Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn, đẩy lùi thông tin "đen" trên mạng

09:07, 01/07/2019

Ngày nay, bên cạnh các thông tin bổ ích, mang lại nhiều giá trị tích cực đối với xã hội, thì internet và mạng xã hội (Facebook, Zalo...) còn vô số thông tin "đen" với nội dung sai trái, độc hại...

Ngày nay, internet và mạng xã hội (Facebook, Zalo...) đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì internet và mạng xã hội còn vô số thông tin “đen” với nội dung sai trái, độc hại...

c
Hiện có rất nhiều trang mạng xã hội có thông tin hướng dẫn làm quen với các tệ nạn xã hội, cụ thể như hướng dẫn cách đánh bài bịp

Thượng tá Phan Văn Cảnh, Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, qua thực tế điều tra cho thấy có nhiều vụ án xuất phát từ những tác động của mạng xã hội. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mua bán hàng cấm, lừa đảo, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác...

* Tác động xấu từ mạng xã hội

Trong thời gian qua, Công an tỉnh và công an các địa phương đã thụ lý điều tra, xử lý nhiều vụ mua bán hàng cấm (pháo, vũ khí, ma túy) qua mạng xã hội. Đơn cử như hầu hết các vụ mua bán pháo trên địa bàn tỉnh đều được các đối tượng sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook để giao dịch.

Thượng tá Phan Văn Cảnh, Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho rằng, ngăn chặn thông tin “đen” trên internet và mạng xã hội không chỉ cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý mà chính mỗi người dân, nhất là giới trẻ phải có ý thức, trách nhiệm hơn khi tham gia mạng xã hội. Theo đó phải nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội, tránh những hành vi vi phạm được quy định tại Luật An ninh mạng.

Các đối tượng sử dụng mạng để kết nối với một số người từ địa phương khác để tuồn hàng vào Đồng Nai tiêu thụ, nhiều nhất là trên địa bàn TP.Biên Hòa. Chỉ trong dịp cuối năm 2018 đầu năm 2019, tại TP.Biên Hòa đã có hơn chục vụ mua bán pháo bị bắt giữ. Qua điều tra đã khởi tố 4 vụ về hành vi mua bán hàng lậu.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng Zalo, Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều nạn nhân. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục vụ lợi dụng các tài khoản trên mạng xã hội để lừa đảo.

Chiêu thức “hack” (tấn công) tài khoản cá nhân rồi giả danh người quen, người thân sinh sống ở nước ngoài nhờ chuyển tiền, gửi tiền đã khiến nhiều người sập “bẫy”. Thậm chí có nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng.

Nguy hiểm hơn, trên internet và mạng xã hội còn có nhiều thông tin độc hại, hướng dẫn làm quen với các tệ nạn xã hội. Chỉ cần lên trang Google rồi gõ cách chơi bài bịp, kinh nghiệm đá gà ăn tiền, môi giới mại dâm qua mạng... sẽ có hàng trăm ngàn đến hàng triệu kết quả cho những thông tin cần tìm kiếm này.

Đặc biệt, một số thế lực thù địch đã lợi dụng trang mạng xã hội để bịa đặt, lôi kéo, kích động mọi người nhằm chống phá Nhà nước. Tại Đồng Nai, ngày 10-5, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Dung (54 tuổi, ngụ xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) 6 năm tù giam và Nguyễn Thị Ngọc Sương (51 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán) 5 năm tù giam về tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam.

Theo cáo trạng, Dung và Sương thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội để xem các video, bài viết có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam. Cả 2 đã vận động, kêu gọi biểu tình chống dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13-10-2018... Thậm chí, Dung còn làm các tờ rơi có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam rồi rủ Sương đi rải tại 4 điểm ở thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) và đã bị phát hiện, bắt giữ.

* Phải mạnh tay với thông tin “đen”

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã tạo ra một hành lang pháp lý, là công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.

Tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị cấm như: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng 1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, mặc dù luật đã quy định nhưng các quy định xử lý chưa rõ ràng, cụ thể nên vẫn còn xảy ra tình trạng các thông tin xuyên tạc, độc hại còn tràn lan trên mạng xã hội.

Trước thực tế đó, theo ông Cường, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu đưa pháp luật vào cuộc sống một cách thiết thực, cụ thể hơn. Trong đó đặc biệt là quy định về các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt phải thực sự đủ sức răn đe. Chẳng hạn một số tài khoản mạng xã hội có sử dụng số điện thoại nếu phát hiện có vi phạm thì cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý ngay (chặn số, chặn tài khoản mạng...). Việc mạnh tay với những hành vi lệch lạc sẽ góp phần lớn vào việc ngăn chặn những thông tin “đen” trên mạng xã hội.

Trần Danh

Tin xem nhiều