Báo Đồng Nai điện tử
En

Phối hợp để giảm tình trạng trả án

09:12, 16/12/2018

Giải pháp nào để giảm tình trạng các vụ án hình sự bị tòa án, viện kiểm sát nhân dân 2 cấp (tỉnh, huyện) trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại?

Giải pháp nào để giảm tình trạng các vụ án hình sự bị tòa án, viện kiểm sát nhân dân 2 cấp (tỉnh, huyện) trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại?

Nhờ phối hợp tốt giữa lực lượng công an và kiểm sát viên ngay từ đầu nên vụ cướp xe ô tô trên địa bàn huyện Trảng Bom vào tháng 8-2018 đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Nhờ phối hợp tốt giữa lực lượng công an và kiểm sát viên ngay từ đầu nên vụ cướp xe ô tô trên địa bàn huyện Trảng Bom vào tháng 8-2018 đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa các cơ quan tố tụng 2 cấp vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức.

* Còn nhiều vướng mắc trong phối hợp điều tra án

Ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng 1 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết thực hiện thông tư liên tịch và quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, hoạt động phối hợp giữa điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán ngày càng chặt chẽ hơn nên lượng án phải trả hồ sơ ngày càng giảm.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 34 vụ (trong đó cấp tỉnh 9 vụ, cấp huyện 25 vụ). Trong khi đó, tòa án các cấp đã trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung 129 vụ (trong đó cấp tỉnh 32, cấp huyện 97, có 25 vụ phải trả hồ sơ lần thứ 2).

Tuy nhiên, theo ông Cường, do tình hình hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc đánh giá chứng cứ trong hồ sơ vụ án chưa chính xác hoặc quan điểm giữa các cơ quan tố tụng có sự khác nhau. Từ thực tế này, dẫn đến tình trạng án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vẫn còn xảy ra.

Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, một số nguyên nhân án phải trả hồ sơ như: thiếu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, có căn cứ bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác, có đồng phạm trong vụ án nhưng chưa bị truy tố, vi phạm thủ tục tố tụng…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Sơn, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng việc án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung là vì còn vướng mắc một số vấn đề. Trong đó nổi lên là việc trao đổi trong giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố khi được chuyển hồ sơ sang tòa thì các tài liệu liên quan rất ít.

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho rằng việc tranh luận giữa các cơ quan tố tụng trong một vụ án nào đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, để giải quyết các vụ án phức tạp các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để thống nhất quan điểm trên cơ sở quy định của pháp luật.

* Nâng cao trách nhiệm trong thụ lý hồ sơ

Theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong năm 2018 việc để các vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Qua nghiên cứu các vụ việc liên quan cho thấy trách nhiệm chính thuộc về điều tra viên và kiểm sát viên. Trong quá trình điều tra, một số điều tra viên, kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Do đó, kiểm sát viên không phát hiện được những thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án của điều tra viên. Đến lúc cơ quan điều tra kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát thì mới phát hiện thiếu sót nhưng không thể khắc phục được nên phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngoài ra còn có những trường hợp hồ sơ hoàn tất được chuyển sang tòa án để truy tố, thẩm phán nghiên cứu hồ sơ mới phát hiện thiếu sót.

Trước thực trạng trên, theo ông Huỳnh Văn Lưu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng phải tăng cường kiểm tra của các cấp lãnh đạo đối với điều tra viên và kiểm sát viên và thẩm phán trong công tác giải quyết án hình sự.

Đối với kiểm sát viên phải được phân công kiểm sát vụ án ngay từ đầu và bám sát tiến độ điều tra vụ án để kịp thời nêu những yêu cầu điều tra để điều tra viên thực hiện. Ngoài ra, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán cũng phải nâng cao trách nhiệm khi được phân công thụ lý án. Phải phân định rõ trách nhiệm của những cán bộ này khi để xảy ra những thiếu sót. Để tránh việc án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại giữa thẩm phán, kiểm sát viên cần tăng cường công tác phối hợp để có sự thống nhất quan điểm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh trong quá trình giải quyết các vụ án, nếu phát hiện có những tồn tại, vướng mắc các cơ quan tố tụng phải có kiến nghị lên cấp trên để tìm giải pháp xử lý phù hợp. Trong đó những vụ việc phức tạp, vụ án được dư luận quan tâm phải được ưu tiên giải quyết, tránh tình trạng để án tồn đọng, kéo dài dẫn đến quá hạn.

Danh Trường

Tin xem nhiều