Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ quyền lợi của người yếu thế

09:06, 14/06/2018

Những người yếu thế trong xã hội gồm: người nghèo, trẻ em, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, người khuyết tật gặp khó khăn về kinh tế... theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 là những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí tại các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Những người yếu thế trong xã hội gồm: người nghèo, trẻ em, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, người khuyết tật gặp khó khăn về kinh tế... theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 là những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí tại các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm này đang rất vắng khách...

Trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý huyện Định Quán, tham gia bảo vệ cho đương sự tại một phiên tòa.
Trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý huyện Định Quán, tham gia bảo vệ cho đương sự tại một phiên tòa.

 Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), cho biết tỷ lệ đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh có nhu cầu hỗ trợ pháp lý rất lớn nhưng thực tế trung tâm và các chi nhánh trực thuộc tiếp cận được đối tượng này vẫn còn thấp so với thực tế.

* Trợ giúp pháp lý miễn phí

Tháng 1-2018, ông N.C.T. (người khuyết tật, ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh nhờ tư vấn, khiếu kiện tranh chấp lối đi chung với người thân. Trợ giúp viên pháp lý của trung tâm hướng dẫn ông T. viết đơn khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa để được bảo vệ quyền lợi, đồng thời hướng dẫn ông T. làm thủ tục để được miễn giảm án phí, tập hợp chứng cứ nộp tòa.

Được tòa mời các bên lên hòa giải, dưới sự thuyết phục, phân tích hợp tình lý của thẩm phán thụ lý vụ việc và trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, giữa ông T. và người thân đã nhận ra những vấn đề bất lợi, không tốt về mặt đạo đức, tình cảm gia đình khi kiện tụng nhau. Chính vì vậy, ông T. quyết định rút đơn khởi kiện, còn người thân của ông T. thì đồng ý phá bỏ hàng rào cản trở lối đi của ông T.

Có những vụ việc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên tham gia tranh tụng tại các phiên tòa, bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế. Cụ thể như trong vụ án “cố ý gây thương tích”, bị cáo N.P.T. (thuộc hộ nghèo, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2, Quân khu 7 (đóng tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đề nghị mức án từ 5-15 năm tù giam. 

Trong quá trình bảo vệ miễn phí cho bị cáo T. tại phiên xét xử của Tòa án quân sự khu vực 2 vào ngày 4-4, trợ giúp viên Lê Quang Vinh (Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) đã chứng minh bị cáo T. có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được Hội đồng xét xử ghi nhận và chỉ tuyên phạt mức án 3 năm tù giam.

* Vì sao còn ít người tham gia?

Theo kế hoạch năm 2018, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh trực thuộc phải hoàn thành 150 vụ việc (tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng theo yêu cầu của các đối tượng được trợ giúp pháp lý). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018 các trợ giúp viên chỉ thực hiện được 37% kế hoạch (45 vụ việc), bảo vệ thành công 20 vụ việc, 25 vụ việc tiếp tục cử trợ giúp viên tham gia hỗ trợ cho người yếu thế đến khi có kết quả cuối cùng. Như vậy, 6 tháng cuối năm buộc các trợ giúp viên phải “chạy nước rút” mới hoàn thành kế hoạch được giao.

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Hành chính - tổng hợp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh), cho biết nhu cầu trợ giúp pháp lý của người yếu thế trên địa bàn tỉnh rất lớn. Qua khảo sát có 1,2 ngàn đối tượng thuộc nhóm yếu thế trên địa bàn tỉnh thì 72% người có nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp viên Hoàng Tất Được, thuộc chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Vĩnh Cửu, cho rằng nguyên nhân là do hiện nay còn có nhiều tổ chức khác tư vấn, hỗ trợ pháp luật miễn phí cho người dân như: Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh... nên những người yếu thế có quyền lựa chọn.

Do đó, theo ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh, thời gian tới giải pháp để thu hút các nhóm đối tượng yếu thế đến với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh là: tăng cường công tác truyền thông đến các nhóm đối tượng yếu thế, tổ chức đoàn thể, chính quyền; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) giới thiệu các đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý theo luật khi họ có nhu cầu trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích