Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm thiểu tai nạn giao thông cho trẻ em

09:07, 23/07/2018

Năm An toàn giao thông 2018 có chủ đề An toàn giao thông cho trẻ em, nguyên nhân là do tỷ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em ở nước ta vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực.

Năm An toàn giao thông 2018 có chủ đề An toàn giao thông cho trẻ em, nguyên nhân là do tỷ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em ở nước ta vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực.

Trẻ em vui chơi, đi lại ngay trên đường sắt nên rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại khu vực Ga Hố Nai, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI
Trẻ em vui chơi, đi lại ngay trên đường sắt nên rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại khu vực Ga Hố Nai, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI

Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, nạn nhân là trẻ em (bao gồm trẻ em từ mầm non, tiểu học đến cả học sinh bậc THCS và THPT từ 16-18 tuổi) chiếm khoảng 35% trong số các vụ tai nạn giao thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn liên quan đến trẻ em, tuy nhiên chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành pháp luật giao thông, sự bất cẩn, thiếu quan tâm… của các bậc phụ huynh.

* Nhiều hiểm nguy rình rập

Mỗi lần ra đường rất dễ bắt gặp hình ảnh phụ huynh chở trẻ em bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe máy với tư thế không an toàn, ngang nhiên đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu…

Theo ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, một phần được xác định do ý thức tham gia giao thông ở lứa tuổi này còn kém, khả năng xử lý khi gặp sự cố trên đường với các em cũng còn hạn chế so với người trưởng thành.

Một khi đã xảy ra tai nạn giao thông, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và thường để lại hậu quả nặng nề. Cụ thể như vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 10-5 khiến bé T.T.K.
(4 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) tử vong. Nguyên nhân do mẹ của bé bất cẩn cho con ngồi một mình trên xe máy để đi nhặt chiếc mũ rơi giữa đường. Ngay lúc đó, chiếc xe ben (đậu phía trước xe máy) lùi xe không quan sát đã cán lên người bé K. lẫn xe.

Nguy hiểm hơn, nhiều phụ huynh dù biết con mình chưa đủ tuổi để điều khiển xe gắn máy có dung tích trên 50cm3 nhưng vẫn vô tư giao phương tiện. Không ít trong các trường hợp đó đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đau lòng.

Vào tối 14-3, Lương Quốc Hải (19 tuổi, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) điều khiển xe máy biển số 60B7-212.49 lưu thông trên tỉnh lộ 769 theo hướng huyện Long Thành đi ngã tư Dầu Giây. Khi đến km01+050 (đoạn thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất), anh Hải vượt lên bên trái một chiếc xe đầu kéo chạy cùng chiều nên đã đâm vào 2 xe máy do L.T.N. và T.T.T. (cả 2 đều 16 tuổi, cùng ngụ xã Bàu Hàm 2) điều khiển lưu thông theo chiều ngược lại. Hậu quả, L.T.N. và T.T.T. ngã đập đầu xuống đường, tử vong trên đường đi cấp cứu.

* Tuyên truyền văn hóa giao thông

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây. Trong đó, nhóm học sinh THPT đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy xảy ra tai nạn cao nhất.

Phụ huynh chọn mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng cho trẻ em tại một điểm đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn ở TP.Biên Hòa.
Phụ huynh chọn mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng cho trẻ em tại một điểm đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn ở TP.Biên Hòa.

 Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2018, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội. Đồng thời đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Phó thủ tướng nhắn nhủ tất cả học sinh cần tích cực học tập, tìm hiểu và thực hành để nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông, xây dựng cho mình những giá trị văn hóa giao thông an toàn làm hành trang trong cuộc sống.

Tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành các quy định khi tham gia giao thông phức tạp theo từng độ tuổi; học sinh THCS trở lên việc chấp hành kém hơn. Trong các năm 2013-2014, số học sinh vi phạm gần 370 trường hợp đến năm học 2017-2018, con số này giảm xuống còn 20 trường hợp.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, Sở GD-ĐT có nhiều biện pháp tuyên truyền được áp dụng. Việc lồng ghép phổ biến Luật Giao thông đường bộ vào các hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ, cuộc thi giao thông học đường cho học sinh làm nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu và gần gũi.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tăng cường trách nhiệm giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Thực hiện ký cam kết với phụ huynh không giao phương tiện là xe máy trên 50cm3 cho các em, thực hiện việc đội mũ bảo hiểm đầy đủ và an toàn mỗi khi đi xe máy.

“Việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông là vô cùng cần thiết và hữu ích; giúp các em nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để ứng biến, xử lý kịp thời” - ông Đào Đức Trình nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều