Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu pháp luật để cộng đồng đoàn kết

08:08, 18/08/2018

Mưa rừng Nam Cát Tiên như trút nước vẫn không ngăn bước chân đồng bào các dân tộc thiểu số: S'tiêng, Mạ, Chơro... ở ấp 4 xã Tà Lài (huyện Tân Phú) đến với buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh tổ chức.

Mưa rừng Nam Cát Tiên như trút nước vẫn không ngăn bước chân đồng bào các dân tộc thiểu số: S’tiêng, Mạ, Chơro... ở ấp 4 xã Tà Lài (huyện Tân Phú) đến với buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh tổ chức.

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến pháp lý cho đồng bào dân tộc Hoa, Nùng tại thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú). Ảnh: Đ.PHÚ
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến pháp lý cho đồng bào dân tộc Hoa, Nùng tại thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú). Ảnh: Đ.PHÚ

Già làng K’Cân, người có uy tín K’Luận và tất cả cán bộ ấp 4 đã có mặt từ tờ mờ sáng để đồng bào của mình nhìn thấy mà vượt mưa, đường trơn về Nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số xã tham dự cho đông.

* “Cái Luật nó quy định rất hay”

Xã Tà Lài hiện có 6 thành phần dân tộc thiểu số với khoảng 450 hộ sinh sống xen kẽ và tập trung tại các khu định canh - định cư. Xa xưa, vùng đất Tà Lài còn cảnh “rừng thiêng, nước độc”, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa như: S’tiêng, Mạ, Chơro vẫn còn tin lời các thầy cúng, thực hiện nhiều luật tục lạc hậu... Cho nên, trẻ em thì bụng to vì suy dinh dưỡng, cánh đàn ông giỏi uống rượu, phụ nữ thì chỉ quanh quẩn ở nhà.

Ông Điểu Bảo, Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho biết toàn tỉnh hiện có 36 dân tộc thiểu số với gần 200 ngàn người. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc có hiệu quả giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao như: định canh - định cư, vốn vay, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, cấp thẻ bảo hiểm y tế, học nghề, chăm lo y tế, giáo dục...

Già làng K’Cân là đảng viên nên nỗ lực cùng với cán bộ ấp, xã vận động đồng bào định canh - định cư, chỉ bày cách thức làm kinh tế, xóa lạc hậu, thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương, tỉnh, huyện để thúc đẩy đồng bào thay đổi tư duy... “Luật của Nhà nước rất hay và công bằng, tôn trọng phụ nữ, trẻ con, khác xa hủ tục lạc hậu bó buộc dân làng bấy lâu, dù biết sai, không ưng cái bụng cũng làm theo như: cho phép trẻ con lấy nhau, vi phạm thì phạt vạ bằng trâu, bò, heo hoặc bị đuổi ra khỏi làng” - già làng K’Cân bộc bạch. 

Sự nỗ lực của già làng K’Cân, chính quyền xã, cán bộ ấp đã từng bước thay đổi tư duy, lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong ấp 4. Các chính sách dân tộc của Trung ương, tỉnh, huyện ngày càng quan tâm, đầu tư cho đồng bào nên các tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được đẩy lùi và xóa bỏ, nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ.

Người có uy tín K’Luận nói: “Dân số ngày một đông, đất đai sản xuất ngày càng bị thu hẹp nên đồng bào biết cách hạn chế sinh nhiều con, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng giá trị sử dụng đất nên cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, phát triển”.

Cũng vì thấy luật của nhà nước hay nên chị Ka Ngọc đội mưa, địu thằng K’Phát ra Nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc xã Tà Lài nghe cán bộ Ban Dân tộc tỉnh về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho đồng bào. Đây là lần thứ 5, chị Ka Ngọc được mời tham dự nên thích kiểu nói chuyện pháp luật nhẹ nhàng của luật sư Nguyễn Đức (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh) và sự giải thích, hướng dẫn pháp luật dễ hiểu của các luật sư, luật gia trong đoàn.

“Đất đai thì cần có cái sổ đỏ, vợ chồng lấy nhau thì phải đăng ký kết hôn, con sinh ra thì phải ra tư pháp - hộ tịch xã làm giấy khai sinh. Bây giờ tôi mới hiểu phải làm đúng pháp luật của Nhà nước thì không có ai dám tranh giành đất đai, vợ chồng, con cái với mình hết” - chị Ka Ngọc bộc bạch.

* Nói sao dễ nghe, dễ hiểu

Luật mới, luật cũ và các văn bản pháp luật có rất nhiều nhưng các báo cáo viên, luật gia, luật sư trong đoàn chỉ chọn ra những gì thiết thực, gắn bó với đời sống dân sinh để phổ biến, truyền đạt lại.

Chị Ka Ngọc địu con đến tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú).
Chị Ka Ngọc địu con đến tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú).

Luật sư Nguyễn Đức bày tỏ, để đồng bào thích nghe, dễ nhớ, không bị nhàm chán, các báo cáo viên, luật gia, luật sư phải tự chọn lọc những vấn đề thiết thực, gần gũi với bà con để thu hút sự quan tâm của họ. Cụ thể như việc Nhà nước thu hồi đất đai của dân để làm các công trình phúc lợi, công cộng thì bồi thường theo giá đất Nhà nước quy định, còn doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải thỏa thuận với dân theo giá thị trường. Hoặc người dân nợ tiền ngân hàng mà đất thế chấp bán không ai mua để trả nợ thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản đó nhằm bán đấu giá để cấn trừ nợ...

Việc áp dụng pháp luật trong thực thi nhiệm vụ vẫn còn những nơi, những chỗ chưa đúng nên dẫn đến việc người dân khiếu kiện, khiếu nại, thắc mắc. Do đó, theo luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), mục đích các buổi tuyên tuyền pháp luật về vùng sâu, vùng xa vừa giúp người dân hiểu pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình vừa giúp chính quyền cơ sở khắc phục những sai sót trong việc áp dụng pháp luật và trong thực tế điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Chiếc phà đưa đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Ban Dân tộc tỉnh an toàn vượt sông tiếp tục về thị trấn Tân Phú nói chuyện pháp luật với đồng bào Hoa, Nùng. “Chúng tôi nỗ lực hết mình đưa chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chung để cộng đồng các dân tộc đoàn kết, hòa thuận, phát triển, không vi phạm pháp luật, bị kẻ xấu xuyên tạc” - ông Nhâm Văn Khải, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn (Ban Dân tộc tỉnh) cho hay.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều