Báo Đồng Nai điện tử
En

Lừa đảo góp vốn đầu tư dự án, các bị cáo lãnh án nặng

09:08, 26/08/2019

Qua 8 ngày xét xử, ngày 26-8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Sài Gòn cây cảnh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn cây cảnh).

Qua 8 ngày xét xử, ngày 26-8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Sài Gòn cây cảnh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn cây cảnh).

Các bị cáo: Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thị Chí Sương, Đặng Trọng Nhân (từ phải qua) tại phiên tòa
Các bị cáo: Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thị Chí Sương, Đặng Trọng Nhân (từ phải qua) tại phiên tòa

Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Tình (57 tuổi, ngụ quận 2, TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn cây cảnh) bị tuyên phạt 18 năm tù (cộng với 18 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã bị tuyên trước đó là 30 năm tù - theo quy định, đối với các bản án tù có thời hạn, tổng hợp hình phạt tù không được vượt quá 30 năm);  bị cáo Nguyễn Thị Chí Sương (52 tuổi, vợ của bị cáo Tình) bị tuyên phạt 14 năm tù (cộng với 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã bị tuyên trước đó là 28 năm tù) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

* Hơn 200 khách hàng góp vốn bị “sập bẫy”

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, vào năm 2004, Công ty TNHH xây dựng - thương mại - dịch vụ Sài Gòn cây cảnh (trụ sở ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 4 tỷ đồng do Sương làm Giám đốc và Tình là thành viên góp vốn. Sau nhiều lần thay đổi loại hình công ty, bổ sung ngành nghề kinh doanh, thành viên góp vốn,… đến đầu năm 2010, công ty này chuyển đổi thành Công ty cổ phần Sài Gòn cây cảnh do Tình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc công ty.

Liên quan đến vụ án này, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đặng Trọng Nhân (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) 4 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa xác định Nhân tham gia với vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Tình và Sương chiếm đoạt tài sản.

Trong 2 năm 2003 và 2004, Tình và Sương mua được 3,6 hécta đất tại ấp Long Đức 2 (xã Tam Phước, huyện Long Thành, nay là phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) để lập vườn ươm và kinh doanh cây cảnh với số vốn thực có khoảng 2 tỷ đồng.

Mặc dù không có khả năng về tài chính nhưng vợ chồng Tình vẫn xin phép đầu tư dự án Khu dân cư Tam Phước (xã Tam Phước) với diện tích 157 hécta. Dự án này chỉ mới được UBND tỉnh chấp thuận giới thiệu địa điểm nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng. Tình và Sương cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đền bù, giải tỏa để được giao đất theo quy định.

Thực tế tính đến cuối tháng 6-2007, Tình và Sương mới sở hữu 5 thửa đất với tổng diện tích hơn 100 ngàn m2 tại xã Tam Phước (diện tích này đều nằm trong diện tích 157 hécta đất dự án Khu dân cư Tam Phước). Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất của Tình và Sương đều đã thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, chi nhánh quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) để vay tiền.

Điều đáng nói, mặc dù dự án Khu dân cư Tam Phước chưa đủ điều kiện phân lô, bán nền và không được phép huy động vốn nhưng từ tháng 12-2006 đến tháng 1-2011, Tình và Sương với tư cách pháp nhân là Công ty Sài Gòn cây cảnh đã ký với khách hàng nhiều hợp đồng góp vốn; ký hợp đồng đại lý phân phối độc quyền dự án này với Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hoàng Linh, Công ty cổ phần dịch vụ - đầu tư - xây dựng bất động sản Nam Tiến, đều ở TP.Hồ Chí Minh.

Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, Tình và Sương đã ký tổng cộng hơn 500 hợp đồng góp vốn để bán hơn 500 nền đất cho 223 khách hàng, chiếm đoạt hơn 175 tỷ đồng. Đa phần người bị hại là người dân sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

* Bán đất nền dưới hình thức hợp đồng góp vốn

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự trong các ngày vừa qua, luật sư Trần Việt Cường, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh (bào chữa cho 2 bị cáo) cho rằng, việc ký kết hợp đồng đều thực hiện tại Văn phòng Công ty Sài Gòn cây cảnh ở TP.Hồ Chí Minh nhưng lại do cơ quan tố tụng tại Đồng Nai điều tra, xét xử là không đúng;  không mời đại diện pháp nhân Công ty Sài Gòn cây cảnh tham gia tố tụng là sai về mặt pháp luật.

Luật sư Cường cũng phân tích, bản cáo trạng của VKSND tỉnh đã hình sự hóa dân sự, buộc các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng. Theo luật sư Cường, các bị cáo không có ý đồ chiếm đoạt tài sản từ trước khi ký hợp đồng góp vốn và không có hành vi gian dối, bởi lẽ phía công ty đã đền bù xong 30 hécta/43 hécta đất trong giai đoạn 1 của dự án và thực chất các hợp đồng không phải là bán nền mà chỉ là góp vốn. Mặt khác, khi đang thực hiện dự án thì Tình và Sương bị khởi tố bắt giam trong một vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khác nên dự án bị ngưng trệ, chứ các bị cáo không trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, cơ quan tố tụng tại Đồng Nai không sai về thẩm quyền xét xử do hành vi phạm tội của hai bị cáo thực hiện tại nhiều nơi như: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh nhưng sau khi họp liên ngành giữa các cơ quan chức năng của hai địa phương đã thống nhất thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử thuộc về Đồng Nai. Hơn nữa, trách nhiệm trong vụ án chỉ là cá nhân 2 bị cáo Tình và Sương mà không liên quan đến Công ty Sài Gòn cây cảnh nên không cần đưa công ty vào tham gia tố tụng.

Đại diện VKSND tỉnh cũng xác định, Tình và Sương chỉ mới hoàn thành thỏa thuận bồi thường 20 hécta chứ chưa thực hiện bồi thường cho người dân. Hơn nữa, căn cứ theo hợp đồng đại lý phân phối độc quyền được ký giữa Tình và các công ty khác, VKSND tỉnh xác định hợp đồng góp vốn chỉ là phương thức thanh toán còn thực chất các hợp đồng đều là bán nền đất dự án để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trong khi đó, 5 thửa đất do Tình và Sương làm chủ sở hữu đều đã được thế chấp vào ngân hàng, còn tiền của các bị hại góp vốn đều không được Tình, Sương sử dụng vào dự án.

Sau phần tranh luận, Hội đồng xét xử nhất trí với nhận định của VKSND tỉnh cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt số lượng tài sản rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây thiệt hại cho nhiều người dân có nhu cầu mua đất sử dụng, đến nay không có khả năng thu hồi. Do đó, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo mức án thật nghiêm khắc nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.

Về trách nhiệm dân sự, TAND tỉnh cũng buộc 2 bị cáo Tình và Sương có trách nhiệm hoàn trả, liên đới hoàn trả cho 220 bị hại (có 3 bị hại rút đơn yêu cầu bồi thường) với tổng số tiền hơn 146 tỷ đồng.   

       Tố Tâm

Tin xem nhiều