Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Công chứng năm 2014: Nhiều điểm cần điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn

10:10, 21/10/2020

Kể từ ngày 1-1-2015, khi Luật Công chứng năm 2014 (gọi tắt là Luật Công chứng) có hiệu lực, toàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng) với 50 công chứng viên. Đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 52 tổ chức hành nghề công chứng, với 107 công chứng viên.

Kể từ ngày 1-1-2015, khi Luật Công chứng năm 2014 (gọi tắt là Luật Công chứng) có hiệu lực, toàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng) với 50 công chứng viên. Đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 52 tổ chức hành nghề công chứng, với 107 công chứng viên.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp), Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai (bìa trái) hướng dẫn cho người dân về điều kiện, thủ tục công chứng. Ảnh: Đ.Phú
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp), Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai (bìa trái) hướng dẫn cho người dân về điều kiện, thủ tục công chứng. Ảnh: Đ.Phú

Việc phát triển nhanh, có định hướng hoạt động công chứng, giúp cho việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp thuận tiện, khắc phục được tình trạng quá tải ở các phòng công chứng và UBND cấp xã.

* Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 5 năm (2015-2020) triển khai thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: một số tổ chức hành nghề công chứng chưa nghiêm túc trong việc thu phí công chứng và thù lao công chứng, công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định. Vẫn còn trường hợp công chứng viên chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cũng công nhận, qua thực tế triển khai Luật Công chứng còn một số tồn tại như: thể chế pháp luật quy định về công chứng còn bất cập, chồng chéo. Hoạt động quản lý nhà nước về công chứng còn hạn chế do thiếu nhân lực. Các tổ chức hành nghề công chứng phát triển nhanh nhưng công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện để chấn chỉnh những vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề công chứng mặc dù được quan tâm, thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, hiện tại phát sinh tình trạng công chứng viên liên tục thay đổi nơi đăng ký hành nghề, đặc biệt là thay đổi hành nghề từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác, phát sinh hiện tượng công chứng viên chỉ đứng tên trên giấy đăng ký hoạt động và được cấp thẻ công chứng viên nhưng thực chất không hành nghề. Do đó, đề xuất quy định việc bổ nhiệm công chứng viên theo địa bàn hoạt động (tỉnh, thành phố). Trường hợp công chứng viên thay đổi nơi hành nghề sang tỉnh, thành phố khác thì phải làm thủ tục bổ nhiệm lại theo quy định.

Bên cạnh đó, theo phản ảnh của một số tổ chức hành nghề công chứng, trong quá trình hoạt động còn gặp những vướng mắc như: cơ sở dữ liệu giao dịch tài sản, cung cấp thông tin cho tổ chức hành nghề công chứng chưa hoàn chỉnh. Từ đó dẫn đến việc thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân gặp khó khăn.

Theo đại diện một số văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn tỉnh, quy định về việc thay đổi tên gọi của VPCC trong trường hợp thay đổi tên gọi, trụ sở hoặc trưởng VPCC là không hợp lý. Tại Khoản 3, Điều 22, Luật Công chứng quy định tên gọi của VPCC phải bao gồm cụm từ “VPCC kèm theo họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC”. Do đó, khi công chứng viên hợp danh xóa hành nghề tại VPCC mang tên mình thì VPCC phải làm thủ tục thay đổi tên gọi của VPCC. Cá biệt có trường hợp công chứng viên sau khi xóa hành nghề tại VPCC mang tên mình thì chuyển sang hành nghề ở VPCC khác với hình thức hợp danh, sau đó thực hiện đổi tên VPCC lấy lại tên VPCC mà trước đó đã chấm dứt hoạt động.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết: “Việc VPCC thường xuyên thay đổi tên gọi gây khó khăn trong việc theo dõi, quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động của VPCC. Do đó, đề xuất sửa đổi luật theo hướng quy định tên gọi của VPCC được thực hiện theo quy định pháp luật về doanh nghiệp”.

* Sớm hoàn thiện các quy định pháp lý

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết thêm, một trong các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế như nêu trên là do sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý nhà nước về công chứng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Việc chậm hoặc không thông tin, phản ánh về Sở Tư pháp khi phát hiện hành vi vi phạm của các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng trong hoạt động hành nghề cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm của công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng diễn ra thời gian qua.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Công chứng số 4 (Sở Tư pháp), Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh kiến nghị, cần có công cụ pháp lý đủ mạnh chế tài tận gốc, nghiêm khắc nạn giấy tờ giả lọt qua khâu công chứng. Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Công chứng trên cơ sở mối tương quan với các quy định pháp luật khác (pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, chứng thực), đặc biệt là các quy định pháp luật về chứng thực liên quan đến trình tự, trách nhiệm của người chứng thực và công chứng viên.

Đại diện VPCC Phạm Minh Thành (xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) thì cho biết, tại Điểm D, Khoản 1, Điều 30, Luật Công chứng quy định VPCC bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong những trường hợp:  VPCC chỉ còn một công chứng viên hợp danh và không bổ sung được thành viên hợp danh mới trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thiếu công chứng viên hợp danh.

“Một số VPCC “lợi dụng” quy định này để “đối phó” với cơ quan quản lý. Theo đó, khi công chứng viên hợp danh của VPCC chấm dứt việc hợp danh, VPCC không thực hiện việc bổ sung ngay thành viên hợp danh mà chờ đến khi gần hết thời hạn quy định mới thực hiện việc bổ sung. Công chứng viên hợp danh mới hoạt động một thời gian rất ngắn lại chấm dứt việc hợp danh..., nảy sinh tình trạng công chứng viên “nhảy cóc” giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, đề xuất sửa đổi Luật Công chứng theo hướng quy định bãi bỏ Điểm d, Khoản 1, Điều 30 Luật Công chứng” - đại diện VPCC Phạm Minh Thành đề xuất.

Còn ông  Phạm Văn Hùng, Trưởng VPCC Thạnh Phú (đóng trên địa bàn xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) bày tỏ, theo quy định của Luật Công chứng thì VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, tuy nhiên bản chất của hoạt động công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy quyền. Do đó, để bảo đảm năng lực hoạt động, khả năng phát triển lâu dài, bền vững của VPCC, đề xuất quy định vốn điều lệ trong đề án xin thành lập VPCC. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng công chứng viên đứng tên đề nghị thành lập VPCC về mặt danh nghĩa để VPCC có đủ điều kiện thành lập, thực chất không tham gia hoạt động hành nghề công chứng tại văn phòng sau khi được thành lập.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều