Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngựa non háu đá...

07:01, 01/01/2018

Trong di ảnh, cậu học sinh thật hiền lành với chiếc áo trắng tinh khôi. Trước vành móng ngựa, các bị cáo sức dài, vai rộng cúi gằm mặt xuống với vẻ hối lỗi. Sống cùng xã, 2 bên đã vài lần gặp nhau, nhưng lần đau thương nhất chính là sau tiếng nẹt pô xe khiến người chết, kẻ đi tù.

Trong di ảnh, cậu học sinh thật hiền lành với chiếc áo trắng tinh khôi. Trước vành móng ngựa, các bị cáo sức dài, vai rộng cúi gằm mặt xuống với vẻ hối lỗi. Sống cùng xã, 2 bên đã vài lần gặp nhau, nhưng lần đau thương nhất chính là sau tiếng nẹt pô xe khiến người chết, kẻ đi tù.

Từ trái qua, các bị cáo: Lê Quang Thành, Nguyễn Hoài Nam và Trần Trung Hiếu.
Từ trái qua, các bị cáo: Lê Quang Thành, Nguyễn Hoài Nam và Trần Trung Hiếu.

Hay tin Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động ở địa phương, nhiều người dân xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) đã tạm gác công việc, chuyện bán buôn và quên cả bữa cơm trưa để dự trọn vẹn phiên tòa. Họ chen chúc nhau từng ô cửa, bờ rào để xem các bị cáo chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nghe vị đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng, nhiều người tỏ vẻ phẫn nộ trước cái chết oan uổng của bị hại.

* Những thanh niên xằng bậy

Ngày 20-5, sau khi nhậu, Nguyễn Hoài Nam (23 tuổi, ngụ xã Phước Khánh) điều khiển xe máy vào khu tái định cư xã Phước Khánh chơi. Thấy Nam chạy xe nẹt pô, anh Nguyễn Chí Thanh nhắc nhở khiến 2 bên cãi nhau.

Trên đường về, gặp Trần Trung Hiếu (21 tuổi) và Lê Quang Thành (19 tuổi), đều ngụ xã Phước Khánh, Nam đã rủ cả 2 đi đánh anh Thanh. Sau khi chuẩn bị dao rựa, kéo và dao, cả 3 quay lại chỗ anh Thanh đang ngồi chơi để đánh chém gây thương tích nhẹ cho anh này.

Thấy anh Trần Bửu Quốc Nhã (19 tuổi, ngụ xã Phước Khánh) ngồi cùng anh Thanh, Thành cầm dao xông đến đâm nhiều nhát khiến anh Nhã tử vong. Riêng Hiếu, khi đến nơi phát hiện anh Nhã là chú của mình nên can ngăn đồng bọn đánh nhau, nhưng không kịp.

Khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Nam: “Bản cáo trạng có nêu đúng hành vi của bị cáo không?”, bị cáo Nam đáp: “Có chỗ đúng, chỗ sai”. “Chỗ nào đúng, chỗ nào sai?” - vị chủ tọa nghiêm giọng hỏi. “Thực ra anh Thanh chửi bị cáo trước chứ không phải bị cáo tự ý quay lại trả thù” - Nam đáp. “Vậy bị cáo chạy xe nẹt pô để cho người ta nhắc nhở là đúng hay sai?” - vị chủ tọa hỏi tiếp. “Dạ sai” - Nam hạ giọng đáp.

Vị chủ tọa hỏi bị cáo Thành: “Bị cáo có quen biết bị hại không?”.  “Thưa, không” - bị cáo Thành đáp. “Không quen mắc mớ gì chuyện không liên quan đến mình lại nhiệt tình như thế?”. “Bị cáo chỉ giúp bạn thôi”. “Giúp bạn chuyện tốt chứ ai lại giúp bạn giết người?” - vị chủ tọa lớn tiếng hỏi. Nghe đến đây, bị cáo Thành cúi thấp người hơn, mặt cúi gằm xuống để tránh đi ánh mắt nhìn soi mói của mọi người.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục hỏi bị cáo Hiếu: “Sau khi biết anh Nhã là chú của mình, bị cáo có nói cho 2 bị cáo Nam và Thành biết không?”. “Dạ không”. “Tại sao lại không nói cho các bị cáo khác biết?”. “Bị cáo đang nói chuyện với chú, chưa kịp gì thì Thành và Nam đã xông vào đâm rồi”.

Vị chủ tọa hỏi: “Nếu như anh Nhã không phải là chú của bị cáo, bị cáo có nhảy vào đâm người ta không?”. “Dạ, có ạ” - bị cáo Hiếu trả lời.

Những câu hỏi - đáp giữa chủ tọa phiên tòa và bị cáo Hiếu đã khiến cho bị cáo tự nhận ra cái sai của bản thân rồi tỏ vẻ hối hận.

* Con dại, cái mang

Mái tóc gần bạc trắng, ông N.B. (cha bị cáo Nam) luôn dõi mắt theo đứa con trai đang đứng trước vành móng ngựa với sự đau xót. “Biết là ai làm người đó chịu, nhưng sinh con ra, nuôi con lớn lên, ai lại ngờ có ngày con thành tội phạm” -  ông B. vừa nói vừa lấy vạt tay áo đã hoen úa màu lau những giọt nước mắt chực trào ra.

Ông B. kể vợ chồng ông đi làm thuê chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc hàng ngày. Ngày Nam đi làm thợ hồ kiếm được đồng tiền cũng chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt của bị cáo. Đến nay, biết con mang tội giết người, nhưng vợ chồng ông B. chẳng có tiền để qua thăm hỏi, bồi thường cho gia đình bị hại.

Từ ngày con phạm tội giết người, bà T. (mẹ bị cáo Thành) vay mượn tiền nhiều nơi được hơn 10 triệu đồng mang qua nhà bị hại. Bà nói thường ngày Thành ít chơi bời, nhưng không hiểu sao ngày xảy ra vụ án bị cáo lại uống rượu rồi gây ra tội lớn.

Ngồi nghe cha mẹ các bị cáo kể khổ, than khóc vì để con rơi vào vòng lao lý, mẹ bị hại rơi từng giọt nước mắt trên di ảnh đứa con mà bà đang ôm trong lòng. Bà nói: “Người ta có con để kể khổ, để xin tha tội, còn tôi chẳng có lấy cơ hội được nhìn mặt con thêm lần nào nữa. Nhà nghèo, nhưng vì thương con nên tôi cố gắng làm lụng kiếm tiền lo cho con ăn học nên người. Ngờ đâu, con tôi lại bị chết oan. Giờ có nói gì thêm thì con tôi cũng không sống lại được, chỉ mong gia đình các bị cáo sớm bồi thường để tôi có tiền trả cho ngân hàng khi vay mượn làm tang lễ cho con” - mỗi tiếng nói của mẹ bị hại lại lẫn với hàng chuỗi tiếng khóc nức nở.

Tòa tuyên án xong, được các chiến sĩ công an dẫn giải đi giữa dòng người đông đúc đến dự tòa, cả 3 bị cáo chỉ kịp giơ tay chào người thân rồi mất hút trong xe chở phạm nhân. Thành lãnh 19 năm tù, Nam lãnh 17 năm tù, còn Hiếu lãnh 10 năm tù cùng về tội giết người. Cái sai của các bị cáo là mượn rượu bia để làm chuyện sai trái, nhưng lại không lường trước được hậu quả; đến khi đứng trước vành móng ngựa mới xin tha thứ thì đã muộn.

Tố Tâm

Tin xem nhiều