Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch "ba lô" trên đất nước Camphuchia

10:05, 06/05/2006

25 USD cho phí làm visa, 5 USD cho chuyến xe buýt từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnom Penh của Công ty du lịch Hạnh Café cùng 100 USD dằn túi, tôi bắt đầu làm một "ta ba lô" trong hành trình 5 ngày khám phá đất nước láng giềng Campuchia.

Du khách ngắm hoàng hôn trên đỉnh đền Ta Kheng thuộc quần thể di tích Angkor.

25 USD cho phí làm visa, 5 USD cho chuyến xe buýt từ TP. Hồ Chí Minh  đến Phnom Penh của Công ty du lịch Hạnh Café cùng 100 USD dằn túi, tôi bắt đầu làm một "ta ba lô" trong hành trình 5 ngày khám phá đất nước láng giềng Campuchia.

 

* Hành trình về "cánh đồng chết"

 

Chiếc vé ghi 8 giờ là xe khởi hành nhưng hóa ra tôi phải đợi thêm gần 1 giờ đồng hồ để chiếc xe buýt chạy vòng vòng qua các khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực Phạm Ngũ Lão (Q1, TP.HCM) đón đủ lượng khách Tây rời Việt Nam sang Campuchia. Con đường xuyên Á thẳng một đường thênh thang đến tận cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam và Bavet của Campuchia. Làm thủ tục nhập cảnh xong, còn đang loay hoay với chiếc ba lô lỉnh kỉnh ở bên kia biên giới phía nước bạn Campuchia thì bất chợt một giọng con gái Sài Gòn nhỏ nhẹ vang lên bên cạnh: "Bạn là người Việt?", tôi giật mình quay lại. Trước mặt là ba bạn gái còn rất trẻ cũng đang lỉnh kỉnh với mớ ba lô giống tôi, cười khì một cái, vậy là coi như chúng tôi đã quen biết. Thì ra các cô cũng làm một hành trình giống tôi nhưng còn chuyên nghiệp hơn khi đặt phòng trước ở những điểm đến bằng internet. Ở đây, tôi phải chuyển tiếp sang chiếc xe buýt của một hãng lữ hành khác nhờ mạng lưới liên kết vận chuyển khách của họ với các hãng lữ hành ở Việt Nam. Đến Phnôm Pênh thì trời đã về chiều, xe đưa thẳng chúng tôi đến một con hẻm trên đại lộ Sihanouk, tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn khá giống khu Tây ba lô trên đường Phạm Ngũ Lão (TP.Hồ Chí Minh). 4 USD cho một phòng đơn có quạt máy, vậy là đã có nơi để ngủ đêm. Việc cần làm ngay là phải mua vé xe cho ngày mai đi Siem Riep, thành phố cách Angkor 7km.

Trước khi đến Siem Riep, tôi đã tranh thủ buổi sáng hôm ấy tìm đến một địa danh đã luôn in đậm trong tâm trí tôi qua những lời kể, những cuốn sách và những bộ phim: Cánh đồng chết. Trong thời kỳ của Khmer Đỏ (bắt đầu từ 17- 4-1975 và chấm dứt 5 năm sau đó), có rất nhiều những "cánh đồng chết", nơi 1,7 triệu người dân Campuchia đã chết vì bị tra tấn, bệnh tật, đói hoặc làm việc quá sức dưới những chính sách cải tạo xã hội độc ác của Khmer Đỏ. Một trong những cánh đồng nổi tiếng nhất là Cheoung Ek, nay được biến thành một bảo tàng ngoài trời, cách Phnôm Pênh khoảng 15 km về phía Nam. Đây chính là địa điểm hành quyết hàng ngàn tù nhân được đưa đến từ nhà tù S21 Toul Sleng (nay là bảo tàng lưu giữ những tội ác của Khmer Đỏ) trong nội ô thành phố. Trên chuyến xe đưa tôi cùng vài người khách Tây về địa danh này, anh chàng lái xe tên Touh, 24 tuổi, bảo: Tour "cánh đồng chết" mở mấy năm gần đây nhưng lượng khách chọn tour còn khá ít, có lẽ do chưa được quảng bá nhiều. Khi tôi còn đang miên man những hình ảnh về đất nước Campuchia một thời bi thương thì chiếc xe rẽ ngoặt vào một khuôn viên được bọc kín bằng những tấm tole dày. Cả khuôn viên chỉ gồm một hồ nước và một căn nhà kín mít với cánh cửa duy nhất là một tấm sắt nặng trịch. Lẽ nào "cánh đồng chết" là đây? Người phục vụ đưa chúng tôi một "thực đơn" không phải thức ăn mà là... súng. Súng đủ loại từ ngắn đến dài, điểm chung là đã từng có mặt trong thời kỳ của Khmer Đỏ: A47, M16, K50, colt 45... Bạn phải mất từ 25-30 USD tùy loại cho 25 viên đạn để bắn thử. Những tiếng súng khô khốc vang lên từ ngôi nhà nghe lạnh người. Hồ nước kia hóa ra cũng dùng để cho du khách muốn "thử" một lần ném lựu đạn thật. Lựu đạn vừa ném xuống, chỉ nghe dưới làn nước đánh "ùm" một cái, đàn vịt ven bờ chạy nháo nhác. Xe đưa chúng tôi đến một địa điểm khác. Và lần này thì đúng là một "cánh đồng chết" mà tâm trí tôi đã hình dung: những bãi chôn người tập thể lồi lõm xen giữa những hàng cây thốt nốt im lặng không lời. Một ngọn tháp kiểu truyền thống của Campuchia vừa được xây lên để cất giữ 8.000 chiếc sọ của các nạn nhân đã chết tại cánh đồng này. Tay tôi không khỏi run run khi chạm vào một gốc cây bồ đề, nơi có dòng chữ chú thích Khmer Đỏ đã dùng để treo những chiếc loa phát thanh lớn, át đi tiếng gào thét khiếp sợ của những nạn nhân. Và kia là gốc cây thốt nốt được giải thích là đã từng được dùng để trói và tra tấn trẻ em, những chiếc hố chuyên dùng để chôn những xác người mất đầu... Lặng người trước những gì đã từng diễn ra tại đây, tôi và chắc hẳn mọi người đã từng tham quan nơi này cũng thế, chỉ mong sao những tội ác này sẽ không còn tái diễn với nhân loại. Và bảo tàng này là một lời cảnh tỉnh không bao giờ cũ.

 

* Ngẩn ngơ Angkor

 

"Cánh đồng chết" Choeung Ek nay là một bảo tàng ngoài trời minh chứng cho tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Đến Siem Riep, tôi và một nhóm bạn trẻ người Việt mới quen cùng đi du lịch kiểu ba lô nhanh chóng kết bạn và làm thành một nhóm. Cả nhóm thuê một chiếc xe tok tok (là xe máy được gắn thêm phần đuôi giống như xe lôi để khách ngồi) với giá 12 USD cho một ngày tham quan Angkor, vậy là quá rẻ. Người ta nói rằng: Với quần thể di tích Angkor, Campuchia đã có mặt trên bản đồ du lịch thế giới như một trong những điểm "nên đến trước khi chết". Con đường dẫn vào khu đền Angkor, từng là trung tâm của đế chế Khmer hùng mạnh vào thế kỷ IX -  XV, xuyên qua một cánh rừng già mát rượi và đẹp mê hồn. Để tham quan được hết quần thể kiến trúc gồm hơn 100 ngôi đền bằng đá trải rộng giữa rừng nguyên sinh này, có lẽ phải mất ít nhất 3 ngày. Vì có ít thời gian nên tôi chỉ có thể chọn những cụm di tích quan trọng nhất trong quần thể này để tham quan, trước hết là Angkor Wat, còn được gọi là kinh đô chùa. Được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới thời của vua Suryavarman II, Angkor Wat nằm trong một khu đất thiêng rộng 1.500x1.300m, được bao bọc bởi những hào sâu và rộng làm thành những hồ nước nhân tạo. Đứng từ xa, Angkor Wat hút hồn du khách bởi 5 ngọn tháp được đặt theo sơ đồ ngũ điểm, trong đó tháp chính đặt ở giữa cao đến 65m, bốn tháp nhỏ hơn bao quanh cao khoảng 40m. Nếu đứng đối diện từ xa thẳng hàng với ngọn tháp trung tâm, ta chỉ nhìn thấy có 3 ngọn tháp vì 4 ngôi tháp ở góc được xây rất thẳng hàng với nhau! Đến nay vẫn chưa có giải thích nào xác đáng cho câu hỏi làm cách nào mà ở thế kỷ XI, người Khmer đã có thể vận chuyển hàng triệu khối đá xanh, có khối nặng hàng chục tấn, về được đến địa điểm xây đền và sắp xếp chúng vừa khít. Hàng giờ liền lang thang trong quần thể di tích Angkor, tôi như lạc vào thế giới của người xưa, ngẩn ngơ trước sự sống động của hàng ngàn bức điêu khắc được tạc vào những ngôi đền đá. Này là những nàng vũ nữ dân gian Apsara với thân hình mềm mại và điệu múa uyển chuyển, nữ thần sắc đẹp Laksmi ngàn năm mỉm cười cùng nhân gian. Này là những con quái vật bước ra từ sử thi Ramayana, Mahabharata. Vị vua cưỡi voi dưới tán của 15 chiếc lọng thúc giục hàng vạn quân xung trận trong tiếng hò reo, tù và dậy đất trời. Angkor hôm nay mỗi ngày phải có đến hàng ngàn du khách thập phương đổ về tham quan, mang về một nguồn lợi rất lớn để đất nước Campuchia phát triển. Đã có nhiều lo ngại cho rằng sự khai thác du lịch quá mức sẽ gây tổn hại đến công tác bảo tồn. Điều đáng mừng là tinh thần hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và giữ gìn di sản này luôn được phát huy. Người Nhật, người Đức, người Trung Quốc... đang chung tay dựng lại những gì đã từng có từ những mảnh vỡ. Hy vọng chẳng bao lâu nữa du khách sẽ không còn phải bước đi trong nhiều di tích đã đổ nát.

Chiều Angkor, tôi lại hòa cùng dòng du khách ngược lên đỉnh đền Ta Kheng để chờ ngắm vẻ đẹp đã thành "huyền thoại" với dân du lịch "ba lô": hoàng hôn trên mặt hồ nước nhân tạo Barrai. Bất giác mỉm cười với chính mình khi biết rằng tôi đã vừa làm một cuộc khám phá đất nước láng giềng chỉ trong khoảng 130 USD!

 Minh Chánh

 

 

Tin xem nhiều