Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại

09:06, 11/06/2018

Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em…

Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em…

Một số trẻ em ở KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tranh thủ ngày hè phụ giúp gia đình cắt hom tràm để làm giống.
Một số trẻ em ở KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tranh thủ ngày hè phụ giúp gia đình cắt hom tràm để làm giống.

Hiến pháp năm 2013 hiến định trẻ em (người dưới 16 tuổi) được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

* Dấu hiệu phạm tội xâm hại tình dục

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, xâm hại tình dục trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Các hành vi bị nghiêm cấm

 Luật Trẻ em năm 2016 quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền...

Các quy định của pháp luật cũng chỉ rõ các hành vi dâm ô với trẻ em như: hôn, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục, bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm) hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm…

Có thể nói, hiện nay tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cảnh báo mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em nam cũng có thể trở thành nạn nhân. Điều đáng lo ngại là đa số các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết, thậm chí cả chính người thân trong gia đình.

Tất cả các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em đều gây tổn thương cho trẻ. Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương thể xác kéo dài do các bệnh như: HIV/AIDS, viêm gan, lậu, giang mai và những bệnh lây lan qua đường tình dục khác… Trẻ em bị xâm hại tình dục bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. 

* Chủ động phòng ngừa cho trẻ

Các hành vi bạo lực trẻ em, bạo lực học đường... được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Một số chuyên gia về bảo vệ trẻ em cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như: cha mẹ đánh, la chửi nặng lời, cấm đoán phi lý, bắt lao động quá sức...

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), nhận định có một thực trạng là việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột lao động trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì phần lớn không muốn liên lụy hoặc ngại nhiều người biết. Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng vẫn chưa được coi trọng; kiến thức - kỹ năng bảo vệ, chăm sóc - giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế.

Từ đó, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và dễ bị xâm hại (xâm hại tình dục và bạo lực). Ngoài ra, những hệ lụy của những trang web “đen”, trò chơi điện tử bạo lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi đạo đức, xâm hại trẻ em như hiện nay.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói trên cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới để bảo vệ trẻ trước những hành vi xâm hại, giúp trẻ được sống, học tập và lớn lên trong môi trường an toàn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều