Báo Đồng Nai điện tử
En

Lò mổ heo trái phép vẫn tồn tại

11:02, 21/02/2020

Trước thực trạng các lò mổ heo trái phép hoạt động ngày càng phức tạp, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây lan dịch bệnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực ngăn chặn, xử lý những cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều lò mổ heo trái phép "lén lút" hoạt động.

Trước thực trạng các lò mổ heo trái phép hoạt động ngày càng phức tạp, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây lan dịch bệnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực ngăn chặn, xử lý những cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều lò mổ heo trái phép “lén lút” hoạt động.

Lực lượng công an bắt quả tang một cơ sở mổ heo trái phép tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Danh
Lực lượng công an bắt quả tang một cơ sở mổ heo trái phép tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Danh

Thời gian vừa qua, tại một số địa phương như: TP.Biên Hòa, các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ giết mổ heo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa phần các cơ sở này đều hoạt động không phép, số heo bị phát hiện không có giấy chứng nhận kiểm dịch; hoạt động giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

* Giết mổ cả heo bệnh, heo chết

Điều đáng báo động là qua công tác kiểm tra, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh và công an các địa phương phát hiện một số lò mổ heo trái phép giết mổ, tích trữ heo chết, heo bệnh để bán ra thị trường. Các cơ sở này mua heo bệnh, heo chết với giá rẻ, chỉ khoảng 30 ngàn đồng/kg từ các trang trại nuôi heo trên địa bàn rồi về giết mổ thịt, phân phối ra thị trường.

Theo Công an tỉnh, chỉ trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2020, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 121 vụ, 133 đối tượng vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, vi phạm về an toàn thực phẩm 15 vụ, 15 đối tượng; vệ sinh thú y 17 vụ, 7 đối tượng; tiêu hủy, xử lý hơn 2 tấn động vật, sản phẩm từ động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Gần nhất, vào chiều 13-2, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, công an địa phương bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ heo của ông Vũ Đức Nhiệm (ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) phát hiện cơ sở này đang mổ heo bệnh, heo chết. Lực lượng chức năng xác định cơ sở của ông Nhiệm có 7 con heo (tổng trọng lượng gần 150kg) đã chết, da tím tái đang chờ lóc thịt để bán; 500kg thịt heo được ướp đá chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Làm việc với cơ quan công an, ông Nhiệm thừa nhận mua heo chết với giá 50 ngàn đồng/kg
từ các trại heo trên địa bàn huyện về xẻ thịt và cấp đông tích trữ để bán tại các khu chợ tự phát ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Trước đó, ngày 29-1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh và UBND phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bắt quả tang cơ sở của ông Nguyễn Văn Linh (ngụ phường Long Bình) đang mổ heo chết. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có 12 con heo với tổng trọng lượng khoảng 2 tấn, trong đó có 6 con heo đã chết.

Theo xác minh của công an, cơ sở của ông Linh chuyên mua heo chết từ các hộ dân trên địa bàn với giá khoảng 30 ngàn đồng/kg về xẻ thịt bán. Cơ quan chức năng đã thu giữ tổng cộng khoảng 5,7 tấn thịt heo và nội tạng heo tại cơ sở này.

* Vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính

Theo Công an tỉnh, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ để kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều lò mổ heo trái phép. Tuy nhiên, do lợi nhuận quá lớn nên nhiều đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động. Trong khi đó, các chế tài xử lý chưa nghiêm.

Thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an huyện Long Thành cho biết, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đủ mạnh. Phần lớn các vụ việc vi phạm bị phát hiện mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, xử lý hình sự với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các hành vi: sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý hình sự chủ các cơ sở giết mổ heo bệnh, heo chết không dễ. Cụ thể như trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, bắt một số vụ liên quan đến giết, mổ heo bệnh, heo chết chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, để xử lý hình sự được các vụ việc này, lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng tá Lương Đại Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết, hiện khó khăn lớn nhất mà lực lượng công an thường gặp đó là xác định được hành vi của đối tượng, “biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh” nhưng vẫn cung cấp, bán ra thị trường.

 “Qua làm việc với các đối tượng vi phạm cho thấy, các đối tượng thừa nhận heo chết nhưng lại cho rằng không biết heo chết do dịch bệnh, chính vì vậy rất khó xác định tội danh để xử lý hình sự” - Thượng tá Thủy nói.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, các ngành chức năng cần có các quy định cụ thể trong việc xử lý các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Hình sự cũng cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều