Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: Góc nhìn từ luật pháp quốc tế

11:09, 27/09/2017

Luật pháp của quốc gia nào cũng có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động của tổ chức tôn giáo thông qua các hình thức khác nhau. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam nói chung, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành nói riêng, chính là để cho quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ.

Luật pháp của quốc gia nào cũng có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động của tổ chức tôn giáo thông qua các hình thức khác nhau. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam nói chung, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành nói riêng, chính là để cho quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ.

Chính vì vậy, ý kiến cho rằng đây là “sự can thiệp vào công việc nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của các tôn giáo” là cách nhìn phiến diện, không phù hợp với thực tế.

Tiết mục ca múa Cánh sen nhớ Bác biểu diễn trong liên hoan tiếng hát đồng bào các tôn giáo do huyện Trảng Bom tổ chức.
Tiết mục ca múa Cánh sen nhớ Bác biểu diễn trong liên hoan tiếng hát đồng bào các tôn giáo do huyện Trảng Bom tổ chức.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự - chính trị, năm 1966 (ICCPR). Các nội dung pháp luật ở Việt Nam quy định về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo đều tính đến và phù hợp với nội dung của pháp luật quốc tế. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 là một minh chứng.

* Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp quốc tế

Điều 18 - UDHR, quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm (conscience) và tôn giáo; quyền này bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình và tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng các hình thức truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, theo hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc riêng tư”.

Quy định này đã được cụ thể hóa tại Điều 18 của ICCPR: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ” (khoản 1 và 2).

Theo ICCPR và Bình luận chung số 22 của Ủy ban Nhân quyền quốc tế (HRC), quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo bao gồm: (1) Tự do tôn giáo, bao gồm: tự do có tôn giáo và tự do về tôn giáo. Nó thể hiện ở sự chấp nhận hay không chấp nhận, lựa chọn hay thay đổi một tôn giáo nào đó; (2) Tự do tôn giáo nằm trong sự bảo vệ tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo. Cả 3 loại tự do này, được áp dụng như nhau cho các tín ngưỡng hữu thần hoặc vô thần, cũng như quan điểm bất khả tri khác; (3) Tự do tôn giáo được pháp luật quốc tế bảo vệ vô điều kiện. Không ai có thể bị ép buộc theo hay không theo một tôn giáo; (4) Tự do tôn giáo đòi hỏi không phân biệt đối xử với tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; (5) Quyền tự do tôn giáo cần được giới hạn bởi luật pháp quốc gia, nhằm tránh sự xung đột giữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với các quyền khác và lợi ích hợp pháp khác được hiến định.

Từ những luận cứ nêu trên, cần khẳng định rằng: Quyền tự do tín ngưỡng,  tôn giáo là một quyền của con người, nhưng không thể tách rời các quyền khác của con người và trong khi thực hiện quyền tự do của cá nhân hay tập thể của mình, không thể và không được phép xâm phạm quyền tự do của người khác, của cộng đồng xã hội.

Quyền con người, một khi đã được ghi nhận trong pháp luật (quốc tế và quốc gia) sẽ trở thành quyền pháp lý có hiệu lực phổ biến và khẳng định vị trí độc lập trong quan hệ với quyền lực chính trị của Nhà nước, quyền lực của tôn giáo và quyền của các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Việc bảo vệ quyền con người bằng pháp luật, chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Nhà nước hay quy tắc của tôn giáo, mà đây là ý chí chung của nhân loại.

* Hiến pháp, pháp luật Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tương thích với luật pháp quốc tế

Hơn 70 năm qua, kể từ khi nước ta hoàn toàn độc lập, các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 luôn ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, ngày càng làm phong phú thêm về hệ thống quyền con người ở Việt Nam, thời đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nếu như tại Điều 10 Hiến pháp 1946 -  hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - xác định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong 5 quyền cơ bản của con Người (tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng, tự do tổ chức và hội họp, tự do cư trú và đi lại), thì các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã tiếp tục khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị đều được tôn trọng và bảo đảm” (Điều 50, Hiến pháp 1992); và “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70, Hiến pháp 1992).

 Phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị, về những giới hạn có thể áp đặt với quyền này, pháp luật nước ta bên cạnh việc khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng đã quy định: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Khoản 3 Điều 24, Hiến pháp 2013).

Những hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của pháp luật Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế, đã được ghi rõ tại Khoản 3, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự - chính trị, năm 1966: “Quyền này, có thể bị giới hạn bởi luật khi cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”(khoản 3) .

Vì vậy, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được quy định trong pháp luật nước ta là phù hợp với pháp luật quốc tế. Không thể bất chấp sự thật để cho rằng Việt Nam “không thực sự coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người”.

* Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được luật hóa

Lần đầu tiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

 Là quốc gia đa tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm điều chỉnh mọi hành vi có liên quan về tôn giáo của tất cả các tổ chức, cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. 

Về tổ chức giáo hội, trước hết, tổ chức tôn giáo là một tổ chức mang tính xã hội, mà đã là một tổ chức thì ở bất kỳ quốc gia nào khi thành lập, hoạt động đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi chưa được cơ quan Nhà nước công nhận cũng có nghĩa là tổ chức đó chưa có tư cách pháp nhân. Khi đã có tư cách pháp nhân, tổ chức đó hoạt động phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Nhìn chung luật pháp của tất cả các nước đều quy định thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của các tổ chức tôn giáo.

Ở Việt Nam, Nhà nước sẽ công nhận tư cách pháp lý của tổ chức tôn giáo khi thỏa mãn các điều kiện: (1) Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (ở Nga 15 năm, ở Bỉ 30 năm); (2) Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của luật này; (3) Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; (4) Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; (5) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (6) Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Quy định này, vừa tương thích với luật pháp quốc tế, vừa  phù hợp với tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Không thể cho rằng:“Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của Chính phủ, phải được Chính phủ công nhận tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt”, như “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 15-8-2017.

Về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ví như hoạt động in ấn kinh bổn, sản xuất đồ dùng việc đạo, liên quan đến những quy định về văn hóa, xuất bản; hoạt động đào tạo chức sắc liên quan đến Luật Giáo dục…

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: có 8 loại hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đăng ký để chính quyền tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận và 11 hoạt động tổ chức tôn giáo phải đề nghị để chính quyền xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận hoạt động đó.

Toàn bộ 19 hoạt động này đều ít nhiều có liên quan, tác động đến xã hội, điển hình, như: đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung sẽ liên quan đến trật tự xã hội; công nhận tổ chức tôn giáo liên quan đến các giáo hội đã được công nhận hoặc thay đổi trụ sở tổ chức tôn giáo sẽ liên quan đến đất đai, quy hoạch…

Những hoạt động tôn giáo này đặt ra yêu cầu Nhà nước phải xem xét, bảo đảm quyền và lợi ích của người khác, cộng đồng tôn giáo khác và của toàn xã hội. Đây là việc làm bình thường, phù hợp với thông lệ các nước, kể cả những nước được cho là “hình mẫu” về tự do tôn giáo.

Trần Thân

Tin xem nhiều