Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị giảm thời gian lái xe ban đêm

10:08, 19/08/2020

Theo đánh giá của các ngành chức năng, ban đêm được coi là "khung giờ đen" của tai nạn giao thông (TNGT).

Theo đánh giá của các ngành chức năng, ban đêm được coi là “khung giờ đen” của tai nạn giao thông (TNGT).

Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào ban đêm. Trong ảnh: Tổ công tác đặc biệt Công an tỉnh xử lý một lái xe tải vi phạm an toàn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Hải
Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào ban đêm. Trong ảnh: Tổ công tác đặc biệt Công an tỉnh xử lý một lái xe tải vi phạm an toàn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Hải

Số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm thường cao hơn gấp 2-3 lần so với ban ngày. Nguyên nhân chủ yếu do lái xe không chấp hành quy định tốc độ, áp lực về thời gian cũng như do tâm lý chủ quan của tài xế khi ít bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt...

* Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn

Gần đây, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người diễn ra vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng. Điển hình nhất là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng 21-7 trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Thuận giữa ô tô khách và xe tải làm 8 người chết và 7 người bị thương. Trước đó, vào khoảng 4 giờ sáng 11-7, một chiếc xe khách giường nằm lao xuống vực xảy ra trên quốc lộ 14C (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum) đã làm 6 người chết và 34 người bị thương.

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng của năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 157 vụ tai nạn làm chết 111 người và bị thương 87 người. Qua phân tích, thời gian xảy ra tai nạn nhiều là khung giờ từ 18-24 giờ với 50 vụ, chết 42 người, bị thương 24 người.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay, so với các khung thời gian trong ngày, TNGT vẫn chủ yếu xảy ra vào ban đêm khi chiếm đến 38,9% số người chết. Trong đó, phần lớn là nam giới (chiếm 73,1% số người chết) với các nguyên nhân có tỷ lệ cao nhất là lỗi thiếu chú ý quan sát (chiếm 41,5%) và chuyển hướng sai quy định, tránh vượt sai quy định (chiếm 25,1%).

Qua đó cho thấy, phần lớn nguyên nhân dẫn đến TNGT do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông. Ngoài ra, vào ban đêm, tầm nhìn của người tham gia giao thông hạn chế và hệ thống hạ tầng giao thông còn bất cập nên chưa phát huy cũng như đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm khả năng quan sát cho lái xe.

Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào khung thời gian này của lực lượng chức năng cũng hạn chế do lực lượng không nhiều nên tạo tâm lý chủ quan cho lái xe. Dễ thấy nhất là vào ban đêm đường vắng, lưu lượng phương tiện giảm, tài xế thường lái ẩu, chạy quá tốc độ, lấn làn gây tai nạn với số người tử vong cao so với ban ngày.

* Ngăn ngừa tai nạn giao thông

Điều 65, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, thời gian làm việc của mỗi người lái xe ô tô là không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 tiếng. Ngoài việc không được lái xe quá 10 giờ/ngày và liên tục 4 giờ thì một lái xe chạy khoảng 2,5-3 giờ phải nghỉ từ 30-45 phút rồi mới tiếp tục điều khiển xe. Nếu các lái xe vi phạm điều này sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Điều đáng nói là thực tế hiện nay, vì lợi nhuận kinh doanh, nhiều nhà xe, chủ doanh nghiệp vận tải vẫn xem nhẹ vấn đề này. Không ít chủ xe buộc lái xe tăng chuyến dẫn đến thời gian lái xe vượt quá quy định cho phép. Hậu quả là nhiều vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra, nhất là vào đêm khuya.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có đề xuất quy định thời gian làm việc liên tục không quá 2 giờ vào ban đêm, để lái xe có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo tỉnh táo. Một giải pháp quan trọng khác được đưa ra là cần tiếp tục lắp đặt thêm camera (để phạt nguội) với mật độ cao trên các quốc lộ nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải vào ban đêm.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo lực lượng công an phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đặc biệt, là tập trung xử lý vi phạm vào khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Các ngành chức năng cần phải có chế tài với cả chủ xe có tài xế gây tai nạn, ép tài xế tăng chuyến, chạy quá giờ quy định, không đảm bảo an toàn giao thông.

Mới đây, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đại tá Nguyễn Văn Trung đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm vào ban đêm. Trong đó, công an các địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc ngành GT-VT tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, hạ tầng giao thông; tập trung rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo, thiết bị phản quang, gờ giảm tốc; đồng thời lập danh sách các “điểm đen” về tai nạn để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trong đợt ra quân này, phương tiện tập trung xử lý là nhóm ô tô chở khách, xe vận tải hàng hóa. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý mạnh các hành vi vi phạm nguy cơ cao gây tai nạn như: lái xe có nồng độ cồn, chất ma túy; chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định…

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định, trước ngày 1-7-2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Trong đó, phải ghi và lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ thiết bị các thông tin tối thiểu về hành trình chạy xe, tốc độ vận hành của xe, thông tin lái xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe, thông tin về số lần và thời gian dừng, đậu xe.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều