Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế để các vụ án tạm đình chỉ kéo dài

08:06, 28/06/2020

Quá trình điều tra các vụ án hình sự, có những vụ án, bị can, cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ do nhiều nguyên nhân khác nhau.Theo cơ quan chức năng, việc tạm đình chỉ đối với các vụ án, bị can như là "món nợ" mà cơ quan tố tụng cần phải có giải pháp để sớm "trả" cho dân.

Quá trình điều tra các vụ án hình sự, có những vụ án, bị can, cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ do nhiều nguyên nhân khác nhau.Theo cơ quan chức năng, việc tạm đình chỉ đối với các vụ án, bị can như là “món nợ” mà cơ quan tố tụng cần phải có giải pháp để sớm “trả” cho dân.

Trong số các vụ án hình sự đang tạm đình chỉ, có cả các vụ án ma túy. Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa niêm phong tang vật trong một vụ án ma túy để giám định làm cơ sở khởi tố vụ án. Ảnh minh họa: T.Danh
Trong số các vụ án hình sự đang tạm đình chỉ, có cả các vụ án ma túy. Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa niêm phong tang vật trong một vụ án ma túy để giám định làm cơ sở khởi tố vụ án. Ảnh minh họa: T.Danh

Theo Viện KSND tỉnh, trong năm 2019 và gần 6 tháng đầu năm 2020, số vụ án, bị can do các cơ quan tố tụng tạm đình chỉ trên địa bàn tỉnh là 590 vụ/240 bị can. Trong đó,  số vụ án, bị can do cơ quan điều tra tạm đình chỉ 572 vụ/177 bị can. Ngoài ra, còn có một số vụ án, bị can do viện kiểm sát, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ.

* Vẫn còn án tạm đình chỉ kéo dài

Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, một số loại tội phạm thường dẫn đến án tạm định chỉ sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can là các tội xâm phạm sở hữu: trộm cắp tài sản; cướp, cướp giật tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cưỡng đoạt tài sản; ngoài ra còn có cả tội phạm về ma túy, tội cố ý gây thương tích, tội đánh bạc…

Qua công tác kiểm sát hoạt động điều tra của cơ quan công an, Viện KSND tỉnh nhận thấy nguyên nhân của phần lớn những vụ án tạm đình chỉ là do chưa xác định được đối tượng phạm tội; chờ kết quả trưng cầu giám định hoặc khi có kết luận giám định tư pháp mà bị can bị bệnh tâm thần… Việc tạm đình chỉ sẽ được phục hồi điều tra khi có đủ căn cứ, thông tin liên quan đến vụ việc.

Tuy nhiên, theo Viện KSND tỉnh, việc tạm đình chỉ điều tra các vụ án cũng còn nhiều tồn tại. Trong đó có những vụ án tạm đình chỉ nhưng không có biện pháp khắc phục để án quá hạn (hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự); không xác định được bị can… Trong khi đó, cơ quan điều tra thiếu đôn đốc, rà soát để vụ án chậm được giải quyết hoặc để hết thời hiệu không phục hồi được dẫn đến quyền và lợi ích của người dân bị “lãng quên”. Điều này đã gây không ít bức xúc cho nhiều người dân.

Ông Phan Văn Hậu, Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết, có nhiều vụ án sau khi tạm đình chỉ, hồ sơ được cất lưu trữ nhưng hoạt động điều tra, rà soát lại ít được quan tâm thực hiện. Chính vì vậy, có nhiều vụ sau khi tạm đình chỉ đã phải kéo dài.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng 1 Viện KSND tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can là do chờ kết quả giám định, chưa phát hiện được người phạm tội hoặc đối tượng phạm tội đã bỏ trốn khỏi địa phương. Các vụ án sau khi tạm đình chỉ điều tra có căn cứ để phục hồi hay không phần lớn phụ thuộc vào sự tích cực và tinh thần trách nhiệm của điều tra viên, cơ quan điều tra…

* Tăng cường rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết

Để giải quyết những tồn tại trong việc tạm đình chỉ các vụ án hình sự, thời gian qua, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, viện trưởng viện KSND các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan điều tra xây dựng kế hoạch để giải quyết các vụ án tạm đình chỉ.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Viện KSND tối cao và lãnh đạo Tỉnh ủy, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh và viện KSND cấp huyện khẩn trương triển khai và thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tạm đình chỉ.

Theo đó, phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh và viện KSND cấp huyện đã yêu cầu cơ quan điều tra phải phân loại án tạm đình chỉ như: các vụ án có bị can, các vụ án không có bị can; các vụ án hết thời hiệu và các vụ án còn thời hiệu. Sau đó, viện KSND các cấp phải thường xuyên chỉ đạo rà soát, lập danh sách theo dõi án tạm đình chỉ ở từng giai đoạn tố tụng; phân loại trường hợp tạm đình chỉ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kiến nghị với lãnh đạo các ngành có biện pháp quản lý chặt chẽ án tạm đình chỉ. Ngoài ra, kiểm sát viên khi được phân công phải có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ hồ sơ án tạm đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ cả về hình thức lẫn nội dung. Nếu phát hiện có vi phạm thì kịp thời đề xuất kiến nghị hoặc kháng nghị.

Ông Huỳnh Văn Lưu cho biết thêm, việc rà soát, nắm lại, phân loại số lượng án bị tạm đình chỉ là để tìm ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này để kịp thời phục hồi điều tra vụ án, để có cơ sở xử lý đúng người, đúng tội. Vì những vụ án bị tạm đình chỉ điều tra như là một “món nợ” mà các cơ quan tố tụng phải có giải pháp để sớm trả cho dân. Những vụ án bị tạm đình chỉ quá lâu không đủ cơ sở để phục hồi điều tra dẫn đến hết thời hiệu điều tra hoặc phải tạm đình chỉ sẽ gây những bức xúc trong nhân dân.

Tại Điều 229, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án, trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra; khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra…; trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

 

Trần Danh

Tin xem nhiều