Báo Đồng Nai điện tử
En

Để những vi phạm về môi trường không tái diễn

08:05, 13/05/2022

Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ trong kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm. Tình trạng này gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ trong kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm. Tình trạng này gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Lực lượng chức năng lấy mẫu chất thải và nước thải tại Xí nghiệp Đèn ống (Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Khu công nghiệp Biên Hòa 1) để kiểm nghiệm. Ảnh: Anh Quân
Lực lượng chức năng lấy mẫu chất thải và nước thải tại Xí nghiệp Đèn ống (Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Khu công nghiệp Biên Hòa 1) để kiểm nghiệm. Ảnh: Anh Quân

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vi phạm trong các DN lớn đang hoạt động trên địa bàn, thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, phương án để kiểm tra, xử lý.

* Phát hiện nhiều vụ xả thải “chui”

Theo thống kê của PC05 Công an tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện hơn 50 vụ, hơn 60 đối tượng vi phạm trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên và an toàn vệ sinh thực phẩm (giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Trong số đó, vi phạm trên lĩnh vực môi trường chiếm phần lớn với 24 vụ, số còn lại là vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y, khai thác khoáng sản...

Cụ thể, địa phương phát hiện nhiều vụ vi phạm về môi trường nhất là H.Trảng Bom với 23 vụ; TP.Biên Hòa 9 vụ. Ngoài ra, một số địa phương khác như: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc cũng có từ 3-4 vụ/huyện. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát môi trường đã tham gia xử lý hơn 40 vụ, hơn 40 đối tượng từ các cơ quan khác chuyển đến, xử phạt số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong số các vụ vi phạm về môi trường bị phát hiện, ngoài các vụ vi phạm về môi trường nhỏ, lẻ ở khu dân cư, hộ kinh doanh, có không ít vụ vi phạm với quy mô lớn xảy ra trong các công ty tại các khu công nghiệp (KCN).

Điển hình là vụ phát hiện hành vi xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống - Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (đóng tại KCN Biên Hòa 1) vào ngày 20-4.

Vào ngày 20-4, lực lượng trinh sát PC05 phối hợp với Sở TN-MT tiến hành kiểm tra Xí nghiệp Đèn ống và phát hiện công ty đang cho công nhân nghiền vỏ bóng đèn thải với số lượng hơn 732 ngàn cái cùng khoảng 1 ngàn ống thủy tinh lỗi, tổng trọng lượng hơn 24 tấn. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện tại các hầm chứa bên trong khuôn viên công ty còn có khoảng 42 tấn chất thải được lưu giữ trái quy định.

Theo đánh giá của PC05 Công an tỉnh, hành vi quản lý chất thải của Xí nghiệp Đèn ống là trái quy định pháp luật, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Điều 236 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ việc này đã được chuyển cho Công an TP.Biên Hòa để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 18-2, Tổ công tác thuộc Phòng PC05 Công an tỉnh phối hợp với Sở TN-MT, Đồn Công an KCN Long Thành tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Daerim Precision Vina (đóng tại KCN Long Thành, thuộc xã Tam An, H.Long Thành) vi phạm trong công tác quản lý chất thải nguy hại. Tại đây, lực lượng công an phát hiện hàng tấn xỉ, váng... không được bảo quản đúng quy định, để dầu thải rò rỉ, chảy tràn ra ngoài. Trước những dấu hiệu vi phạm đó, tổ công tác đã lập biên bản ghi nhận sự việc để xác minh, xử lý theo quy định.

* Siết chặt việc xử lý vi phạm về môi trường

Thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát môi trường đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa với các vi phạm trên lĩnh vực môi trường. Qua công tác nắm tình hình, xác định địa bàn phức tạp, nổi lên một số địa điểm, cơ sở kinh doanh thực phẩm, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng để xả thải, chôn lấp chất thải không đúng quy định.

Trước tình hình đó, lãnh đạo PC05 xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo phải đấu tranh, xử lý. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, lãnh đạo PC05 đã tập trung chỉ đạo quyết liệt 3 đội nghiệp vụ làm tốt công tác điều tra, công tác nghiệp vụ cơ bản, kết hợp công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện các vụ vi phạm.

Thượng tá Trần Hùng Cường cho biết thêm, để xử lý triệt để các vụ vi phạm trên lĩnh vực môi trường, trên cơ sở chỉ đạo, chấp thuận của Ban giám đốc Công an tỉnh, PC05 đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ như: Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh và công an các địa phương tập trung xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc liên quan.

Để xử lý các vi phạm về môi trường, ngoài công tác nghiệp vụ cơ bản, sắp tới lực lượng cảnh sát môi trường cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý. Đặc biệt là phối hợp trong công tác giám định để kịp thời đưa ra các kết luận trong việc giám định về hàng hóa vi phạm, kể cả giám định tư pháp; phối hợp để kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm.

“Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, các đơn vị liên quan, nhất là Ban Quản lý các khu KCN Đồng Nai, các công ty kinh doanh hạ tầng cũng cần phải có trách nhiệm trong việc quản lý, theo dõi hoạt động của các công ty đóng chân trên địa bàn” - thượng tá Trần Hùng Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo thượng tá Trần Hùng Cường, hệ thống pháp luật trong việc quản lý, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét đổi mới, bổ sung các quy định để kịp thời điều chỉnh các hành vi vi phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều