Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn còn khó khăn

10:11, 16/11/2018

Năm 2018, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, trên thực tế số vụ vi phạm về ATTP vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi.

Năm 2018, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, trên thực tế số vụ vi phạm về ATTP vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi.

Công an TP.Biên Hòa phát hiện một cơ sở giết mổ heo lậu ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa).
Công an TP.Biên Hòa phát hiện một cơ sở giết mổ heo lậu ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa).

Theo các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân là do còn thiếu các hướng dẫn thực hiện pháp luật về ATTP, thiếu hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

* Vẫn lén lút sản xuất, kinh doanh

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn những cơ sở, cá nhân lén lút sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm bẩn như: thịt heo, gà, nội tạng các loại động vật... Thực tế này không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn khiến lực lượng chức năng “đau đầu” trong việc tìm biện pháp xử lý.

Theo thống kê của PC05 Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, PC05 và công an các địa phương phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm về ATTP. Đa phần các vụ việc này đều bị lập biên bản xử phạt hành chính về các hành vi: giết mổ không đảm bảo vệ sinh ATTP; vận chuyển, kinh doanh gia súc và sản phẩm từ gia súc không có dấu kiểm soát, tem vệ sinh thú y...

Qua công tác kiểm tra, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, chính quyền các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ giết mổ, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP.

Điển hình như vụ phát hiện cơ sở giết mổ heo trái phép của ông Lã Văn Công (ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) vào ngày 10-9. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của ông Công đang mổ 1 con heo chết. Ngoài ra, trong cơ sở này còn có 4 con heo chết khác đang chờ mổ lấy thịt và nhiều thùng lưu giữ hàng trăm ký thịt heo đã chuyển đổi màu sắc.

Cùng thời gian này, PC05 phát hiện cơ sở giết mổ heo của bà Nguyễn Thị Xê (ngụ KP.3, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đang lưu giữ 9 con heo chết với tổng trọng lượng gần 400kg đang chờ mổ thịt bán ra thị trường. Cơ quan công an cũng tìm ra đường dây tiêu thụ thịt heo “bẩn” lấy từ cơ sở giết mổ heo của bà Xê bán cho người tiêu dùng tại một sạp thịt heo ở khu vực chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa).

* Chỉ mới dừng lại ở xử lý hành chính

Theo PC05 Công an tỉnh, qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở giết mổ động vật, kinh doanh thực phẩm bị phát hiện sai phạm đều không có giấy phép hoạt động. Trong khi đó điều kiện, địa điểm nơi hoạt động giết mổ không đảm bảo vệ sinh ATTP, môi trường xung quanh cũng thường bị ô nhiễm do không có quy trình xử lý chất thải, nước thải…

Bên cạnh đó, một số cơ sở vi phạm trong việc lưu giữ, bảo quản các loại thực phẩm như: môi trường, thiết bị bảo quản và đặc biệt là sử dụng các loại hóa chất độc hại để bảo quản thực phẩm bán cho người.

Cụ thể như vụ phát hiện cơ sở mua bán thịt trâu, bò do ông Trịnh Quang Thái làm chủ (thuộc phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) vào giữa tháng 5-2018. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đã sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm. Cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động và xử phạt hành chính 38 triệu đồng.

Tuy nhiên, các vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đã phát hiện trong thời gian vừa qua chỉ mới dừng lại ở xử lý hành chính. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về tội phạm vi phạm quy định về ATTP. Tuy nhiên để áp dụng luật vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực này chưa đầy đủ.

Thượng tá Lương Đại Thủy, Phó trưởng PC05 Công an tỉnh phân tích, khi phát hiện một lô hàng thịt có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh, đoàn kiểm tra lấy mẫu gửi đi phân tích để có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, kết quả phân tích này chỉ phục vụ cho việc xử lý hành chính. Để xử lý hình sự, người phân tích mẫu phải là giám định viên tư pháp về lĩnh vực này. Trong khi đó hiện chưa có giám định viên tư pháp về lĩnh vực môi trường.

Theo Thượng tá Thủy để kịp thời ngăn ngừa, xử lý các vụ liên quan đến ATTP, các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có hướng dẫn cụ thể để ngành chức năng các địa phương triển khai thực hiện.

Trần Danh

Tin xem nhiều