Báo Đồng Nai điện tử
En

Sĩ quan quân đội chế tạo máy rửa chén

09:03, 25/03/2019

Thiếu tá Phùng Việt Cường, cán bộ Ban Chính trị, Trung đoàn 250 (Sư đoàn 309, đóng chân trên địa bàn TP.Biên Hòa) đã chế tạo và đưa vào hoạt động thử nghiệm tại đơn vị máy rửa chén và dụng cụ cấp dưỡng tự động (gọi tắt là máy rửa chén).

Thiếu tá Phùng Việt Cường, cán bộ Ban Chính trị, Trung đoàn 250 (Sư đoàn 309, đóng chân trên địa bàn TP.Biên Hòa) đã chế tạo và đưa vào hoạt động thử nghiệm tại đơn vị máy rửa chén và dụng cụ cấp dưỡng tự động (gọi tắt là máy rửa chén).

Thiếu tá Phùng Việt Cường (trái), cán bộ Ban Chính trị, Trung đoàn 250 (Sư đoàn 309) thuyết minh cho lãnh đạo Quân đoàn 4 và Sư đoàn 309 cách hoạt động của máy rửa chén
Thiếu tá Phùng Việt Cường (trái), cán bộ Ban Chính trị, Trung đoàn 250 (Sư đoàn 309) thuyết minh cho lãnh đạo Quân đoàn 4 và Sư đoàn 309 cách hoạt động của máy rửa chén

Điều đặc biệt, Thiếu tá Cường chế tạo máy rửa chén chỉ trong vòng 3 tháng với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, trong đó phần lớn kinh phí do Thiếu tá Cường tự bỏ ra. 

* Ý tưởng táo bạo

Thượng tá Hoàng Văn Việt, Chính ủy Trung đoàn 250 (Sư đoàn 309) nhận xét, máy rửa chén do Thiếu tá Phùng Việt Cường chế tạo với giá thành rẻ hơn các loại máy trên thị trường, tiết kiệm nước, dễ tháo lắp vệ sinh, dễ vận chuyển nên rất phù hợp với những bếp ăn cấp tiểu đoàn. Đơn vị kỳ vọng sáng kiến này sẽ được các cấp lãnh đạo thẩm định, đưa vào sử dụng rộng rãi.

Dù không học chuyên ngành kỹ thuật nhưng Thiếu tá Cường là người ham học hỏi, tìm hiểu cách thức hoạt động của những máy móc, vật dụng xung quanh. Giữa năm 2018, ông quan sát máy rửa chén công nghiệp đang được thử nghiệm tại Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309) và  nảy ra ý tưởng thử chế tạo  máy rửa chén để tiết kiệm tiền, công sức của chiến sĩ tổ nuôi quân khi hằng ngày phải rửa một lượng chén bát khá lớn.

Với ý tưởng đó, ông bắt đầu tập trung tìm hiểu các dòng máy rửa chén hiện có. Ông đi tham quan một số bếp ăn công nghiệp có máy rửa chén; xem các clip quảng cáo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng máy rửa chén trên internet để tìm hiểu cách hoạt động của các máy, giá thành và lượng tiêu hao nước, hóa chất của máy...

“Tất cả các máy rửa chén công nghiệp tôi tìm hiểu đều dùng áp lực nước và hóa chất tẩy rửa để làm sạch chén, dĩa, có một số máy thì dùng băng chuyền, giá thành thì từ 70 triệu động đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả chén, dĩa đều phải được rửa sơ một lần trước khi đưa vào máy, điều này khiến tôi băn khoăn và thử xem có cách nào giảm bớt được bước này không. Đây là lần đầu tiên tôi thử sức với việc này nên ngay từ đầu đã xác định sẽ là một thử thách rất cam go” - Thiếu tá Phùng Việt Cường cho biết.

* Sản phẩm đang được hoàn thiện

Đến tháng 11-2018, Thiếu tá Phùng Việt Cường bắt tay vào việc chế tạo máy rửa chén. Ông chọn cách hoạt động của máy bằng 1 trục quay đứng, xung quanh trục có giá tháo rời được để gác chén, khay trên đó. Khi giá đã đủ chén, cửa được đóng kín và trục bắt đầu quay, nước, dung dịch rửa chén được pha loãng được phun vào; dưới áp lực nước nóng, chén, khay sẽ được làm sạch.

Muốn hoàn thành mô hình trong vòng 3 tháng để kịp giới thiệu, trưng bày trong lễ ra quân huấn luyện ngày 1-3, nhiều đêm Thiếu tá Cường đã phải thức trắng để tính toán lắp ráp chi tiết sao cho phù hợp và hoàn thành mô hình cho kịp thời hạn. Vì không học chuyên ngành kỹ thuật nên mọi chi tiết ông đều tự mua vật tư về rồi đặt thợ hàn, gò theo kích thước ông tính toán. Có những chi tiết không phù hợp hoặc sai lệch lại phải bỏ đi làm cái mới. Cũng vì vậy chi phí chế tạo máy đội lên cao. Khi máy rửa chén hoàn chỉnh chỉ có giá khoảng 40-50 triệu đồng, nhưng số tiền thực tế Thiếu tá Cường bỏ ra để thay linh kiện phải nhiều gấp đôi số đó.

Thiếu tá Cường cho hay, quy trình hoạt động của máy sẽ khoảng 10 phút/lần, bắt đầu từ việc chiến sĩ sau khi ăn xong sẽ đem khay đặt lên giá, giá đầy sẽ được đưa vào tủ rửa rồi bắt đầu các quy trình như xịt nước cho trôi các hạt cơm dính lại, xịt nước sạch, dung dịch vệ sinh đã pha loãng, ngâm, xịt nước sạch rửa lại. Mỗi máy chỉ cần một người vận hành thay vì nhiều người cùng nhau rửa sẽ tốn nước và mất công sức hơn. Hiện nay, máy đang được Thiếu tá Cường điều chỉnh một số chi tiết cho phù hợp và gửi các cấp trên thẩm định.

“Khi thử nghiệm nhiều lần tại gia đình thì thấy chén, dĩa được rửa sạch mà không cần phải rửa sơ một lần trước khi đưa vào máy như các máy rửa chén khác trên thị trường. Rất mừng là khi tham quan mô hình, nhiều lãnh đạo cấp trên đã khen ngợi và động viên tôi về hoàn thiện mô hình, làm các chi tiết gọn hơn, bố trí các vị trí đưa nước vào, lấy nước ra hợp lý hơn” - Thiếu tá Phùng Việt Cường cho biết.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích