Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, hòa giải

10:11, 11/11/2018

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2018 số lượng án Tòa án nhân dân tỉnh và các địa phương thụ lý tăng cao, đặc biệt là án dân sự, hành chính sơ thẩm với tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2018 số lượng án Tòa án nhân dân tỉnh và các địa phương thụ lý tăng cao, đặc biệt là án dân sự, hành chính sơ thẩm với tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.

Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân huyện Trảng Bom giải thích cho đương sự trong một vụ ly hôn.
Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân huyện Trảng Bom giải thích cho đương sự trong một vụ ly hôn.

Trước tình hình đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại cấp tỉnh và địa phương (1 trung tâm cấp tỉnh và 5 trung tâm cấp địa phương: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Định Quán). Giám đốc trung tâm là chánh án hoặc phó chánh án các cấp. Hoạt động của các trung tâm sẽ được thí điểm trong vòng 1 năm, bắt đầu từ tháng 11-2018.

* Giải quyết nhanh các mâu thuẫn

Ông Đinh Lệnh Mạnh Hùng, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 2 cấp nhằm giảm áp lực về số lượng vụ việc của ngành tòa án phải giải quyết; đồng thời đóng góp vào cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại.

Theo thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh, trong 11 tháng (tính từ tháng 12-2017 đến tháng 10 - 2018), so với cùng kỳ năm 2017 lượng án tại tòa án 2 cấp tỉnh và huyện thụ lý tăng gần 750 vụ, việc. Chủ yếu là án dân sự, hành chính sơ thẩm.

Hòa giải viên và đối thoại viên được chọn từ những người là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, thi hành án, luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người có kiến thức pháp luật, có năng lực, kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại… Mỗi trung tâm có từ 5-7 hòa giải viên, đối thoại viên và được bố trí làm việc tại trụ sở tòa án nhân dân với bàn làm việc phải thiết kế theo hình tròn nhằm tạo sự thân thiện, cởi mở.

Thẩm phán Bùi Bá Diễn, Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom cho biết tất cả đơn thư của người dân liên quan đến các vấn đề dân sự, hành chính, hôn nhân (trừ những đơn thư được quy định tại Điều 206, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như: yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước hoặc những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội) đều do Trung tâm hòa giải đối thoại giải quyết trong vòng 20 ngày.

“Nếu hòa giải thành sẽ có quyết định của trung tâm hoặc quyết định công nhận của tòa án (trong trường hợp đương sự yêu cầu). Còn hòa giải không thành mới chuyển hồ sơ vụ việc sang cho tòa án giải quyết” - thẩm phán Diễn cho hay.

* Chuyển từ đối đầu sang đối thoại

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Võ Văn Phước nhận định, việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại là bước tiến lớn trong đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và giải quyết các vụ việc tại tòa án.

“Thủ tục khi thực hiện công tác hòa giải cũng đơn giản và nhanh chóng, vừa giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội vừa hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài; đồng thời còn giúp giảm tải công tác xét xử của các tòa án trong tình hình số lượng biên chế còn thiếu như hiện nay” - ông Phước phân tích thêm.

Ông Đinh Ngọc Hùng, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom cho biết, để đạt hiệu quả cao, các hòa giải viên, đối thoại viên cần có kiến thức pháp luật liên quan đến nội dung tranh chấp, có hiểu biết về các vấn đề xã hội, sự tinh tế nhạy bén trong xử lý vấn đề và nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc. Đặc biệt, hòa giải viên phải đến tận nơi có tranh chấp tìm hiểu nguyên nhân, tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương sở tại để hiểu rõ vấn đề trước khi hòa giải.

Tố Tâm

Tin xem nhiều