nhân dân huyện ra quyết định miễn chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc đối với anh.

Bị đưa vào cơ sở điều trị nghiện bắt buộc thời gian 12 tháng nhưng vào tháng 2-2017, sau khi đã chấp hành được 6 tháng, với kết quả đánh giá loại tốt, sức khỏe đã bình phục nên anh Vũ Trường Giang (30 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) đã được trở về sau khi có gia đình bảo lãnh.

Ông Nguyễn Văn Chẩn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, cho biết từ cuối năm 2016, do tình trạng người nghiện bị đưa vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) quá tải nên Sở Lao động - thương binh và xã hội đã lập hồ sơ chuyển tòa ra quyết định miễn, giảm, tạm đình chỉ quyết định cai nghiện bắt buộc, đưa một số đối tượng nghiện trở về xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.

Đây được xem là phương án trước mắt để giảm tải cho Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Tuy nhiên, việc đưa người nghiện trở lại cộng đồng gây ra tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương. Bởi theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện có hơn 80% người nghiện gây ra các vụ phạm pháp hình sự.

* Khó quản lý người nghiện tại cộng đồng

Theo ông Nguyễn Văn Chẩn, do Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh nằm trên địa bàn huyện nên việc xét cho các đối tượng cai nghiện được tạm đình chỉ, miễn hoặc giảm thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc thực hiện. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 331 đối tượng được trở về tái hòa nhập cộng đồng, gồm các đối tượng: tạm đình chỉ, di lý đến các trại giam vì phạm pháp hình sự, hết lưu trú hoặc cho về trước thời hạn…

Người nghiện lao động tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (ảnh minh họa).
Người nghiện lao động tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (ảnh minh họa).

Đối với những người được trở về địa phương trước thời hạn, theo ông Chẩn thì cần phải đủ các điều kiện, như: có hộ khẩu thường trú rõ ràng; gia đình bảo lãnh; có thời gian chấp hành tốt nội quy của cơ sở cai nghiện, hoặc có bệnh phải chữa trị.

Tuy nhiên, việc đưa người nghiện về lại cộng đồng trở thành bài toán nan giải cho các địa phương khi việc cai nghiện tại cộng đồng hiện nay được đánh giá chưa đạt hiệu quả và gây ra mất an ninh trật tự xã hội.

Theo ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện tỉnh chỉ mới có thuốc thay thế methadone dành cho người nghiện mà chưa có nơi cai nghiện tập trung tại cộng đồng để cắt cơn, giải độc. Còn với công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, một số địa phương chỉ mới thực hiện ở mức ra quyết định, chủ yếu vẫn là giao cho gia đình quản lý người nghiện.

Người nghiện tại cộng đồng cũng được phân loại theo cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất chưa có nên việc cai nghiện tự nguyện và bắt buộc đều chưa có biện pháp chế tài cụ thể để giúp người nghiện cai nghiện được.

Hiện các xã, phường đã thành lập các tổ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng do Phó chủ tịch UBND xã, phường làm tổ trưởng, nhưng hoạt động cũng chỉ dựa trên việc đến thăm hỏi, động viên, giáo dục và khuyên răn người nghiện thực hiện cai nghiện là chính.

Theo ông Hòa, đối với người nghiện heroin thì tại cộng đồng có thuốc methadone dùng thay thế, còn đối với loại ma túy tổng hợp (chiếm hơn 80% số ma túy người nghiện sử dụng hiện nay) hiện nay không có thuốc điều trị hay thay thế, mà chỉ có thể sử dụng các loại thuốc an thần để làm dịu đi tư tưởng và cơn thèm thuốc của người nghiện.

Trong thời gian tới, nhằm giúp người nghiện cai nghiện thành công, ông Hòa cho biết sẽ tăng cường hoạt động của các tổ, đội công tác tình nguyện cấp xã, phường; phối hợp với các trung tâm dạy nghề tiến hành tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người nghiện sau cai; thành lập tín tụng cho vay vốn đối với người nghiện ma túy và gia đình người nghiện và đặc biệt là kiến nghị nhanh chóng xây dựng trung tâm cai nghiện tại cộng đồng…

Tố Tâm

Tin xem nhiều