Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường dạy nghề cho người nghiện ma túy

10:12, 03/12/2018

Để tạo cơ hội việc làm cho những đối tượng nghiện ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng, trong năm 2018 Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã tăng cường phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề và đạt hiệu quả cao.

Để tạo cơ hội việc làm cho những đối tượng nghiện ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng, trong năm 2018 Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã tăng cường phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề và đạt hiệu quả cao.

Các học viên Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh tham gia học nghề.
Các học viên Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh tham gia học nghề.

Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh cho biết công tác dạy nghề tại cơ sở được thực hiện dựa trên chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề cho học viên trong năm 2018 của Sở Lao động - thương binh và xã hội. Trong năm 2018, cơ sở đã tổ chức khai giảng 9 lớp nghề cho hơn 300 học viên bao gồm: cơ khí cắt gọt, nghề may, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn.

* Viết tiếp ước mơ

Anh M.A. (25 tuổi, ngụ huyện Long Thành) từng là chủ của một quán cà phê và có mức thu nhập ổn định. Thế nhưng chỉ sau một lần được bạn bè rủ sử dụng chung ma túy đá để hiểu cảm giác “phê” thì cuộc đời của anh bắt đầu những tháng ngày nghiện ngập. Sau 2 lần bị lập hồ sơ cai nghiện tại cộng đồng thì đầu năm 2018, anh A. phải đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở.

Trong thời gian tới, Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của học viên để chuẩn bị cho năm học 2019. Cơ sở cũng đang tăng cường xây dựng nhiều kế hoạch tư vấn, giáo dục cho học viên để giúp họ sớm làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, lao động sản xuất đóng góp cho xã hội.

“Ban đầu tôi chỉ chơi thử, sau đó sử dụng ma túy ngày 1 lần, 2 lần, 3 lần và cấp độ cứ tăng dần mà bản thân không thể kiểm soát được. Nếu tuổi trẻ không sai lầm có lẽ tôi đã có vợ con hoặc ăn nên làm ra chứ không phải trở thành con nghiện như bây giờ” - anh A. tâm sự.

Đối với anh A., những ngày tháng đi cai nghiện trôi qua trong vô vị cho đến tháng 5-2018, anh được lãnh đạo Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh thông báo về việc được chọn nghề để học. Điều này đã phần nào nhen nhóm hy vọng và giúp anh viết tiếp những giấc mơ còn dang dở khi tuổi còn trẻ. Được hướng nghiệp, anh  A. quyết định chọn học nghề cơ khí tiện và trở thành một trong những học viên xuất sắc trong khóa đào tạo.

Ngồi trầm ngâm bên những chiếc ốc vít vừa làm ra, ông L.T.H. (37 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) nói: “Từ kiến thức được thầy dạy, tôi không thể ngờ mình có thể làm ra những chiếc ốc vít. Sau khi học nghề ở cơ sở cai nghiện, về với cộng đồng, tôi sẽ tiếp tục học chuyên sâu hơn để nuôi giấc mơ tự mở một tiệm cơ khí riêng cho mình”.

Ông H. kể, năm 17 tuổi khi theo bạn lên TP.Hồ Chí Minh chơi thì bị các bạn rủ rê sử dụng ma túy và từ đó trở thành người nghiện. Tuổi trẻ bồng bột đã dẫn ông đến với ma túy như một con thiêu thân và bị lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy.

Đến năm 2000, ông cưới vợ và có con nhưng vì ông nghiện ngập nên vợ ôm con bỏ đi. Ông cai nghiện ma túy thành công trong vòng 5 năm. Đến năm 2012, do công việc bấp bênh, thời gian rảnh rỗi nhiều, ông lại lao vào sử dụng ma túy đá thay vì heroin như trước đây.

Tháng 1-2018, ông H. phải vào Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh và được các giáo viên hướng dẫn học nghề công nghệ sửa chữa ô tô. “Trước đây tôi làm nghề chạy xe tải nên khi được dạy về công nghệ ô tô tôi đã đăng ký ngay. Có cái nghề, khi ra đời tôi sẽ từ bỏ được ma túy để làm ăn lương thiện” -  ông  H. tâm sự.

* Tạo “cần câu” cho người nghiện

Theo ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh, để thực hiện tốt việc dạy nghề cho các học viên cai nghiện, cơ sở đã ký kết hợp đồng với các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Điều này vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy vừa có bằng cấp giá trị cho học viên khi hoàn thành xong khóa đào tạo.

Mỗi khóa học viên được đào tạo trong vòng 3 tháng, mỗi tuần sẽ được học 3 buổi. “Trước khi mở lớp, cơ sở đều làm phiếu khảo sát ngành nghề học viên muốn học và được đăng ký theo đúng sở trường. Định kỳ 1 tháng chúng tôi sẽ tổ chức hướng nghiệp một lần. Các khóa học đều được đào tạo bởi những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao” - ông Lịch cho biết.

Cũng theo ông Lịch, qua các khóa đào tạo nghề từ đầu năm 2018 đến nay, hầu hết các học viên có thể nắm rõ được phần lý thuyết và tự tạo ra được nhiều sản phẩm sử dụng như: ốc vít, bảng điện, trang phục… Điều quan trọng là học viên có thể nhận thức rõ hơn về định hướng nghề nghiệp để có thể nuôi dưỡng ước mơ còn dang dở và có quyết tâm từ bỏ ma túy, làm người lao động có ích cho xã hội.

Tố Tâm

Tin xem nhiều