Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự nghỉ việc trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, quyền lợi có bị ảnh hưởng?

08:09, 07/09/2021

Do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lý do doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất để chờ qua đại dịch.

Do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lý do doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất để chờ qua đại dịch.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn quy định pháp luật về lao động cho một người lao động (Ảnh chụp tháng 2-2021). Ảnh: Đoàn Phú
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn quy định pháp luật về lao động cho một người lao động (Ảnh chụp tháng 2-2021). Ảnh: Đoàn Phú

Chính vì vậy, nhiều NLĐ thắc mắc, trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ với doanh nghiệp này, họ có thể đơn phương nghỉ việc do xin được việc ở một doanh nghiệp khác mà quyền lợi không bị ảnh hưởng hay không?

* Muốn nghỉ việc trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tháng 6-2021, chị Nguyễn Lành (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) được công ty cho hoãn HĐLĐ tới khi nào công ty phục hồi hoạt động sản xuất. Nay đã gần 3 tháng ở nhà không lương nên chị Lành muốn chấm dứt HĐLĐ để tìm công việc khác, nhưng chị lo ngại đơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ sai luật, ảnh hưởng quyền lợi về sau.

Cũng trong hoàn cảnh đó, chị Phạm Thị Hoa (ngụ xã Thiện Tân. H.Vĩnh Cửu) muốn chấm dứt HĐLĐ với công ty cũ trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ. Chị Hoa thắc mắc, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong và sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ thì phải ứng xử như thế nào cho đúng luật để không bị phạt vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Về vấn đề này, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, có rất nhiều lý do để NLĐ muốn chấm dứt HĐLĐ trong quá trình hai bên thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ như đã tìm được việc làm mới ở gần nhà, phù hợp, lương cao hơn. Theo Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo HĐLĐ đã giao kết nếu HĐLĐ còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, NLĐ và người sử dụng lao động chỉ tuân thủ quy định nêu trên khi HĐLĐ hai bên giao kết còn hiệu lực về thời gian. Trong trường hợp HĐLĐ hết hiệu lực về thời gian thì có 2 tình huống xảy ra: HĐLĐ đương nhiên chấm dứt; hai bên có thỏa thuận nhận và quay lại làm việc theo HĐLĐ mới.

* Cân nhắc kỹ trước khi quyết định nghỉ việc

Luật gia Phạm Đình Đức cho hay, theo Bộ luật Lao động năm 2019, tạm hoãn HĐLĐ chỉ là đôi bên tạm thời dừng thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đã được giao kết trong HĐLĐ đã ký trước đó. Hết thời gian tạm hoãn thì NLĐ phải quay lại làm việc và người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, trong thời gian tạm hoãn và khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ, NLĐ muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải tuân thủ thời gian báo trước theo Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, NLĐ phải tuân thủ thời gian báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn. Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12-36 tháng. Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Còn đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện như sau: Ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên. Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

Bên cạnh đó, NLĐ được xem là đương nhiên được chấm dứt HĐLĐ trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ mà không cần phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và không phải chịu trách nhiệm bồi thường HĐLĐ khi: người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

“Do đó, khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ (không thuộc các trường hợp được người sử dụng lao động cho phép, đương nhiên chấm dứt HĐLĐ, không cần tuân thủ thời gian báo trước) thì bắt buộc phải tuân thủ thời gian báo trước. Nếu NLĐ vi phạm sẽ không được trợ cấp thôi việc; phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động năm 2019” - luật gia Phạm Đình Đức lưu ý.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, dịch bệnh Covid-19 làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho NLĐ là điều cả hai bên không mong muốn xảy ra. Do đó, việc đôi bên giao kết tạm hoãn HĐLĐ là điều bất đắc dĩ. Vì vậy, NLĐ cũng cần chia sẻ với người sử dụng lao động, không nên vì vậy mà bỏ việc, nhảy việc.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều