Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng

10:06, 01/06/2020

Trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ làm ảnh hưởng đến sự công bằng  tính nhân văn của một chính sách an sinh xã hội, mà còn khiến các bệnh viện gặp khó khăn khi bị đội chi, vượt dự toán BHYT.

 

Trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ làm ảnh hưởng đến sự công bằng  tính nhân văn của một chính sách an sinh xã hội, mà còn khiến các bệnh viện gặp khó khăn khi bị đội chi, vượt dự toán BHYT.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang đối chiếu thông tin bệnh nhân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế với dữ liệu trên hệ thống để ngăn ngừa tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Liễu
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang đối chiếu thông tin bệnh nhân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế với dữ liệu trên hệ thống để ngăn ngừa tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Liễu

 

[links()]Để chống trục lợi BHYT, cần sự vào cuộc của 3 bên: cơ sở y tế - cơ quan bảo hiểm và người dân. Trong đó, phải bắt đầu từ các cơ sở y tế với thái độ nghiêm túc, kiên quyết ngay từ đầu đối với những trường hợp đi khám bệnh quá nhiều lần, lấy thuốc bất hợp lý...

* Nghiêm túc bắt đầu từ các bệnh viện

Để phối hợp kiểm soát, BHXH tỉnh đã đề nghị các cơ sở y tế phải “đẩy” dữ liệu khám chữa bệnh lên hệ thống ngay khi kết thúc quy trình khám, chữa bệnh của người dân. Ngoài ra, việc đưa thông tin dữ liệu lên hệ thống khám chữa bệnh BHYT cần phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ sở y tế. 

“Thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng bệnh viện khám trước và không đưa lên hệ thống nên bệnh viện khám sau mở ra không thấy, hoặc bệnh viện khám trước có đưa lên hệ thống nhưng bệnh viện khám sau không mở phần mềm ra kiểm tra thì cũng... như không” - Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhận định.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhấn mạnh, bệnh tật là chuyện khó tránh trong một đời người, do đó ý thức và sự chia sẻ của người dân khi sử dụng BHYT vẫn là then chốt. Trong điều kiện ngành Y tế còn nhiều khó khăn, quỹ BHYT có hạn nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chia sẻ tài chính của cộng đồng, nhiều người bệnh nặng đã vượt qua nghịch cảnh... Mong rằng những người đã và đang có ý định trục lợi từ BHYT nên dừng lại.

 

Trước thực trạng phải đối mặt với những khó khăn do vượt dự toán, nhiều bệnh viện đã và đang siết chặt hoạt động khám chữa bệnh BHYT, đây cũng là một trong những giải pháp chống trục lợi BHYT.

Năm 2019, vượt dự toán chi quỹ BHYT tới 86 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai BS Ngô Đức Tuấn cho biết, để giảm vượt chi, tránh bị xuất toán trong khám chữa bệnh BHYT, bệnh viện đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT.

Đối với hoạt động khám bệnh BHYT ngoại trú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn yêu cầu khâu tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh phải mở hệ thống và kiểm tra dữ liệu, lịch sử lượt khám trước của bệnh nhân trên hệ thống của BHXH; đối chiếu thông tin, hình ảnh người khám bệnh với thông tin trên thẻ BHYT; kiên quyết từ chối các bệnh nhân còn thuốc nhưng tái khám trước lịch hẹn; yêu cầu bác sĩ các khoa, phòng siết chặt việc kê toa, cấp thuốc, đặc biệt hạn chế tăng liều; không cấp thuốc cho những ca khám không đủ cơ sở xác định có bệnh; chỉ kê toa, cấp thuốc khi có mặt bệnh nhân. Đối với một số loại thuốc đắt tiền như chai xịt chống co thắt đường thở, muốn nhận chai mới, bệnh nhân phải đưa vỏ chai cũ vào đổi.

Để hạn chế tình trạng trục lợi, nhằm hạn chế chi vượt dự toán BHYT,  Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán “siết” rất gắt đối với những trường hợp người dân đi khám bệnh BHYT “quá dày”, lấy quá nhiều thuốc. Riêng với những loại thuốc đắt tiền như: tim mạch, suyễn, huyết áp... bệnh viện không cấp nguyên hộp, nguyên lốc, nguyên vỉ, vẫn đủ số lượng nhưng chia, cắt lẻ ra, mà đã cắt lẻ thì nhà thuốc không mua.

BS Tạ Quang Trí, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho hay, bệnh viện còn yêu cầu bác sĩ kiểm tra kỹ trước khi cấp thuốc. Ví dụ: toa thuốc trước của Khoa Tiêu hóa đã cho kháng sinh trị bệnh đường ruột, khi bệnh nhân sang khám viêm đường tiết niệu thì khoa này sẽ không cấp thêm kháng sinh, bởi kháng sinh trị đường ruột trị luôn được viêm đường tiết niệu. Việc cấp kháng sinh không trùng lắp vừa tiết kiệm được thuốc, vừa tránh được nguy cơ tăng liều gây hại cho bệnh nhân, lại vừa hạn chế được tình trạng trục lợi BHYT lấy thuốc ra bán.

* Quyết liệt chống trục lợi BHYT

BHYT là chính sách an sinh xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chia sẻ của cộng đồng dành cho người bệnh. Nỗ lực hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân trong hành trình tiến tới bao phủ BHYT toàn dân, Nhà nước, ngành Bảo hiểm, ngành Y tế đã tạo mọi điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, thuận tiện nhất. Thế nhưng, ngành vẫn chưa “khống chế” triệt để được tình trạng trục lợi quỹ BHYT.

Việc tham gia bảo hiểm y tế cũng là một cách chia sẻ giữa người khỏe và người bệnh, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chuẩn bị một ca phẫu thuật chấn thương - chỉnh hình
Việc tham gia bảo hiểm y tế cũng là một cách chia sẻ giữa người khỏe và người bệnh, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chuẩn bị một ca phẫu thuật chấn thương - chỉnh hình

 

Được biết, năm 2019 BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cho xác minh 826 trường hợp, trong đó có 650 trường hợp đã qua đời nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh; hơn 1,7 ngàn lượt khám, chữa bệnh BHYT có dấu hiệu của lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Riêng tại Đồng Nai, có 40 trường hợp khám bệnh bất thường trong số này được BHXH Việt Nam yêu cầu xác minh. Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Y tế và BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp  phối hợp trên tinh thần cùng chống trục lợi BHYT, trong đó hiệu quả nhất là sự chia sẻ, kết nối và triển khai hệ thống thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh BHYT giữa hai ngành BHXH và Y tế.

Giám đốc Sở Y tế TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, thời gian qua Sở đã chỉ đạo rất quyết liệt đến các cơ sở y tế trong việc chỉ định các dịch vụ khám chữa bệnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng; không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ “khống”, kê đơn “khống”, dễ dàng trong cấp thuốc hay cấp thuốc không đầy đủ cho người dân để chiếm dụng thuốc, tiền từ quỹ BHYT.

Mới đây, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế và các phòng khám đa khoa trên địa bàn nghiêm túc chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh BHYT. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra những sai phạm tại đơn vị. Riêng đối với những cá nhân liên quan đến những trường hợp vi phạm, tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT sẽ phải xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của ngành và của pháp luật.

Riêng về việc 2 quy định “đá nhau”: BHXH tỉnh yêu cầu khi kết thúc quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, các cơ sở y tế phải đưa ngay dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống, song quy định của Bộ Y tế lại cho phép “kết sổ” trong một tuần, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong khi chờ thống nhất của Liên Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân và đưa thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh BHYT lên hệ thống ngay sau khi kết thúc quy trình khám chữa bệnh của người bệnh, để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, trùng lắp trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT.

“Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh và xử lý một số trường hợp khám chữa bệnh có dấu hiệu bất thường” - Giám đốc Sở Y tế TS-BS Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Phương Liễu

Tin xem nhiều