Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2020

09:10, 22/10/2020

Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020 (có hiệu lực từ 1-1-2021) gồm 10 chương với 218 điều có nhiều điểm mới so với Luật DN năm 2014.

Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020 (có hiệu lực từ 1-1-2021) gồm 10 chương với 218 điều có nhiều điểm mới so với Luật DN năm 2014.

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi triển khai các chuyên đề về Luật Doanh nghiệp năm 2020 vào ngày 17-10. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi triển khai các chuyên đề về Luật Doanh nghiệp năm 2020 vào ngày 17-10. Ảnh: Đoàn Phú

Tại buổi triển khai về Luật DN năm 2020, do Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT) tổ chức, luật sư Phạm Ngọc Hưng (TRACENT) cho biết, Luật DN năm 2020 có 6 điểm mới nổi bật như: thêm đối tượng bị cấm thành lập DN; tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên DN; không phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng; thay đổi tỷ lệ vốn trong DN nhà nước; bỏ quy định về thời gian về sở hữu cổ phần phổ thông; tạm ngừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày.

* Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập và quản lý DN

Luật DN năm 2014 quy định các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập DN kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN).

Ngoài ra, theo Luật DN năm 2014, các cá nhân sau cũng không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam bao gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong DN nhà nước (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác); người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức không có tư cách pháp nhân; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của tòa án. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, bên cạnh các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam mà Luật DN năm 2014 quy định như trên, Luật DN năm 2020 bổ sung thêm đối tượng không được thành lập và quản lý DN gồm: tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

* Những thay đổi quan trọng khác

Cũng theo luật sư Hưng, khi Luật DN năm 2020 có hiệu lực thì DN không còn phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng. Cụ thể, Khoản 2, Điều 44, Luật DN năm 2014 quy định, trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Nay Luật DN năm 2020, không quy định DN phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

“Luật DN năm 2020 quy định, dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Do đó, DN được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN” - luật sư Hưng nói.

Điều 41, Luật DN năm 2014 chỉ quy định tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu. Luật sư Hưng cho hay, tại Khoản 2, Điều 40, Luật DN năm 2020 bổ sung yêu cầu, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên DN kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh” (hiện nay chỉ áp dụng với chi nhánh, văn phòng đại diện).

Còn về việc thay đổi tỷ lệ vốn trong DN nhà nước, luật sư Hưng cho biết, Luật DN năm 2020 quy định, DN nhà nước bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như Luật DN năm 2014.

Luật DN năm 2020 quy định, DN tạm dừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày. Luật sư Hưng phân tích, điều này rất được các DN quan tâm khi luật thông thoáng hơn trong việc tạm dừng hoạt động hoặc tiếp tục hoạt động trở lại.

“Khoản 1, Điều 206, Luật DN năm 2020 quy định, DN chỉ cần thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trong khi đó, Luật DN năm 2014 thì quy định, DN có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh” - luật sư Hưng chỉ rõ.

Theo Khoản 1, Điều 211, Luật DN năm 2020, kể từ khi có quyết định giải thể DN, DN, người quản lý DN bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây: cất giấu, tẩu tán tài sản; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của DN; ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể DN; cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản; chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực; huy động vốn dưới mọi hình thức.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều