Báo Đồng Nai điện tử
En

Người xây mộ "tình thương" cho hàng trăm người chết

09:07, 22/07/2005

Việc ngày chủ nhật 19-6 vừa rồi, ông chủ cơ sở Nghĩa Thành 69 tuổi, ngụ tại số 127A, đường Hùng Vương, thị xã Long Khánh đặt 28 bàn tiệc đem về tận ấp Cấp Rang, xã Suối Tre để làm đám giỗ đã gây ra nhiều ý kiến trong dư luận.

Hàng trăm ngôi mộ vô danh như thế này đã được ông Tám Hiệu bỏ tiền ra xây dựng

Việc ngày chủ nhật 19-6 vừa rồi, ông chủ cơ sở Nghĩa Thành 69 tuổi, ngụ tại số 127A, đường Hùng Vương, thị xã Long Khánh đặt 28 bàn tiệc đem về tận ấp Cấp Rang, xã Suối Tre để làm đám giỗ đã gây ra nhiều ý kiến trong dư luận. Ông Tám Hiệu, chủ cơ sở Nghĩa Thành nổi tiếng trong việc chế tạo các loại cối xay nông sản này nghe được, chỉ cười cười xem ra có vẻ bí mật:

- Đám giỗ cho cả trăm tử sĩ vô danh mà chỉ có vài chục bàn thì đâu có là bao? Cứ thử chia ra xem, mỗi đám gỗ như vậy có bao nhiêu người dự, người ăn đâu mà nhiều!

Hỏi ra mới biết, từ vài năm nay, ông Tám Hiệu đều chọn ngày 20-6 hàng năm để làm đám giỗ tập thể. Năm nay do ngày 20 trúng vào ngày thứ hai đầu tuần nên ông Tám Hiệu làm trước một ngày cho tiện. Trong thiệp mời gửi cho gần 300 khách, ông ghi rõ: "Lễ hiệp kỵ của họ Nguyễn và các người đã mất vô danh". Khi nghe chúng tôi hỏi: "Vậy chứ ngày 20-6 dương lịch là ngày mất của cụ ông hay cụ bà, hoặc của vị tộc trưởng họ Nguyễn ở Cấp Rang?" thì ông Tám cất giọng buồn buồn:

- Hồi cha mẹ tôi mất, tôi còn nhỏ lắm, có biết ngày tháng gì đâu nên khi xây mộ cho cha mẹ và làm lại mộ cho 131 người mất ở nghĩa trang Cấp Rang, trong đó có 110 nấm mồ vô danh, vô chủ, tôi đã lấy ngày khởi công để làm ngày giỗ chung.

Thực ra số tiền một vài triệu bạc bỏ ra làm đám giỗ tập thể không thấm vào đâu so với hàng tỷ đồng mà mấy năm nay ông Tám Hiệu đã bỏ ra để xây 131 nấm mồ đất nằm chỏng chơ, lạnh lẽo, chịu cảnh hương tàn khói lạnh ở một nghĩa địa heo hút bên rừng cao su bạt ngàn Cấp Rang này. Đặc biệt, việc ông cho xây cổng hàng rào sắt, trên nền đường cán bằng đá chẻ, tráng nhựa nóng cùng hệ thống thoát nước dẫn vào nghĩa trang Cấp Rang dài 145 mét, rộng 4 mét, tạo thành một cảnh quan khá trang nghiêm, sạch đẹp.

* Làm... "bù nhìn sống" để kiếm cơm

Hàng chục năm nay, cơ sở dịch vụ cơ khí Nghĩa Thành ở thị xã Long Khánh đã là một "đại gia" trong lĩnh vực chế tạo máy xay cà phê, cối xay bắp, mì lát, cối lảy hạt tiêu, máy bơm nước... Mặt hàng cối xay nông sản mang thương hiệu Nghĩa Thành đã vượt ranh giới Đồng Nai, có mặt ở Đắc Lắc, Kon Tum, Bình Dương, Bình Phước và  Bảo Lộc, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng)... Ông chủ Nghĩa Thành có 2 con trai lớn đều lành nghề cơ khí, nên ông thường dành thời gian đi thăm thú đó đây, đặc biệt là thường xuyên về nghĩa trang Cấp Rang để nhang khói cho cha mẹ, ông bà, dù ông là người theo đạo Thiên chúa. Ông Tám Hiệu chỉ có mặt ở tiệm để giải quyết những "ca" hàn quá phức tạp về mặt kỹ thuật và những đơn đặt hàng thuộc vào loại "độc". Chẳng hạn như mới đây, ông Tám Hiệu nhận được một lá thư của lương y Đỗ Thị Thanh Hải ở Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đề ngày 4-7-2005 . Trong thư ngoài việc ca ngợi ông "có tấm lòng đạo tâm, đã làm những việc chẳng ai thèm làm(!?)" đã đặt vấn đề nhờ ông chế tạo cho một cái... máy bào thuốc Nam . "Nhà cơ khí" sắp bước vào tuổi thất thập lại phải ngồi nhà để nghiên cứu. Nhưng việc chưa xong thì Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Tới đã dẫn đoàn cán bộ chuẩn bị cho Đại hội thi đua tỉnh Đồng Nai lần thứ III đến nhà để trực tiếp gặp mặt nhân vật điển hình lấy tiền nhà xây mộ tình thương này. Sáng 19-7, lúc ông đang dẫn các nhà báo đi... "thực địa" tại nghĩa trang Cấp Rang cũng bị hai vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Minh - nhà ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP. HCM) đi từ sáng sớm bằng xe gắn máy đến... níu lưng để tìm mộ cha là cụ Nguyễn Văn Năng, sinh năm 1919 - người đã bỏ nhà đi biệt từ mười năm nay, mặc cho con cháu tìm kiếm khắp nơi.

Ông Tám Hiệu tỏ ra sốt sắng với mọi chuyện. Ông nói: "Già rồi mà bận rộn, tất bật suốt nhưng vui! Cái số tui nó lận đận, cực khổ từ nhỏ lận!".

Ông chủ Nghĩa Thành có tên thật là Nguyễn Văn Sáng, sinh năm 1936 ở làng Phúc Lộc, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, do hoàn cảnh túng thiếu ở quê hương, năm 1939 cha mẹ ông phải liều thân xin làm phu công tra và bồng bế con cái vào đồn điền cao su Xuân Lộc sinh sống lúc ông Sáng mới vừa 3 tuổi. Từ Suối Tre, cha mẹ ông Sáng được đưa xuống Cấp Rang làm... "dân cạo". Cả mấy anh chị em ông Sáng lúc đó đều được cha mẹ cho vào học trường làng. Tuổi thơ của ông đã trôi qua một cách êm đềm bên những lô cao su ngút ngàn của vùng Cấp Rang đất đỏ. Nhưng hạnh phúc này không được dài lâu. Bởi, năm ông Sáng lên 9 tuổi thì mẹ ông qua đời vì bạo bệnh. Hai năm sau, cha ông lại mất. Và năm sau nữa, một người anh tên Nguyễn Văn Trọng trong lúc làm liên lạc cho Việt Minh bị lính Pháp phục kích bắn chết, đem bỏ xác ngoài lô cao su. Thế là cậu bé Nguyễn Văn Sáng mới 12 tuổi phải tự mình kiếm sống. Với thân hình nhỏ thó, ốm yếu ông Sáng khi ấy không được nhận làm bất cứ công việc gì. Thấy thằng nhỏ mồ côi đói rách có ông chủ ruộng thương tình cho ra chỗ phơi lúa làm nhiệm vụ đuổi chim. Cậu bé làm... "bù nhìn sống" còn tệ hại hơn cả bù nhìn "thật" vì không có áo che thân. Tuy nhiên, nhờ tích cực với công việc nên ông Sáng vẫn được những bữa no lòng cùng với đám thợ gặt. Cứ vậy, ông Sáng lê la kiếm sống khắp các cánh đồng ở vùng cao su heo hút này bằng cái nghề... làm "bù nhìn sống" suốt mấy mùa gặt. Thấy "cậu bé bù nhìn" hiền lành mà siêng năng, cần mẫn, một ông chủ ruộng bèn giới thiệu ông Sáng vào học nghề thợ nguội ở nhà máy cơ khí An Lộc. Anh thợ học nghề mới 15 tuổi chỉ mặc độc cái quần cụt được điều xuống nhà cao su Dầu Giây để làm quen với việc phụ giúp thợ hàn ráp xe cao su. Công việc hết sức vất vả, nhưng ông Sáng tỏ ra yêu thích cái nghề này nên chí thú học hỏi và nhanh chóng trở thành một thợ hàn khéo tay. Nhưng do học nghề chỉ được nuôi cơm nên hàng đêm ông Sáng phải co ro nằm ngủ trên miếng tole lạnh ngắt. Ông Sáng lúc ấy chỉ ước ao làm sao có được một cái bao bố để che thân cho bớt lạnh nhưng đó lại là điều xa vời, nằm ngoài tầm tay của cậu bé mồ côi này...

Ông Tám Hiệu tại cơ sở chế tạo các loại cối xay nông sản Nghĩa Thành.

* Một tấm gương vượt khó, làm giàu

Nhờ cần cù, chịu khó làm việc và sống hết sức tằn tiện chắt chiu, qua 7 năm làm thợ hàn, anh thanh niên Nguyễn Văn Sáng mới 22 tuổi đã có trong tay 26.500 đồng (giá vàng vào lúc bấy giờ khoảng hơn 1.000đ/lượng). Và ông Sáng hồi đó đã có một quyết định hết sức táo bạo là bỏ ra 2.000 đồng để về Sài Gòn mướn nhà ở trọ 3 tháng học thi lấy bằng lái xe, rồi mượn thêm 20.000 đồng để mua chiếc xe lam chở khách. Chiếc xe lam của ông Sáng là một trong số 20 chiếc xe "hữu sản hóa" mà lần đầu tiên chính quyền Sài Gòn cho phép hoạt động trong các tuyến đường ở tỉnh Long Khánh. Để tránh cảnh giành tài diễn ra gay gắt ở các tuyến đường nội thị, ông Sáng đăng ký chạy tuyến đường An Lộc - Dầu Giây - Ông Đồn - Rừng Lá. Suốt 5 năm làm nghề chạy xe lam trên tuyến đường xa như thế nhưng bữa ăn trưa nào ông Sáng cũng chỉ kêu một tô cơm trắng rồi xin chén nước lèo, bỏ thêm chút muối chan cơm ăn. Nhờ thế đến năm 1963, chàng trai 27 tuổi này không những trả hết nợ mua xe lam mà còn có một số vốn liếng để mở một tiệm hàn, quay lại nghề cũ. Có tay nghề cao nên khách hàng của tiệm hàn Tám Hiệu lúc nào cũng đầy việc. Có đêm giao thừa, ông chủ tiệm hàn trẻ tuổi này vẫn còn chui trong thùng xe lam để hoàn tất việc sửa chữa. Công việc cứ thế nhiều thêm, khiến ông Tám Hiệu phải thay đổi chỗ làm đến lần thứ ba mới chính thức đặt cơ sở Nghĩa Thành trên mặt tiền "đại lộ" Hùng Vương, nằm đối diện với chợ trung tâm thị xã Long Khánh để chuyên sửa chữa, chế tạo các loại nông cơ.

Năm 1977, cơ sở Nghĩa Thành đã "bí mật" chế tạo ra chiếc máy xay bắp, cà phê theo đơn đặt hàng của một chủ vườn ở Long Khánh. Cái máy chế biến nông sản đầu tiên phải sơn màu xanh lá cây để có thể ngụy trang trong vườn mỗi khi có cơ quan chức năng khám xét, không ngờ lại được bà con nông dân các nơi ưa chuộng. Cơ sở cơ khí Nghĩa Thành nhờ đó phất lên vùn vụt.

* Nghĩa tử là nghĩa tận

Năm 1982, sau khi cơ ngơi làm ăn đã đi vào thế ổn định, ông chủ Nghĩa Thành ở vào cái tuổi sắp "tri thiên mệnh" bèn đem nỗi niềm canh cánh trong lòng lâu nay chưa thực hiện được là làm cho cha mẹ, anh, chị, em được mồ yên, mả đẹp. Với ước nguyện ban đầu là làm chuyện báo hiếu đối với mẹ cha cùng những người trong gia tộc, ông Tám Hiệu đã quy tập hài cốt những người này vào một khu vực cao ráo, dùng những loại vật liệu đắt tiền xây dựng thành một cái lăng rất bề thế rồi thuê hẳn một ông già làm quản trang cho gia tộc và lo chuyện nhang đèn chu đáo. Ông Tám Hiệu nhớ lại: "Mỗi lần ra thăm mộ cha mẹ, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi đã làm được cái việc mà hơn 30 năm qua tôi luôn ao ước. Nhưng rồi trong một buổi chiều ra đốt nhang ở khu mộ của gia đình, tôi bỗng nhận ra hàng trăm nấm mộ vô chủ quanh đó đã nhiều năm không ai thăm viếng hoặc nhang khói bị trâu bò húc đạp nhìn rất tang thương. Hầu hết những nấm mồ vô danh nằm đây cũng đều là "dân cạo" tha phương cầu thực rồi gởi nắm xương tàn nơi đây như cha mẹ tôi thôi. Chạnh lòng nhớ đến những năm ấu thơ đói rách của mình và cảm thấy xót thương cho những người xấu số bị dập vùi dưới nấm đất vô tình, lạnh lẽo, tôi quyết định kêu xe chở đất đến bồi cao cho tất cả những nấm mồ vô chủ trong nghĩa địa Cấp Rang. Nhưng rồi chỉ sau một mùa mưa, cỏ mọc đầy, trâu bò lại dẫm đạp đã làm cho những nấm mồ đất vô danh này trở nên hoang phế. Đau lòng quá, tôi quyết định bỏ ra một phần vốn liếng của mình để xây tường rào kiên cố cho cả cái nghĩa trang Cấp Rang nhằm bảo đảm sự yên tĩnh vĩnh hằng cho tất cả những người gửi gắm thân xác nơi đây. Lần làm dãy tường rào cũng rất gian nan, vì Cấp Rang đang lúc gặp hạn hán. Đích thân tôi phải lái xe tải qua An Lộc chở nước về cho thợ trộn hồ. Tiếp đó là từng bước bê tông hóa rồi quét vôi trắng toàn bộ 110 ngôi mộ vô danh. Thấy mộ vô chủ được xây cất, chăm sóc chu đáo, thân nhân của 21 ngôi mộ gần đó đến xin tôi giúp đỡ vì gia cảnh họ quá khó khăn không thể xây được mộ cho người đã mất, tôi cũng đồng ý giúp luôn. Vì như ông bà mình thường nói: "Nghĩa tử là nghĩa tận". Riêng bản thân tôi được như ngày hôm nay cũng nhờ có sự cưu mang, đùm bọc của biết bao nhiêu người, dù họ không phải là họ hàng, thân thích gì cả!".

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích