Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường đến SaPa

10:05, 17/05/2006

Sa Pa là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai, miền Tây Bắc đất nước. Từ thành phố Lào Cai theo quốc lộ 70 khoảng 38 km, ta sẽ đến được điểm du lịch này. Cộng tác viên báo Đồng Nai, anh Phan Đình Dũng, hiện công tác tại Bảo tàng Đồng Nai vừa có dịp đến Sa Pa và gửi về cho báo bài viết.

Trung tâm SaPa nhìn từ Khu du lịch Hàm Rồng.

Sa Pa là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai, miền Tây Bắc đất nước. Từ thành phố Lào Cai theo quốc lộ 70 khoảng 38 km, ta sẽ đến được điểm du lịch này. Cộng tác viên báo Đồng Nai, anh Phan Đình Dũng, hiện công tác tại Bảo tàng Đồng Nai vừa có dịp đến Sa Pa và gửi về cho báo bài viết.

 

* Đường leo núi chập chùng

 

Đường lên Sa Pa là đường leo núi. Cứ lên cao dần. Được biết, thị trấn Sa Pa cao hơn mực nước biển là 1.600m. Người tài xế chăm chú lái nhưng miệng thì tranh thủ nói chuyện. Anh ta bảo, các bác ở miền Nam ra ngoài này khi lên Sa Pa thì thuê xe ở đây là chắc ăn nhất. Vì cánh tài xế ở đây quen đường...

Lên dốc, xuống dốc nhưng ở ngọn núi cao hơn, rồi men theo vách núi như con rắn trườn ngoằn ngoèo là đặc điểm của đường quốc lộ 70 từ Lào Cai đi Sa Pa. Đường lên Sa Pa từ Lào Cai lên 38 cây số thì có 25 cây số là đường đèo dốc nguy hiểm. Một số người trong xe chúng tôi là phụ nữ đã đổi chỗ ngồi vào phía giữa băng ghế. Lúc đầu thì háo hức dành chỗ bên cửa  để nhìn cho thỏa thích. Nhưng những đoạn đường núi cứ nối tiếp, bên thì núi cao, bên thì vực sâu nên họ đã bắt đầu sợ. Xe đi gần đến Sa Pa thì độ cao cứ tăng dần. Nhiều người nghe tai mình ù  lên khó chịu. Càng gần đến Sa Pa thì dốc càng cao do đặc điểm của địa thế tự nhiên. Rất nhiều những đoạn cua gấp khúc rất ngặt mà cánh tài xế bảo cua gấp khủy tay.

Trên quốc lộ 70, những ai đến Sa Pa lần đầu sẽ ngạc nhiên, thích thú với những cảnh đẹp của thôn, bản các dân tộc ít người. Đó là các dân tộc HMông, Dao. Bản của người HMông ở độ cao lưng chừng những dãy núi. Núi ở đây liên hoàn, tạo thành dãy nhấp nhô trong dãy núi Hoàng Liên Sơn. Những ngôi nhà thấp thoáng sau những vạt cây rừng. Có những bản theo người địa phương cho biết, từ chân núi lên đến các bản khoảng 7 cây số. Để đến được mỗi nhà là mỗi con đường đất riêng và chỉ có đi bộ. Từ phía xa nhìn đến bản người HMông, Dao rất đẹp. Những con đường đất đến từng nhà lộ ra lên trên mảng xanh của cây rừng tạo nên những đường nét thật đẹp. Có nhiều bản mà buổi sáng, nhà ở của đồng bào chỉ thấp thoáng hiện ra dưới những đám mây trời lảng bảng trôi.

Điều thích thú với những du khách là những mảng ruộng bậc thang. Trước đây tôi được xem qua những trang tin thời sự trên truyền hình hay ảnh nghệ thuật về thực địa canh tác này của đồng bào thiểu số phía Bắc. Nhưng khi thấy thực tế thì thích thú hơn nhiều. Có khi cả một ngọn núi phía dưới bản làng hoặc một phần ngọn núi được đồng bào canh tác. Cách làm nương ruộng bậc thang để giữ được nước. Những bờ đập bậc thang nương theo địa thế của núi tạo nên những đường viền uyển chuyển. Những mảng ruộng xanh thấp thoáng cùng với những bậc ruộng chờ mùa vụ giữ nước làm nên bức tranh sinh động nhiều màu sắc. Tiếc rằng, do đường hẹp nên xe không thể dừng lại được để chụp những bức ảnh cảnh canh tác của người đồng bào HMông. Trên những đoạn đường đến Sa Pa, du khách bắt gặp những người HMông với trang phục cổ truyền, đeo gùi với những vật dụng đi làm nương rẫy. Những bước chân rắn chắc ngược đường dốc cao. Thỉnh thoảng, ta bắt gặp những người HMông ngồi nghỉ dưới gốc cây, bờ đá ven đường.

 

* Nét Sa Pa của thị trấn du lịch

 

Sau gần 4 tiếng đồng hồ để vượt qua 38 cây số, chúng tôi đến thị trấn Sa Pa. Sa Pa có nhiều cảnh đẹp. Du khách đến đây khá nhiều. Trong đó, có một lượng lớn là người nước ngoài. Trước khi đến Sa Pa, tôi được những người trong ngành du lịch Lào Cai cho biết những tháng đầu năm 2006, có gần nửa triệu khách nước ngoài với 43 quốc tịch, vùng lãnh thổ đã đến đây. Nhiều người cho rằng, khách nước ngoài đến Hà Nội thì số đông đều đăng ký tour đi Sa Pa. Họ đi theo từng đoàn nhưng cũng có nhiều người đi cá nhân. Cũng cần nói thêm, từ Hà Nội đi lên Sa Pa bằng xe lửa theo chuyến đêm. Tối ở Ga Hà Nội thì sáng sớm có mặt tại thành phố Lào Cai sau đêm hành trình.

Sa Pa có gần 40.000 dân với 6 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 tộc người bản địa là HMông, Dao, Tày, Giáy, Xà Pó và người Kinh. Sa Pa tháng 5 năm nay không có tuyết rơi. Những ngày đầu tháng 5 trời sáng lạnh nhưng trưa thì nóng. Những ngày gần đây do ảnh hưởng của không khí lạnh, gió mùa phía Bắc nên trời trở lạnh. Cái lạnh không như ở Đà Lạt. Du khách có thể tham quan nhiều cảnh đẹp ở Sa Pa. Tại thị trấn Sa Pa thì có thể đến nhà thờ đá, đền Mẫu, Hàm Rồng... Đặc biệt, đến điểm du lịch Hàm Rồng ta có dịp thưởng thức "vương hoa chi giả" có đến trên 200 loài lan khác nhau. Một số tour du lịch từ thị trấn được các điểm kinh doanh du lịch tại thiết kế đi các bản Dền, Cát Cát của người đồng bào dân tộc, bãi đá có khắc chữ cổ, thác Bạc... Những điểm tour du lịch này cách thị trấn từ 5 đến 20 cây số. Hoặc khách đi cá nhân, muốn được thoải mái thì tìm một người xe ôm thoả thuận để đi đến những điểm mình cần. Cánh xe ôm ở Sa Pa rất đông.

Những đường phố của Sa Pa rất đông cửa hàng bán đồ lưu niệm. Mặt hàng rất phong phú. Nhiều mặt hàng tại chỗ nhưng cũng nhiều mặt hàng từ nơi khác nhập về. Trong đó, mặt hàng Trung Quốc chiếm số lượng lớn, khá phong phú nhất là những quần áo, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em. Dạo một lượt các quầy hàng lưu niệm, tôi được nhiều người giới thiệu đến các món rượu đặc sản của vùng núi phía Bắc như Rượu Chít, rượu San Lùng và một số thứ khác nữa...

Chợ Sa Pa bày bán nhiều đồ thổ cẩm. Từ chăn màn, bao gối  đến quần áo, khăn tay, tranh thêu... đủ loại. Nhiều màu sắc rực rỡ. Tại nhiều sạp có bàn máy may để người chủ vừa bán hoặc có thể tranh thủ thời gian rảnh để may những mặt hàng thổ cẩm. Nhưng người mua cần cẩn thận khi trả giá. Nhiều cửa hàng bày bán các mặt hàng thổ cẩm rất lịch sự, nhưng giá hơi đắt. Những tấm tranh thêu với họa hình văn tiết của người dân tộc thiểu số HMông tùy theo độ rộng, dài ngắn, nhiều họa tiết có giá từ 100 đến 200 nghìn đồng. Những tấm tranh thêu thổ cẩm này nếu mua để treo trang trí trong các phòng khách chắc chắn rất đẹp, lạ. Loại hàng này, khách Tây hay mua.

Điều khá độc đáo là thị trấn Sa Pa là rất đông những người đồng bào HMông, Dao đỏ, Giáy đến mua hàng, buôn bán. Già có, trẻ em có, chủ yếu là phụ nữ. Họ đi bán dạng tự do các mặt hàng thổ cẩm của mình. Người HMông, Dao đỏ mặt những trang phục rất đẹp mắt, hoa văn màu sặc sỡ. Người HMông thì chân bó vải đen, trên người đeo nhiều đồ trang sức như dây vải, khoen tai... Người Dao đỏ thì có nét đặc trưng là trên đầu trùm khăn màu đỏ.

Trên một số đoạn phố, người đồng bào thiểu số tự do bày những sản phẩm thổ cẩm của mình trên bờ tường, hiên, hè mà bán. Những tấm chăn, màn được treo dài một đoạn, tường, bờ rào hay trên vỉa hè, còn người bán ngồi ở dưới với cái gùi, vật dụng khác. Buổi trưa, họ tập trung lại thành từng nhóm nghỉ ngơi. Chiều về lại bản. Một số trẻ em người HMông cười nói vui vẻ, chạy theo những du khách để bán hàng nhưng không chèo kéo. Một ít các em cũng "xí lô xí la" ít tiếng Anh về cách chào mời, giá cả với khách nước ngoài. Tôi bắt gặp một số người Lự trên phố Sa Pa. Đó là những người nói tiếng Lào, ở bản cách Sa Pa trên 50 cây số. Trang phục với nhiều lớp vải với màu đen chủ yếu đang gánh gồng những dụng cụ vào bán hàng các cửa tiệm.

Hầu như những đường phố nào của thị trấn du lịch này đều thấp thoáng bóng người dân tộc HMông, Dao đỏ, Giáy... Theo tôi, đó cũng là một nét riêng đem đến cho Sa Pa sự độc đáo trong thu hút khách du lịch. Mùa này, Sa Pa chưa tụ hội chợ tình. Đêm Sa Pa lạnh. Ta có thể dạo phố, vào những quán cà phê khá ấm cúng để thưởng thức.

Phan Đình Dũng

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích