Báo Đồng Nai điện tử
En

Bông "kèo nèo" nở giữa lòng thành phố

10:07, 20/07/2005

Những năm gần đây, từ những nhà hàng đặc sản đến các quán nhậu bình dân đều xuất hiện nhiều món lẩu: lẩu bò, lẩu dê, lẩu cá, lẩu mắm, lẩu thập cẩm...

Bà Trịnh Thị Hồng Quân (vợ Năm Lũy) với đám ruộng giá thau ở cuối khu phố 1, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hoà

Những năm gần đây, từ những nhà hàng đặc sản đến các quán nhậu bình dân đều xuất hiện nhiều món lẩu: lẩu bò, lẩu dê, lẩu cá, lẩu mắm, lẩu thập cẩm... Bên cạnh cái lẩu nóng hổi hoặc đang sôi ùng ục là một dĩa rau với đầy đủ mùi vị, sắc hương: cải bẹ xanh, rau muống, bắp chuối, giá sống, bông súng, bông bí rợ, bông điên điển, bông thiên lý. Và có một thứ rau không thể thiếu đó là kèo nèo.

* Trồng kèo nèo trong thành phố

Ở Biên Hòa, ngoài lẩu mắm Hồng Hoa nằm trong con hẻm sâu dẫn vào Vĩnh Thị (thuộc địa bàn phường Thống Nhất) được xem là lâu đời nhất và rất nổi tiếng, còn có quán lẩu mắm Cây Bàng nằm sát bờ sông Đồng Nai trên đường Cách mạng tháng Tám (thuộc địa bàn phường Quyết Thắng) cũng rất đông khách. Tùy vào lượng khách nhiều ít mỗi ngày, quán lẩu mắm Cây Bàng lấy kèo nèo từ vài chục đến hàng trăm kg. Mối giao kèo nèo cho quán ở Bửu Hòa, Tân Hạnh. Nhưng rất lạ là có một mối... "ruột" ngay ở phường nội ô TP. Biên Hòa. Mối này cứ đều đặn mỗi ngày đem đến quán Cây Bàng 6kg kèo nèo. Và bất kể trưa, chiều, tối khi có nhu cầu, chủ quán chỉ cần "a lô" là chừng mười phút sau có người mang kèo nèo xanh tươi mơn mởn đến quán.

Rất đỗi ngạc nhiên khi biết được ngay trong khu phố 1 của phường Quyết Thắng (một địa bàn nằm ở trung tâm TP. Biên Hòa) cũng có chỗ trồng kèo nèo để cung cấp cho các quán lẩu và bán ở chợ nên tôi vội đi tìm. Khu vực nằm cuối khu phố 1 bị che cách bởi những ngôi nhà cao tầng vẫn còn một cánh đồng trũng bốn mùa ứ nước. Trong đó có khoảnh ruộng lớn nhất rộng đến 5.000m2 của gia đình ông Năm Lũy (Nguyễn Thành Lũy) được canh tác kết hợp với 4 loại cây trồng: rau nhút, rau muống, kèo nèo, bèo. Đôi vợ chồng này cũng khá độc đáo. Năm Lũy vốn là dân cố cựu nơi đây, học trường Ngô Quyền xong thi vào Trường mỹ nghệ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Ra trường, Nguyễn Thành Lũy xin vào Nhà máy giấy Tân Mai làm công nhân cơ khí. Làm được 17 năm, Năm Lũy xin nghỉ việc rồi nhảy qua làm cho Nhà máy Vinappro và vừa nghỉ hưu được khoảng 1 tháng nay. Công việc của ông Năm Lũy bây giờ là phụ với vợ để thực hiện mô hình "4 cây" (rau nhút, rau muống, kèo nèo, bèo) + "2 con" (vịt, ốc) để nuôi 2 đứa con còn đang ăn học. Sở dĩ nói "phụ" vì đây là công việc mà vợ ông (bà Trịnh Thị Hồng Quân) là nhân viên thống kê, đã xin nghỉ hưu non vào năm 1990 để ở nhà... trồng rau. Năm Lũy đã lấy lại miếng ruộng trước đó đã cho người khác mướn trồng lúa, mỗi năm trả... vài trăm ngàn vừa đủ đóng thuế đất, để vợ chuyển sang trồng rau muống, rồi rau nhút. Bà Hồng Quân xuất thân từ nông thôn nên công việc trồng rau ruộng không gặp khó khăn gì lắm. Trồng rau rồi tự cắt đem bỏ mối cho bạn hàng, mỗi tháng kiếm được hơn 1 triệu đồng, nhiều hơn lương nhân viên Nhà nước. Nhờ vậy, ông Năm Lũy cứ hết giờ ở nhà máy là vô tư đi... nhậu. Chuyện thường nhậu của ông Năm Lũy kể cũng có cái hay, ông phát hiện ra các quán lẩu mọc ra rất nhiều và họ rất cần rau kèo nèo. Thế là Năm Lũy hướng dẫn vợ be bờ trồng lại kèo nèo vốn là cái thứ bèo hoang, cỏ dại mà vợ chồng ông phải ra sức nhổ bỏ, không cho chúng mọc lấn rau muống. Không hiểu có phải nhờ bồi đất sát bờ và để mức nước xâm xấp thường xuyên hay không mà mấy chục thước vuông chuyên trồng kèo nèo của nhà ông Năm Lũy lúc nào cũng tươi tốt, nở bông vàng rực. Cứ hai tuần là bà Hồng Quân có thể quay lại cắt đem đi bán.

* Cung cấp kèo nèo cho các chợ

Ông Đinh Văn Độ, năm nay 71 tuổi là người sống trên 60 năm ở Biên Hòa, khi nghe tôi bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc đám kèo nèo trên ruộng nhà Năm Lũy lúc nào cũng trổ bông vàng tươi, bèn nói ngay:

- Kèo nèo nhà ông Năm Lũy coi vậy chớ không thấm gì so với kèo nèo của đám con gái bà Hai Lợi (phường Thống Nhất) trồng đâu. Cây kèo nèo hiện bán có giá đắt gấp 3 lần rau muống.

Ông Độ nói thêm:

- Kèo nèo mà ăn lẩu mắm là bá cháy rồi, nhưng đem trụng tái tái bóp gỏi "nhậu" còn đã thấu trời. Kèo nèo muối chua, làm kim chi ăn... "ngon cơm" lắm! Cùng bên đám ruộng kèo nèo của bà Hai Lợi, còn có bà Tư Được, bà Tư Thường... cũng trồng kèo nèo và trực tiếp gánh bán mỗi ngày ở chợ Năm tầng (cư xá 5 tầng cũ). Đám ruộng trũng của bà Hai Lợi rộng đến vài ba mẫu nằm giáp với tuyến đường sắt Bắc - Nam , tạo thành một cảnh quan kỳ lạ ở ngay trung tâm một đô thị loại 2 như Biên Hòa. Hai cô gái của ông bà Hai Lợi tuổi khoảng 18 - 20 với vóc dáng khỏe mạnh, trắng trẻo và phải nói là khá xinh xắn đi... "làm ruộng" mà ăn mặc như đi picnic, nói với vẻ tự hào:

- Đúng là ruộng nhà tụi cháu trồng kèo nèo nhiều nhất ở vùng này! Mùa nắng có ngày bán ra cả trăm bó kèo nèo. Mẹ và bốn chị em nhà cháu bán kèo nèo ở chợ Năm tầng, còn bỏ mối cho người ta bán ở chợ nhỏ phường Quyết Thắng (chợ Hãng dầu), chợ Kỷ Niệm... Kèo nèo bây giờ người ta ăn nhiều lắm chú ơi! Hồi trước 1 bó 500 đồng, bây giờ đã 1.000 đồng rồi! Còn bỏ mối cho bạn hàng thì 1kg kèo nèo từ 7.000đ đã tăng lên 10.000đồng/kg.

Nhìn đám ruộng mênh mông, xanh kín chỉ có bèo và rau nhút, thỉnh thoảng mới có vài bụi kèo nèo, tôi tỏ ra thắc mắc:

- Sao nói trồng kèo nèo nhiều mà hổng thấy gì hết trọi?

Cô gái cười:

- Mùa mưa kèo nèo trên ruộng này rụi hết rồi chú! Đến chừng tháng 8,  tháng 9 nó có lại, mọc kín ruộng!

- Tôi nói với cô gái là sao không học tập cách trồng kèo nèo của ông Năm Lũy là be bờ cho nước cạn để trồng kèo nèo được quanh năm thì cô gái cười tươi:

- Hổng được đâu chú. Ruộng ở đây quá sâu nước hà lãng, làm sao nổi. Mà trồng kèo nèo coi vậy chứ cũng khó lắm. Đang lên xanh tốt, nhô nụ mượt mà vậy chứ có sương muối xuống nó cũng chết. Mà cũng kỳ, hồi trước đi làm cỏ, nhổ kèo nèo quẳng lên bờ đi giẫm đạp lên nó vẫn sống...

Tôi đặt một câu hỏi bất ngờ với cô con gái bà Hai Lợi:

- Nè! Cháu có biết đây là cây giá thau chớ hổng phải là... kèo nèo không?

Cô gái lại cười:

- Dạ đúng rồi! Có người còn kêu nó là giá thau hoặc rau tịnh.

* Kèo nèo hay... giá thau?

Cô con gái bà Hai Lợi bên bụi giá thau trái vụ.

Nhiều người dân cố cựu ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và cả ở Biên Hòa đều cho rằng loại rau xanh đang bày bán khắp các chợ trong tỉnh và đang được nhiều người ưa chuộng hơn cả rau muống, nhờ dễ ăn và ăn ngon, mà giá cả cũng bình dân này là giá thau hay rau tịnh chứ không phải là kèo nèo. Thực ra cọng kèo nèo dài hơn mà lá lại nhỏ hơn, bông kèo nèo màu tím, dùng ăn sống với mắm rất ngon vì có vị đăng đắng. Kèo nèo mọc nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn ở miền Đông này thường thấy mọc dọc theo hai bên sông Đồng Môn (huyện Long Thành), rạch Đông (huyện Vĩnh Cửu)... Kèo nèo phát triển chậm và do bị phát hoang nên ngày càng thấy ít đi. Còn giá thau lá tròn, to xanh mướt, bông đổ quanh năm tạo thành một chùm vàng tươi trên đầu ngọn. Trước đây bà con nông dân "ăn" giá thau bằng cách ngắt chùm nụ bông dài cỡ một gang tay này làm rau. Sau đó do nhu cầu thị trường ngày càng lớn (vì như một số người nhận xét: "Mới ăn thấy nhẫn nhẫn, ăn riết rồi ghiền") nên người ta hái cả cọng bông, rồi những cọng non đem bán. Bây giờ người ta ăn giá thau thường là ăn cọng non, chứ ít ai còn được thưởng thức cái vị đắng đắng, bùi bùi của chùm nụ bông giá thau để gây mùi nhớ.

Cũng cần nói thêm là khi viết chữ giá thau tôi chỉ đoán định ra mà viết, chứ hỏi rất nhiều người, ai cũng nói giá thau chớ viết dá hay giá hoặc thau hay thao thì không ai biết. Tôi đã cẩn thận để cả nửa ngày để tra cứu bộ sách thực vật đồ sộ của giáo sư Tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ là Cây cỏ Việt Nam rất nổi tiếng nhưng không tìm ra được cây giá thau, kể cả cây kèo nèo vốn rất quen thuộc với người dân Nam bộ. Nhà văn nữ Trầm Hương vốn là kỹ sư nông nghiệp vừa mới cho ra mắt bạn đọc tập truyện "Hoa kèo nèo tím biếc" gây được sự chú ý của dư luận xã hội. Tôi vội đọc nhưng cũng chỉ biết thêm về kèo nèo, còn giá thau vẫn không tìm ra bóng dáng...

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều