Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối do bị cấp đất chồng lấn

10:06, 03/06/2020

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) chồng lấn giữa các hộ sử dụng đất liền kề vẫn còn xảy ra, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý dẫn tới các vụ tranh chấp kéo dài.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) chồng lấn giữa các hộ sử dụng đất liền kề vẫn còn xảy ra, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý dẫn tới các vụ tranh chấp kéo dài.

Một khu đất ở xã Phú Ngọc (H.Định Quán) bị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn. Ảnh: Đ.Phú
Một khu đất ở xã Phú Ngọc (H.Định Quán) bị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn. Ảnh: Đ.Phú

Theo luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh), nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn là do cơ quan có thẩm quyền còn sai sót trong việc đo đạc, ký giáp ranh, xác định diện tích thực tế của từng hộ...

* Tranh chấp phát sinh khi bị cấp đất chồng lấn

Gần 10 năm qua, giữa ông N.V.D. và ông P.H.T. (cùng ngụ KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) xảy ra tranh chấp 7 ngàn m2 đất (phần giáp ranh giữa 2 gia đình, cũng là phần đất giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu). Nguyên nhân, phần diện tích đất này được UBND TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu cấp cho ông D. và ông T. trên 2 giấy chứng nhận QSDĐ khác nhau. Qua nhiều lần khiếu nại, khởi kiện để điều chỉnh lại diện tích, đến nay vụ việc tranh chấp giữa 2 gia đình vẫn chưa được giải quyết xong.

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, về nguyên tắc nguồn gốc đất chồng lấn trên giấy chứng nhận QSDĐ được người nào chứng minh đã sử dụng hợp pháp, ổn định, lâu dài thì thuộc quyền sử dụng của người đó. Việc cơ quan có thẩm quyền cấp nhầm, chồng lấn, sai sót thì người dân có quyền yêu cầu đính chính, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Bởi vì, đất không thể tự nhiên “nở” ra thêm, tổng diện tích đất của từng gia đình theo giấy chứng nhận QSDĐ cộng lại phải bằng tổng diện tích khu đất mà thực tế các bên đang sử dụng, được cấp QSDĐ.

“Trường hợp 2 thửa đất đều có giấy chứng nhận QSDĐ nhưng có một phần đất bị chồng lấn, trước tiên cần tiến hành thủ tục đo đạc lại toàn bộ các thửa đất. Sau khi đo đạc hiện trạng hai thửa đất thì tiến hành đối chiếu với bản đồ qua các thời kỳ và giấy chứng nhận QSDĐ” - luật sư Khanh hướng dẫn.

Hay như trường hợp giữa bà N.T.Th. và ông V.D. (ngụ  xã Phú Ngọc, H.Định Quán) tranh chấp nhau phần đất trên 980m2 do được cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn nhau. Dù vụ việc đã được TAND H.Định Quán thụ lý, giải quyết phần diện tích chồng lấn này thuộc quyền sử dụng của bà Th. nhưng ông V.D. không đồng thuận và tiếp tục kháng cáo. Bà Th. thắc mắc, cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho bà sau khi tòa án các cấp xét xử giao lại phần diện tích được cấp chồng lấn cho bà sử dụng.

Luật gia Lê Văn Nhân cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan nào cấp sai, cấp nhầm diện tích đất trong giấy chứng nhận QSDĐ của người dân thì cơ quan đó có quyền thu hồi lại giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp sai đó.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây: có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp giấy chứng nhận của người đó; có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.

* Cũng lắm phiền phức

Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn giữa các bên dẫn đến nhiều phiền phức. Ngay cả khi tòa đã xét xử giao phần diện tích đất bị cấp chồng lấn cho người dân thì người dân cũng phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác mới làm được giấy chứng nhận QSDĐ mới. Cụ thể như: thủ tục đính chính, thủ tục tách hoặc hợp thửa.

Về thủ tục đính chính, luật sư Lưu Hồng Khanh hướng dẫn, đôi bên nộp bản gốc giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trước đó cho văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào giấy chứng nhận QSDĐ; chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai...

“Về thủ tục tách hoặc hợp thửa, người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa. Khi tiếp nhận hồ sơ văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện rất nhiều thủ tục như: đo đạc địa chính để chia tách thửa đất. Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa. Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai...” - luật sư Khanh nói.

Theo luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh, để hạn chế tình trạng cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn, cơ quan có thẩm quyền khi đo đạc, tiến hành các thủ tục cấp QSDĐ cho dân cần phải chính xác, đúng quy trình, nhất là việc ký giáp ranh giữa các hộ liền kề trong quá trình cắm mốc, đo đạc. Bên cạnh đó, cần xem đến trách nhiệm của cơ quan, người thực thi trách nhiệm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dân để xảy ra sai sót, chồng lấn diện tích phải đính chính, làm lại thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều