Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên trì đi đòi công lý

09:11, 24/11/2019

Đến nay, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa ra xét xử hơn 20 vụ án lao động tranh chấp tiền lương ngừng việc giữa người lao động với Công ty cổ phần Hòa Việt (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Trong hơn 20 vụ tranh chấp này, TAND tỉnh đều chấp nhận nội dung yêu cầu doanh nghiệp trả lương ngừng việc còn thiếu cho người lao động.

Đến nay, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa ra xét xử hơn 20 vụ án lao động tranh chấp tiền lương ngừng việc giữa người lao động với Công ty cổ phần Hòa Việt (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Trong hơn 20 vụ tranh chấp này, TAND tỉnh đều chấp nhận nội dung yêu cầu doanh nghiệp trả lương ngừng việc còn thiếu cho người lao động.

Nhiều người lao động từng làm việc tại Công ty cổ phần Hòa Việt tiếp tục đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn để nhờ hỗ trợ pháp lý. Ảnh: Nhân An
Nhiều người lao động từng làm việc tại Công ty cổ phần Hòa Việt tiếp tục đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn để nhờ hỗ trợ pháp lý. Ảnh: Nhân An

Trước đó, ngày 12-11, TAND tỉnh tuyên buộc Công ty cổ phần Hòa Việt trả cho ông Huỳnh Lê Dũng (ngụ TP.Hồ Chí Minh) khoản tiền lương ngừng việc còn thiếu trên 13,4 triệu đồng. Đây được xem là “án mẫu” để các thẩm phán xét xử hàng chục vụ tranh chấp về tiền lương ngừng việc tại công ty.

* Niềm tin vào công lý

Ông Dũng và nhiều công nhân lao động cho rằng, việc họ đi khiếu kiện công ty không hoàn toàn vì mục đích đòi tiền lương ngừng việc (vì số tiền yêu cầu bồi thường không nhiều, người thấp nhất chưa tới 3 triệu đồng, còn người cao nhất cũng chỉ hơn 13 triệu đồng) mà quan trọng nhất là vì công lý và danh dự. Tuy nhiên, con đường đi tìm công lý xuyên suốt hơn 2 năm qua của họ phải trải qua nhiều thử thách. Người lao động chấp nhận đánh đổi nhiều thứ: thời gian, công sức và chi phí đi lại, thậm chí mất việc làm... với hy vọng vụ việc được sáng tỏ.

Ông Dũng chia sẻ, ông năm nay 53 tuổi, đã có gần 30 năm làm việc ổn định tại Công ty cổ phần Hòa Việt. Trong thời gian từ tháng 6-2016 đến tháng 9-2017, công ty bố trí cho ông ngừng việc với tổng cộng 105 ngày và có trả lương ngừng việc cho ông. Tuy nhiên, ông Dũng sau đó phát hiện những sai phạm của công ty về chi trả lương ngừng việc không đúng đối với mình và nhiều công nhân lao động khác. Cụ thể, công ty trả lương ngừng việc bằng mức lương tối thiểu vùng mà không thương lượng với người lao động (tại Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động).

“Lúc đó, tôi không muốn làm lớn chuyện nên có đề nghị công ty thương lượng cách giải quyết với người lao động, thế nhưng, công ty không đồng ý” - ông Dũng kể lại.

Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn phụ trách bộ phận sản xuất 1 của công ty, ông Dũng đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động bằng cách làm đơn “cầu cứu” các cơ quan chức năng. “Mình biết việc phản ứng lại công ty sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm, nhưng vì người lao động nên mình sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân...” - ông Dũng tâm sự.

Hành trình đi đòi quyền lợi hơn 2 năm qua của ông Dũng gặp khá nhiều khó khăn: đường sá xa xôi (nhà ông Dũng ở TP.Hồ Chí Minh, cách TP.Biên Hòa hơn 50km), phải nghỉ việc nhiều lần để đi bổ sung chứng cứ hồ sơ... Sau vụ đòi lương ngừng việc, ông Dũng đã bị mất việc làm. Điều khiến ông Dũng hụt hẫng nữa là khi vụ án đưa ra xét xử cấp sơ thẩm thì bị TAND TP.Biên Hòa bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông vì cho rằng không có căn cứ. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn tin tưởng vào công lý và quyết không bỏ cuộc. Ông tiếp tục nhờ đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ làm đơn kháng cáo gửi đến Tòa án cấp phúc thẩm.

Đồng hành với ông Dũng trong vụ kiện đòi tiền lương ngừng việc còn có bà Lê Thị Bình (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Bà Bình làm việc tại công ty hơn 21 năm và đã có hơn 10 năm làm Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn bộ phận sản xuất 1 của công ty. Vì vậy, khi phát hiện việc công ty trả lương ngừng việc không đúng, bà mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình và người lao động. Sau đó, bà bị công ty điều chuyển sang bộ phận nhà ăn. Tương tự như ông Dũng, khi bà Bình không chấp hành việc điều chuyển của công ty thì bị công ty ra quyết định sa thải (hiện bà Bình cũng đã khởi kiện trong một vụ án khác).

Ngoài ông Dũng và bà Bình, còn có khoảng 60 công nhân cũng làm đơn khiếu kiện công ty để làm sáng tỏ vụ trả lương ngừng việc.

* Bản án thấu tình, đạt lý

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, qua ghi nhận từ các công nhân của Công ty cổ phần Hòa Việt khi đến trung tâm nhờ tư vấn pháp luật thì các tư vấn viên phát hiện công ty trả lương ngừng việc chưa đúng quy định, bởi công ty không thỏa thuận với người lao động. Trong đó, ông Huỳnh Lê Dũng là người tiên phong gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội và được cơ quan này kết luận: công ty đã thực hiện sai quy định của pháp luật và yêu cầu công ty phải khắc phục sai phạm, trả tiền lương còn thiếu cho ông Dũng. Thế nhưng, công ty cương quyết không thực hiện, gây bức xúc cho công nhân.

Hơn nữa, số lượng công nhân bị ảnh hưởng quyền lợi đông, có tính chất vụ việc giống nhau. Nếu không hỗ trợ người lao động để đưa sự việc ra tòa thì quyền lợi công nhân bị thiệt thòi; đồng thời tạo ra tiền lệ không tốt đối với các doanh nghiệp khác. Đây là lý do mà các luật sư và tư vấn viên tại trung tâm quyết định nhận bảo vệ quyền lợi và làm đại diện cho người lao động để đưa vụ việc ra tòa án phân xử.

Theo Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Vũ Ngọc Hà, khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bác bỏ toàn bộ nội dung đơn khởi kiện đã khiến người lao động thất vọng. Tuy nhiên, các cán bộ ở trung tâm đã kịp thời động viên người lao động tin tưởng vào công lý. Trung tâm đã tổ chức họp bàn kỹ các tình huống, phương án nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại phiên tòa phúc thẩm.

Luật sư Lê Tấn Tý cho biết thêm, trong vụ này, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của người lao động là đã xem xét vấn đề một cách “thấu tình, đạt lý”, giúp người lao động giải tỏa nỗi bức xúc kéo dài hơn 2 năm qua.

“Các anh chị em tại trung tâm cũng vui lây, vì đã giúp công nhân giành lại được quyền lợi chính đáng của mình; đồng thời thông qua đó củng cố được niềm tin của người lao động vào pháp luật và vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động của tổ chức Công đoàn” - Luật sư Lê Tấn Tý nói.

Bà Lê Thị Bình (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Con đường đi tìm chân lý dù gian nan nhưng chúng ta vẫn cứ đi. Chúng ta không nản chí và công lý đã xuất hiện”.

Nhân An

Tin xem nhiều