Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ mổ bò đi... "xuất khẩu lao động"

10:05, 15/05/2006

Tôi cứ ngỡ mình đang ở phòng tập của các võ sĩ khi nhìn những thân hình vạm vỡ, rắn chắc đang thực hiện các động tác đẩy tạ và luyện tập trên máy tập đa năng. Nhưng không, đó là một buổi tập hằng ngày của những anh chàng "đồ tể" tại một lò giết mổ bò, heo ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa.

Thợ lò mổ bò trong giờ tập luyện thể lực.

Tôi cứ ngỡ mình đang ở phòng tập của các võ sĩ khi nhìn những thân hình vạm vỡ, rắn chắc đang thực hiện các động tác đẩy tạ và luyện tập trên máy tập đa năng. Nhưng không, đó là một buổi tập hằng ngày của những anh chàng "đồ tể" tại một lò giết mổ bò, heo ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa.

 

* Những lực sĩ thể hình

 

Đến ngã tư Tân Phong thuộc phường Trảng Dài, tôi hỏi thăm lò mổ bò thì một chị bán rau quả ở lề đường nhanh nhảu: "Cậu đến đó xin việc làm hả? Lò đó lớn lắm, ở đây ai mà chẳng biết, lại có cả xuất khẩu lao động nữa đấy! Cậu cứ đi thẳng vài trăm mét nữa rồi rẽ phải là tới nơi...". Tìm đến lò mổ, tôi thấy tấm bảng ghi "Lò giết mổ bò heo" và may mắn gặp được ông Oan Lộc Phến, giám đốc Công ty Khải Nam ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ quản lò mổ bò này. Khi được hỏi về chuyện lò mổ bò xuất khẩu lao động thì ông Phến giãy nảy: "Làm gì có chuyện đó anh, người ta chỉ đồn thôi chứ lò mổ bò thì làm sao có chức năng xuất khẩu lao động. Sự thật là có chuyện đi lao động nước ngoài, nhưng phải gọi chính xác là di dân tay nghề. Chúng tôi chỉ đào tạo thợ mổ bò, khi họ đạt đến trình độ nhất định, chúng tôi sẽ tư vấn và giúp họ ký hợp đồng lao động trực tiếp với đối tác bên Úc. Người lao động tự làm hộ chiếu, chúng tôi giúp họ làm visa để sang Úc lao động".

Được một người quản lý lò mổ dẫn đi thăm khu vực xưởng mổ với những dây chuyền, hệ thống giết mổ khá hiện đại, tôi thực sự phát hoảng khi thấy những anh chàng lực lưỡng như lực sĩ thể hình, múa may những đường dao sắc lẹm. Có trên 150 công nhân làm việc ở lò mổ, tuy nhiên không phải ai cũng to con mà có những thợ ốm nhom, lại cao lêu nghêu. "Trông họ vậy chứ hiền lắm, họ chỉ biết tập luyện để mong sớm đi lao động nước ngoài kiếm tiền thôi. Những người ốm là mới vào học việc, tui bảo đảm chỉ tập luyện trong 3 tháng là họ tăng 10-15kg đấy" - người quản lý nói.

Từng chứng kiến nhiều đồ tể giết mổ bò, nhưng quả thật chứng kiến tốc độ làm việc chính xác và sự lanh lẹ của những chàng đồ tể tại lò mổ bò ở phường Trảng Dài này đã khiến tôi như không tin vào mắt mình. Một chú bò lai Ấn Độ to lớn sau khi bị giết xong, người thợ chỉ dùng một con dao nhỏ dài hơn 30cm thực hiện những đường dao gọn gàng nhưng biến hóa kỳ ảo và chỉ hơn 10 phút sau chú bò đã được xẻ thịt xong.

Một thợ lò mổ cho biết một ngày làm việc thường bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng, họ tập luyện thể hình, chơi bóng đá cho đến 11 giờ trưa. Việc tập thể lực rất được chú trọng và được thực hiện rất nghiêm túc với đầy đủ phương tiện như máy tập đa năng, ghế đẩy tạ... Đến chiều, họ thực hành mổ bò dưới sự hướng dẫn của những người có tay nghề cao và kinh nghiệm.

 

* Cơ hội thu nhập 400 triệu mỗi năm

 

Ông Oan Lộc Phến cho biết, trước đây Công ty Khải Nam của ông chỉ giới thiệu lao động làm việc trong nước. Ông Phến đã có ý tưởng đưa lao động sang Úc làm việc khi người em trai của ông làm việc tại Công ty môi giới lao động quốc tế (World Workers) ở miền Nam nước Úc trở về Việt Nam và tỏ ý muốn giới thiệu lao động Việt Nam sang Úc làm việc. Ông Phến nói: "Chúng tôi ưu tiên cho công nhân nghèo và những người có kinh nghiệm vào học việc, chỉ cần đóng tiền cơm nước 500.000 đồng/tháng. Người lao động sau khi đạt được tay nghề nhất định họ sẽ làm hộ chiếu và công ty giúp họ làm visa để sang Úc lao động. Tháng 6-2005, những lao động đầu tiên đã sang Úc làm việc theo như hợp đồng lao động đã ký kết. Đến nay đã có 300 thợ sang làm việc tại Úc, còn lại khoảng 150 thợ đang tiếp tục được huấn luyện".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người thợ lò mổ bò ở Trảng Dài này là người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, đông nhất là quê ở Kiên Giang, một số là người Đồng Nai. Các lao động khi làm việc ở Úc được bố trí làm đúng công việc chuyên môn là giết mổ gia súc, làm việc 40 giờ mỗi tuần nhưng công việc rất cực nhọc. Thu nhập người lao động tính ra tiền Việt đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Nhiều lao động sau một năm làm việc, trừ các chi phí ăn ở và phí dịch vụ, đã dành dụm gửi về gia đình gần 200 triệu đồng. Thu nhập khi làm việc ở nước ngoài khá cao nên nhiều thợ lò mổ rất quyết tâm tập luyện thể hình, tập luyện nâng cao tay nghề và nhất là phải chịu đựng được gian khổ, chịu xa nhà... Anh Trịnh Hoàng Ná, 31 tuổi, một thợ lò mổ có thân hình lực lưỡng với chiều cao trên 1,8m, bộc bạch: "Mình quê ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, mình đã có vài năm làm thợ giết mổ bò ở TP. Hồ Chí Minh, nay về học nghề ở đây với hy vọng sớm được đi lao động nước ngoài để kiếm tiền phụ giúp gia đình và... cưới vợ".

Việc xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc không còn xa lạ, nhất là đối với những lao động có trình độ tay nghề và khả năng tiếng Anh. Tuy nhiên, một lò giết mổ gia súc tư nhân mà đã thành công trong việc hỗ trợ lao động sang Úc nên được nhiều người quan tâm. Đặc biệt hơn, chủ lò mổ không yêu cầu những người thợ phải có trình độ học vấn, biết tiếng Anh mà chỉ cần hiền lành, có tay nghề, sức khỏe và thể hình tốt là có thể được huấn luyện và ra làm việc ở nước ngoài.

Trần Đức

 

Tin xem nhiều