Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở "xóm cùi"

10:05, 10/05/2006

Trước đây ở KP5, phường Tam Hiệp, có một "xóm Cùi" được nhiều người biết đến qua hình ảnh của "đội quân" ăn xin đông đảo nhất TP. Biên Hòa và là nơi phát sinh những tệ nạn xã hội. Nhưng giờ đây "xóm Cùi" đã đổi khác...

Sau giờ tan học, những đứa trẻ tíu tít bên ông kể chuyện trường lớp.

Trước đây ở KP5, phường Tam Hiệp, có một "xóm Cùi" được nhiều người biết đến qua hình ảnh của "đội quân" ăn xin đông đảo nhất TP. Biên Hòa và là nơi phát sinh những tệ nạn xã hội. Nhưng giờ đây "xóm Cùi" đã đổi khác...

 

Đã có một thời gian dài, xóm Cùi như là "mảng tối" trong một bức tranh sáng của TP. Biên Hòa. Cuộc sống của những người dân xóm Cùi rất khó khăn và phức tạp. Ở đây, thanh niên, trẻ em và người già đều sống bằng nghề ăn xin. Họ sống trong những túp lều sập sệ và nghèo nàn, không có điện thắp sáng, không có nước sạch để dùng, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sống trong cảnh bần cùng "xóm Cùi" nhanh chóng trở thành  một điểm nóng về các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, côn đồ, đánh bạc, mua bán sử dụng chất ma túy, mại dâm...

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của địa bàn này, chính quyền khu phố mới họp bàn, xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những vấn nạn của "xóm Cùi". Ông Lê Quang Năng, Trưởng khu phố 5, cho biết: "Trước tiên, chúng tôi sắp xếp lại tổ chức,  chia xóm ra làm 5 tổ để quản lý. Đồng thời ổn định số lượng dân cư, không để bỏ lọt các trường hợp nhập cư trái phép. Sau khi ổn định lại tổ chức, chúng tôi tìm giải pháp cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân". Với quyết tâm cao, khu phố đã huy động được nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân cùng vào cuộc. Giờ đây, "xóm Cùi" đã có nhiều đổi thay. Những căn lều tồi tàn trước kia đã được thay thế bằng 53 căn nhà tình thương. Đường sá thanh quang, sạch sẽ do được bê-tông hóa và một hệ thống cống thoát nước trị giá hơn 1 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Điện thắp sáng cũng đã đến được với 100% hộ dân, hệ thống đường ống nước cũng bắt đầu được nối để đưa nước sạch đến với người dân. Những người già, người tàn tật được trợ cấp thường xuyên (90 ngàn đồng + 10 kg gạo/người/tháng).

"Xóm Cùi" nay là khu phố văn hóa của phường Tam Hiệp.

Tuy nhiên, những trợ giúp về vật chất chỉ đóng vai trò như là những bà đỡ nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt. Còn về lâu dài để cho cuộc sống của bà con ở xóm cùi ngày một tốt hơn, cần làm thay đổi nhận thức của họ. Trong đó giúp cho bà con phải có ý thức  tự vươn lên trong cuộc sống. Do vậy, khu phố đã thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh trong xóm, động viên giúp đỡ họ lao động, học tập vươn lên... Nhờ đó, ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Từ những người xưa kia chỉ quen tay gậy, tay bị đi ăn xin giờ đây họ đã tự tìm kiếm việc cho mình như: làm công nhân, đạp xích lô, bán vé số, phụ hồ... Tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi. Đặc biệt, vấn đề giáo dục đã được quan tâm. Đến nay, cả xóm đã có hơn 100 trẻ em đến trường. Anh Lê Văn Tâm - một người tàn tật, có con trai đang theo học Trường cao đẳng kiến trúc ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi mong muốn cuộc đời của các con tôi phải đổi khác. Nên dù khó đến mấy, chúng tôi vẫn ráng cho con ăn học để sau này chúng có nghề nghiệp ổn định". Gia đình chị Lê Thị Thanh Nhàn và vài gia đình khác cũng hướng cho con cái đi học nghề để có cuộc sống ổn định trong tương lai. Từ những đổi thay của "xóm Cùi", năm 2004 KP5 đã được công nhận là khu phố văn hóa. Ông Lê Quang Năng, mong muốn: "Để giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa, trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì ổn định xã hội trong xóm, dần dần nâng mức sống người dân nơi đây lên ngang bằng với bên ngoài". 

Thúy Hằng

 

 

Tin xem nhiều