Nhân tháng hành động vì chất lượng an toàn - vệ sinh thực phẩm:
Ăn "cơm bụi"...

07:05, 08/05/2006

Ở thời công nghiệp, do luôn phải chạy theo thời gian nên không ít người - kể cả người lao động, công chức nhà nước và học sinh, sinh viên - thường phải chấp nhận lối sinh hoạt: ăn sáng tự túc, ăn trưa "cơm bụi" và tối có khi phải... tùy nghi di tản nếu người nội trợ duy nhất của gia đình lại vướng bận việc gì đó. Vì thế, "cơm bụi" đang dần trở nên phổ biến với người dân đô thị...

Các hàng cơm thường có nhiều món ăn để khách hàng tùy chọn.

Ở thời công nghiệp, do luôn phải chạy theo thời gian nên không ít người - kể cả người lao động, công chức nhà nước và học sinh, sinh viên - thường phải chấp nhận lối sinh hoạt: ăn sáng tự túc, ăn trưa "cơm bụi" và tối có khi phải... tùy nghi di tản nếu người nội trợ duy nhất của gia đình lại vướng bận việc gì đó. Vì thế, "cơm bụi" đang dần trở nên phổ biến với người dân đô thị...

 

*Cơm bụi: Tiện, rẻ nhưng có bổ?

 

Chị Trần Thị Trang, chủ hàng cơm không tên ở phường Tân Mai (TP. Biên Hòa) trước làm nghề bán cà phê, nhưng hơn ba năm nay chị chuyển sang bán cơm. Nhiều lần ghé tiệm, chúng tôi thấy lượng người đến ăn cơm trưa ở hàng chị khá đông. Khách đến đây vì thức ăn được chế biến khá bắt mắt và được để trong tủ kính sạch sẽ, chỗ ngồi cũng khá tươm tất. Chị Trang cho biết: "Mỗi ngày - chủ yếu là buổi trưa - trung bình có khoảng 150 lượt khách đến ăn. Giá mỗi suất ăn là 7.000 đồng. Nếu ăn thêm một ít thức ăn khác cũng chỉ khoảng 10.000 đồng, bao gồm cả đồ xào, canh và trà đá". Còn ở tiệm cơm gà Bình Nguyên thuộc phường Thanh Bình (TP. Biên Hòa) cũng là điểm khá đông khách ghé ăn cơm trưa. Mặc dù giá ở đây không thật bình dân vì mỗi suất ăn có giá 12.000 - 15.000 đồng, chỗ ngồi cũng không được sạch sẽ lắm, nhưng nhiều người vẫn thích đến đây vì món ăn được chế biến khá hợp khẩu vị với nhiều người, đặc biệt là mấy món gà rán, gà nướng, thịt nướng và canh cải chua, canh súp ... Ở một số tiệm cơm không bảng hiệu ở phường Trung Dũng, địa chỉ quen thuộc của đa số học sinh các trường Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và sinh viên Trường cao đẳng trang trí mỹ thuật, với giá chỉ 6.000 đồng/suất ăn, mỗi ngày tiệm cơm cũng phục vụ cho hàng trăm lượt học sinh - sinh viên. Một số hàng cơm khác ở quanh các bệnh viện Đồng Nai, Thống Nhất, bệnh viện Nhi cũng ngày ngày phục vụ hàng trăm lượt người ăn, giá nào cũng có. Tất nhiên, cơm giá rẻ, chất lượng và vệ sinh khó mà bảo đảm.

Những người hàng ngày thường ăn "cơm bụi", phần lớn đều có chung nhận xét: "Bất đắc dĩ mới ăn cơm bụi!". Anh Tạ Văn Tâm, chạy xe ôm ở khu công viên Biên Hùng cho biết: "Cơm bụi làm sao ngon, bổ và vệ sinh bằng ở nhà nấu. Nhưng công việc tụi tui thất thường, tiện đâu ăn đó. Chỉ ăn suất cơm 7.000 - 8.000 đồng, mỗi tháng cũng hết  hơn 200 ngàn tiền ăn. Rồi hai đứa con tôi cũng phải tự đi ăn vì vợ tôi làm công nhân trưa không thể về nấu ăn. Nếu với số tiền đó, nấu ăn ở nhà vừa ngon lại đỡ tốn kém". Còn chị Hồng,  một nhân viên ngân hàng cũng thường ăn cơm ở quán Thu Bình cho biết: "Buổi trưa chỉ được nghỉ hơn 1 giờ lại phải đưa đón con đi học nên ngày nào hai mẹ con cũng hai hộp cơm bụi. Ăn nhanh rồi còn tranh thủ nghỉ ngơi. Tối có đủ cả nhà mới nấu ăn chung". Riêng về chất lượng và vệ sinh của cơm bụi, anh Trần Hùng, thợ ảnh của một lab hình ở phường Trung Dũng - người có "thâm niên" ăn cơm bụi đã gần 10 năm cho rằng: "Cơm ngoài quán, tiệm chỉ tiện thôi chứ chất lượng và vệ sinh không bảo đảm. Với giá bình dân chỉ 8.000 - 10.000 đồng/suất, lại nấu cho nhiều người ăn một lúc thì chủ tiệm khó mà đáp ứng được chuyện vệ sinh và nguồn thực phẩm sạch". Còn anh Võ Kim Tuấn, bảo vệ của một cơ quan nhà nước cũng thường phải ăn cơm bụi lại tỏ ra lo ngại: "Ngán nhất khi ăn cơm bụi là ăn phải thức ăn bị ế, để lưu cữu từ ngày nọ qua ngày kia, được hâm đi, rán lại nhiều lần, rất dễ ngộ độc". Hai anh cũng cho biết "kinh nghiệm" khi đi ăn "cơm bụi" là nên ăn ở những quán đông khách, bán nhiều, thức ăn thường được làm mới, không ăn ở những quán, tiệm vắng loe ngoe, ít người ăn, thức ăn thường bị ế, để qua ngày. Rẻ hơn vài ngàn đồng cũng không nên.

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000 cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống, cả kinh doanh có phép lẫn kinh doanh chui. Qua kiểm tra AT-VSTP tại hơn 9.500 cơ sở là điểm kinh doanh có giấy phép và địa chỉ cố định thì có đến hơn 40% cơ sở không đạt tiêu chuẩn AT-VSTP. Trung tâm cũng đã tiến hành khảo sát thực trạng nguy cơ và nhược điểm của các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn và nhận định:  Hầu hết các điểm kinh doanh ăn uống, trong đó có các tiệm bán cơm thường không có các thiết bị bảo quản thực phẩm; người trực tiếp chế biến thực phẩm hầu hết chưa qua huấn luyện và thiếu kiến thức về vệ sinh - an toàn thực phẩm,  chưa đảm bảo về vệ sinh cá nhân và nguồn thực phẩm chủ yếu lấy trôi nổi...

 

* "Giấy đỏ, giấy trắng, giấy xanh", liệu có hiệu quả?

 

Quản lý, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm trong chuỗi thực phẩm "từ trang trại đến bàn ăn" hiện nay là vấn đề lớn của xã hội, trong đó khâu kinh doanh và chế biến thực phẩm là một trong những mắt xích quan trọng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Đức, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết: "Quản lý và phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm từ gốc cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành. Riêng việc quản lý các cơ sở chế biến và kinh doanh hàng ăn trên địa bàn đã được UBND tỉnh cho phép bắt đầu từ tháng 5 này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho tất cả các cơ sở kinh doanh hàng ăn trên địa bàn thông qua 3 loại giấy: đỏ, trắng và xanh. Mỗi loại giấy chứng nhận có tính chất khác nhau và mỗi lần kiểm tra ngành chức năng đều xác định rõ mức độ bảo đảm điều kiện AT-VSTP của cơ sở đó để cấp giấy chứng nhận. Cơ sở được cấp giấy màu đỏ là cơ sở được chứng nhận điều kiện AT-VSTP tốt, giấy màu xanh cho cơ sở có điều kiện vệ sinh trung bình, vẫn được tiếp tục kinh doanh nhưng sẽ cho thời hạn để làm tốt hơn và giấy màu trắng dành cho cơ sở không đạt điều kiện AT-VSTP. Đối với cơ sở nhận được giấy màu trắng phải ngừng kinh doanh để chấn chỉnh, khắc phục. Sau một tháng, đoàn trở lại kiểm tra nếu đạt yêu cầu mới cho kinh doanh trở lại. Việc kiểm tra này sẽ giao cho địa phương, dưới sự giám sát của đoàn kiểm tra liên ngành". Cũng theo ông Trần Nguyên Đức, chính quyền địa phương các phường, xã được giao quyền và trách nhiệm kiểm tra. Như thế cũng là buộc chính quyền cơ sở phải cùng vào cuộc với một tinh thần trách nhiệm để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất vệ sinh và thực phẩm không an toàn trong hoạt động kinh doanh hàng ăn. Vì hơn bao giờ hết, địa phương mới là người nắm rõ nhất những hoạt động đang diễn ra trên địa bàn mình.

 Việc giao trách nhiệm quản lý AT-VSTP trong hoạt động kinh doanh mặt hàng ăn uống cho địa phương là một quyết định đúng đắn. Song theo chúng tôi khi đã có những quy định, phân cấp rõ ràng, cụ thể, ngành chức năng cũng cần tuyên truyền, giáo dục để người dân cùng hưởng ứng bằng việc "tẩy chay" không ăn uống ở những hàng quán mất vệ sinh, không ăn những thực phẩm không bảo đảm an toàn, tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động kiểm tra của cán bộ cơ sở, để tránh tình trạng châm chước trong quá trình kiểm tra, đồng thời ngăn ngừa tình trạng cơ sở "chạy chọt" để có giấy đỏ và xem đó như "lá chắn" an toàn mà bỏ ngỏ chất lượng và vệ sinh thực phẩm ở cơ sở mình. Nhưng quan trọng hơn vẫn là tuyên truyền để người kinh doanh, chế biến thực phẩm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm AT-VSTP là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giúp cơ sở mình kinh doanh ổn định và phát triển.

 Phương Liễu

 

Tin xem nhiều