Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó trong cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung

11:03, 12/03/2020

Hiện nay, nhiều vụ tranh chấp dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã được tòa án xét xử nhưng chưa thi hành án được vì công tác cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều vụ tranh chấp dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã được tòa án xét xử nhưng chưa thi hành án được vì công tác cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung gặp nhiều khó khăn.

Chi cục Thi hành án dân sự H.Cẩm Mỹ cưỡng chế thi hành án liên quan tới việc phân chia tài sản chung. Ảnh: Diễm Quỳnh
Chi cục Thi hành án dân sự H.Cẩm Mỹ cưỡng chế thi hành án liên quan tới việc phân chia tài sản chung. Ảnh: Diễm Quỳnh

Khi lực lượng chức năng thi hành án xử lý tài sản thường bị chống đối, cản trở và dễ làm phát sinh tranh chấp giữa các đồng sở hữu tài sản. 

* Khó xử lý khi tài sản thế chấp thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Theo quyết định của tòa án, ông N.V.N. (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) phải có trách nhiệm trả nợ cho ông L.V.Y. (TT.Trảng Bom) số tiền 500 triệu đồng. Trong khi đó ông N. không có tài sản nào khác ngoài diện tích đất trên 150m2 (giá trị trên 1 tỷ đồng, hiện vợ chồng ông N. cùng đứng tên sử dụng) và ông không tự nguyện thi hành án. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) huyện buộc phải cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản chung của vợ chồng ông N. để đảm bảo thi hành án cho ông Y. đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Cục trưởng THADS tỉnh Phan Văn Châu cho hay, Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 62) ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS đã hướng dẫn xử lý, cũng như xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề xác định tài sản thuộc sở hữu chung.           

“Tuy nhiên quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng đối với tài sản là bất động sản khá phức tạp nên việc xác minh, làm rõ về nguồn gốc tài sản rất khó khăn. Việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ chồng do đó cũng dễ tiềm ẩn những thiếu sót. Một khi sai sót thì trách nhiệm của chấp hành viên rất lớn” - ông Châu nói.

Theo Cục THADS tỉnh, trong việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, chấp hành viên còn gặp vướng mắc do quy định pháp luật chưa thống nhất. Chẳng hạn, Điều 74, 75 Luật THADS quy định, nếu đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu tòa án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nhưng khi chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của tòa án thì gặp vướng do Điểm c, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62 quy định, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Hiện nay có tình trạng người phải thi hành án thì không muốn thi hành hoặc tìm mọi cách để kéo dài thời gian thi hành án, còn những người có nghĩa vụ liên quan (đồng sở hữu tài sản) cũng không khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản. Vì theo quy định họ không khởi kiện thì cũng đã có chấp hành viên khởi kiện thay.

Ông Phan Văn Châu cũng đề xuất, để thuận lợi cho chấp hành viên khi áp dụng pháp luật vào thực tế, trước mắt, cần hướng dẫn thống nhất các cơ quan THADS địa phương thực hiện theo Điểm c, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62 theo hướng chấp hành viên xác định phần quyền sở hữu theo Luật Hôn nhân và gia đình (với nguyên tắc chia theo tỷ lệ 50-50), đối với tài sản của hộ gia đình thì thực hiện việc chia theo số lượng thành viên của hộ gia đình.

Về lâu về dài, theo ông Phan Văn Châu cần bỏ quyền của chấp hành viên trong việc yêu cầu tòa án phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của những người đồng sở hữu tài sản trong việc chấp hành các quy định của Luật THADS.

* Người đồng sở hữu tài sản đứng ra bảo lãnh vay không chịu... trả nợ

Việc xử lý tài sản chung để cưỡng chế thi hành án luôn vấp phải sự phản ứng từ phía những người đồng sở hữu tài sản. Chẳng hạn như trường hợp của ông T.H. (TT.Định Quán, H.Định Quán) vay ngân hàng 1 tỷ đồng để kinh doanh và được các thành viên trong nhà là đồng sử dụng QSDĐ và sở hữu nhà ở bảo lãnh vay.

Tuy nhiên, khi ông H. mất khả năng thanh toán nợ, ngân hàng khởi kiện ra tòa. Thực hiện theo quyết định của tòa, cơ quan THADS huyện tiến hành xử lý tài sản chung để cưỡng chế thi hành án thì bị người nhà ông H. phản ứng. Người nhà của ông H. cho rằng, ban đầu họ nghĩ đứng ra bảo lãnh cho ông H. vay tiền và ông H. phải có nghĩa vụ trả nợ chứ họ không phải là người có nghĩa vụ trả nợ. Số nợ của ông H. chỉ bằng 1/2 khối tài sản chung. Nếu cơ quan THADS tiến hành cưỡng chế kê biên toàn bộ tài sản thì họ sống ở đâu.

Với các trường hợp trên, theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) thì dù tài sản thế chấp vay ngân hàng rất thấp so với giá trị thực hoặc tài sản thế chấp vay của bên thứ 3 bảo lãnh cho người vay, khi người vay không có điều kiện trả nợ vẫn bị ngân hàng, tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế nhằm thu hồi nợ.

“Để bảo vệ quyền lợi của mình, người bảo lãnh, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới tài sản thế chấp có quyền khởi kiện người được mình bảo lãnh vay vốn đòi quyền lợi chứ không được chống đối, cản trở, hoặc người vay vốn không thể viện lý do số tiền vay quá ít so với giá trị tài sản mà không chấp hành việc cưỡng chế kê biên tài sản của cơ quan THADS” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Trong năm 2019, cơ quan THADS tỉnh thụ lý 883 việc (tương ứng số tiền hơn 4,5 ngàn tỷ đồng) liên quan tới tín dụng, ngân hàng. Qua phân loại và xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan THADS tỉnh đã thi hành xong 136 việc (tương ứng số tiền hơn 3,2 ngàn tỷ đồng). Tỷ lệ án liên quan tới tín dụng, ngân hàng thi hành đạt thấp có nhiều nguyên nhân như: người bị thi hành án không có tài sản thi hành, đang chấp hành án phạt tù, tài sản thế chấp rất nhỏ so với số tiền được vay, khó cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung...

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều