Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành tựu không thể phủ nhận

10:11, 12/11/2018

Trong nhiều bài viết trên mạng gần đây, một số người đã đưa ra những nhận xét võ đoán và thông tin sai lệch về phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Trong nhiều bài viết trên mạng gần đây, một số người đã đưa ra những nhận xét võ đoán và thông tin sai lệch về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Các luận điệu mà họ đưa ra như: nợ công Việt Nam ngập đầu và nền kinh tế sắp đổ; rằng Nhà nước Việt Nam in và phát hành thêm tiền tung vào trong dân khiến cho tình trạng lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá; rằng tình hình kinh tế Việt Nam càng ngày be bét…Vậy, đâu là sự thật?

Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã giảm từ 63,7% của năm 2016 xuống còn 61,2%. Căn cứ vào GDP năm 2017 của Việt Nam là khoảng 235 tỷ USD thì có nghĩa 3 năm qua Việt Nam đã trả nợ được gần 6 tỷ USD. Việt Nam không phải là quốc gia nằm trong số những nước có nợ công cao trên thế giới. Theo số liệu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (World economic forum), trong số 20 nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới hiện nay không có Việt Nam. Quốc gia đứng cuối cùng trong danh sách các nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới là Pháp với 97,01% GDP. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng
10-2014 vào ngày 29 -10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trong những năm qua, để khắc phục tình trạng các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ gây thất thoát, Chính phủ đã và đang quyết liệt ngăn chặn tình trạng này bằng tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa công khai, minh bạch, theo giá thị trường, thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Những chủ trương, chính sách quyết liệt này đã thật sự khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Năm 2016, đã có 110 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; năm 2017 có 153.307 doanh nghiệp mới, bao gồm 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 đơn vị quay trở lại hoạt động. 10 tháng của năm 2018 có 109.611 doanh nghiệp thành lập mới và 27.935 đơn vị quay trở lại hoạt động.

Trong những năm qua, nền kinh tế tăng trưởng liên tục nhiều năm liền, từ 4,4%/năm (giai đoạn 1986-1990) lên gấp đôi: 8,2%/năm (giai đoạn 1991-1995); 7,6%/năm (giai đoạn 1996-2000); giai đoạn 2001-2005 bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010 là khoảng 7%/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 5,9%/năm. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao: năm 2016 là 6,21%, năm 2007 là 6.81% và năm 2018 dự kiến sẽ tăng trên 6,7%.

Phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước nhóm OECD (Organization for Economic Co-operation and Development, có 34 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao) từ 184 lần xuống còn 16 lần…

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chăm lo các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo. Thành quả về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo kết quả điều tra, hiện cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,235 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam so các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng ở mức thấp và chỉ đứng sau Brunei Darussalam, Singapore (không có hộ nghèo) và Malaysia (0,6%).

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng những thành tựu về phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam những năm qua là không thể phủ nhận.

         Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều