Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử phạt nặng với vi phạm về an toàn giao thông

11:01, 13/01/2020

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm về an toàn giao thông.

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm về an toàn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/NĐ-CP. Ảnh: N.Hòa
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/NĐ-CP. Ảnh: N.Hòa

Nghị định 100 được ban hành, thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Các quy định trong Nghị định 100 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với nghị định cũ.

* Phạt nặng nếu vi phạm

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định 100 là các quy định về tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Riêng người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này).

Nghị định 100 cũng bổ sung hình thức xử phạt tịch thu phương tiện đối với trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có giấy đăng ký xe hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện. Bên cạnh tăng mức phạt tiền với một số hành vi, nghị định này còn tăng thêm thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…

Bên cạnh đó, Nghị định 100 cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó, chủ phương tiện bị phạt có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Đại úy Nguyễn Văn Vinh, Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, Nghị định 100 quy định rõ về sử dụng thông tin, hình ảnh có được từ thiết bị ghi âm, ghi hình để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm; bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm sẽ chỉ cấp giấy đăng kiểm có hiệu lực 15 ngày với các xe được thông báo vi phạm trong phần mềm khi đến hạn kiểm định mà chưa nộp phạt.

Ngoài ra, Nghị định 100 cũng bổ sung các quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới bằng lái, chứng chỉ cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng các loại giấy phép này. Đặc biệt, nghị định này cũng điều chỉnh mức xử phạt tăng nặng đối với các hành vi đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc… nhằm tăng cường hơn nữa đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tuần tra, xử lý vi phạm theo Nghị định 100. Theo đó, ngành chức năng đã tiến hành lập biên bản 444 trường hợp vi phạm (gồm: 44 xe khách, 273 xe tải, 9 xe đầu kéo, 33 xe ô tô con và 85 xe máy) và tạm giữ 27 phương tiện với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Riêng về vi phạm nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản 99 trường hợp vi phạm (gồm: 11 ô tô, 88 xe mô tô).

* Tăng cường biện pháp tuyên truyền

Theo Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. Với quyết tâm cao, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn, tốc độ… của người vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ… vẫn còn diễn ra tại một số địa phương. Do đó, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc tăng cường tuần tra, xử phạt vi phạm về an toàn giao thông trên đường góp phần hạn chế tai nạn giao thông xảy ra. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông Công an tỉnh yêu cầu một xe dừng
Việc tăng cường tuần tra, xử phạt vi phạm về an toàn giao thông trên đường góp phần hạn chế tai nạn giao thông xảy ra. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông Công an tỉnh yêu cầu một xe dừng để kiểm tra trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Long Khánh

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, Nghị định 100 được xem là biện pháp hữu hiệu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, nghị định mới đã nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay, với việc quy định rõ 12 hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng rượu, bia trong  Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc tăng nặng các mức xử phạt trong Nghị định 100 khi áp dụng vào thực tế đã tạo được sự chuyển biến trong thói quen sử dụng rượu, bia của nhiều người;  ý thức uống rượu, bia thì không lái xe đã được nâng lên. Do đó, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cũng đóng vai trò quan trọng.

“Thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tiếp tục tuyên truyền đến nhiều đối tượng, người tham gia giao thông để hiểu và chấp hành tốt các quy định này” - ông Minh nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều