Trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam:
Nỗi đau không của riêng ai!

09:05, 03/05/2006

170 trường hợp bị nhiễm chất độc màu da cam (CĐDC) được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh tặng quà nhân dịp lễ kỷ niệm 30 - 4 vừa qua hầu hết là trẻ em. Đáng kể là có những cơ thể quặt quẹo, những khuôn mặt đờ đẫn, những thể xác vô hồn...

170 trường hợp bị nhiễm chất độc màu da cam (CĐDC) được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh tặng quà nhân dịp lễ kỷ niệm 30 - 4 vừa qua hầu hết là trẻ em. Đáng kể là có những cơ thể quặt quẹo, những khuôn mặt đờ đẫn, những thể xác vô hồn...

Tuổi thơ của các em - nạn nhân CĐDC (bị di chứng từ cha, mẹ hoặc ông bà) là những năm tháng sống trong cùng cực đau khổ. Chưa hết, hoàn cảnh của các gia đình có con, cháu bị nhiễm CĐDC vốn đã cơ cực càng trở nên cơ cực hơn vì trong tay không có đồng vốn cần thiết  và không đủ thời gian để lao động kiếm sống. Nỗi bất hạnh, mất mát và đau thương ấy của những gia đình có người bị nhiễm CĐDC khiến người đối diện không khỏi xót xa...

 

* Cần thêm nhiều tấm lòng nhân ái....

 

Trong buổi lễ trao vốn và quà cho gia đình có người bị nhiễm CĐDC do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tại hội trường Tỉnh ủy ngày 27-4, hàng trăm người dự lễ đã phải rơi nước mắt khi nghe Thanh Sử hát bài "Vì sao em chết?" của Thanh Trúc, nói về trường hợp một đứa trẻ bị chết vì nhiễm CĐDC. Hình ảnh của đứa trẻ trong bài hát thể hiện đúng tâm trạng của những người có mặt trong buổi lễ, đến nỗi tất cả những bà mẹ, ông bố đều ôm ghì lấy con một cách đau đớn. Ngay cả Thanh Sử, khi thể hiện bài hát cũng phải ứa nước mắt khi anh trút từng lời của bài hát vào trái tim người nghe. Thanh Sử chỉ là một trong nhiều nghệ sĩ có tên tuổi như : Út Bạch Lan, Hoàng Liên, Bích Phượng, Đông Quân... đến biểu diễn phục vụ miễn phí. "Thực ra, những đứa trẻ bị nhiễm CĐDC phần lớn không cảm nhận được niềm vui khi xem văn nghệ hoặc nghe ca hát; càng không thể biết được vì sao mình lại ra nông nỗi này. Thế nhưng, trách nhiệm của những người còn sống không thể dửng dưng trước những nỗi đau mà trẻ bị nhiễm CĐDC phải gánh chịu. Cho nên, từ những đóng góp chân tình của văn nghệ sĩ, có thể xem đó như là lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn tới những cảnh đời bất hạnh là nạn nhân CĐDC...". Ca sĩ Thanh Sử, một người con của đất Biên Hòa -  Đồng Nai, cùng nghệ sĩ Bích Phượng đều bày tỏ như vậy khi nghe chúng tôi hỏi cảm xúc của hai người về buổi biểu diễn.

Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ tịch quỹ nạn nhân CĐDC Võ Thị Linh như nghẹn lời khi phát biểu: "Cuộc sống của các gia đình có người bị nhiễm CĐDC đã và đang rơi vào hoàn cảnh hết sức bi đát. Trong thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có hỗ trợ các gia đình nạn nhân CĐDC bằng trợ cấp hàng tháng và  quỹ nạn nhân CĐDC đã quyên góp từ các tổ chức, cá nhân có lòng nhân ái để giúp đỡ cho hàng chục ngàn gia đình có nhà tình thương; hàng trăm ngàn người được chữa bệnh miễn phí... tuy nhiên, nỗi đau mà các nạn nhân phải gánh chịu không gì có thể bù đắp được, đặc biệt là những trường hợp một gia đình có 2, 3 thậm chí 4 người con đều bị nhiễm CĐDC. Chính vì vậy, sự sẻ chia đối với những mất mát của nạn nhân CĐDC là trách nhiệm không của riêng ai. Riêng tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng trên 6.000 người bị nhiễm CĐDC cần sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần"...

 

* "Hãy cứu lấy con tôi!"

 

Trong buổi lễ, có những đứa trẻ nằm, ngồi bất động, nhưng cũng có không ít em ú ớ, thậm chí la hét, co giật nên buộc cha mẹ phải cho nằm trên bàn vì không thể bồng ẵm được. Trước những hình ảnh đau thương như vậy, chúng tôi đã ghi lại những khoảnh khắc đó như là một lời tố cáo đối với tội ác mà trong chiến tranh quân Mỹ đã gieo rắc cho nhân dân Việt Nam.

Anh Mai Văn Thuận, 44 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế, hiện ngụ ở tổ 6, KP4, phường Long Bình buồn bã kể với chúng tôi, hồi còn trai trẻ anh đi thanh niên xung phong và đóng quân ở Đắc Lắk. Sau khi xuất ngũ, năm 1997 anh lập gia đình. Năm 1989, vợ anh sinh con gái đầu lòng tên Mai Thị Diệu My. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ mau chóng tan biến khi My sau khi sinh đã có những biểu hiện kém phát triển cả về cơ thể lẫn trí óc. Dù không khá giả gì, nhưng anh Thuận vẫn tìm đủ cách để chạy chữa cho con, thế nhưng tất cả đều vô vọng, vì kết quả ngành Y tế xác định My bị nhiễm CĐDC. Năm 1993, do quá cơ cực nên gia đình anh Thuận  quyết định bỏ cao nguyên về  TP. Biên Hòa. Hiện hàng ngày anh phải đi làm phụ hồ để nuôi gia đình. Còn My, năm nay đã là thiếu nữ 17 tuổi, nhưng trông chỉ như đứa trẻ lên 5. Tương tự như My, Phạm Hoàng Tú năm nay 14 tuổi, nhưng tay chân mảnh khảnh chỉ có da bọc xương. Bà Trần Thị Mai Hoa, 45 tuổi, ngụ ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết, Tú là con thứ hai. Ngay khi sinh, các bác sĩ đã khẳng định, Tú khó có khả năng phát triển. Sau này, gia đình đưa Tú đi chạy chữa nhiều nơi, kể cả trong Nam, ngoài Bắc, điều trị bằng thuốc tây y lẫn đông y nhưng cuối cùng các thầy thuốc đành bó tay vì kết quả cho thấy Tú bị nhiễm CĐDC. Bà Hoa cho rằng, theo lời nhiều người, khả năng Tú bị bệnh là do vùng đất Long Thành trước đây là địa điểm Mỹ rải nhiều chất độc hóa học và CĐDC.

Vũ Thanh Thuận, 10 tuổi (nằm), ngụ ở xã Gia Canh, huyện Định Quán.

 

Một trong những hình hài bi thảm, bị dị dạng thấy rõ nhất là trường hợp của bé Nguyễn Hoài Thanh. Năm nay Thanh mới 3 tuổi nhưng chiếc đầu đã to quá khổ so với cơ thể bé xíu. Anh Nguyễn Hoài Phương (sinh năm 1946, ngụ ở ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cha của Thanh cho biết, năm 1989 từ quê Bình Định vào huyện Định Quán, cuộc sống của gia đình anh tuy cơ cực, nhưng còn có bữa cơm, bữa cháo. Từ năm 2003, khi Thanh chào đời thì kinh tế trong nhà kiệt quệ hẳn. Bi kịch của một gia đình nông dân nghèo khó càng trở nên khốn đốn khi đầu Thanh mỗi ngày một to, còn cơ thể thì teo tóp. Ngoài bệnh úng thủy não, Thanh còn bị teo cơ. Gia đình có đưa Thanh đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ chê. Từ đó đến nay, em sống vật vờ trong niềm thương vô bờ bến của cha mẹ và lối xóm. Một trường hợp khác, không thất thần, biến dạng như Thanh, nhưng Vũ Thanh Thuận, 10 tuổi, ngụ ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) tỏ ra ngờ nghệch. Ngoài chứng co giật, Thuận còn bị mù mắt bẩm sinh. Đang ngồi trên lòng cha là ông Vũ Thanh Huyền, 40 tuổi, Thuận ú ớ mấy tiếng rồi tay, chân co giật khiến người cha không thể giữ được đành phải để em nằm trên bàn tự do... "múa". Ông Huyền rơm rớm nước mắt khi nói với chúng tôi rằng, gia đình ông hoàn toàn kiệt quệ vì Thuận. Khốn nỗi, ở vùng đất nghèo khó như Gia Canh, gia đình ông có ráng lắm cũng chẳng thể thay đổi được cuộc sống. Ngoài những trường hợp đáng thương kể trên, chúng tôi còn gặp Hoàng Văn Bình (7 tuổi, ngụ ở xã Phú Tân, huyện Định Quán, bị bại liệt, câm điếc); Phạm Như Ngọc (15 tuổi, nhà ở ấp Giá Tỵ, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) và hai trong bốn người con của ông Đào Văn Phố, sinh năm 1956, ngụ tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc). Ông Phố có 5 người con thì 4 bị nhiễm CĐDC từ cha (ông Phố đi bộ đội và đóng quân tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Trong số 4 người con của ông Phố bị nhiễm CĐDC có Đào Văn Khuynh và Đào Thị Bích bị liệt toàn phần; Đào Văn Hưng, Đào Văn Khuynh, Đào Văn Dinh bị mù một mắt. Riêng Đào Thị Bích không tự phục vụ được. Nói với chúng tôi, ông Phố nghẹn ngào như than trách: "Trời ạ, người ta chỉ có một đứa con bị nhiễm CĐDC coi như đã sống dở, chết dở; còn gia đình tôi, đến 4 đứa bị thì làm sao có thể tự mình vượt lên số phận được".

Rõ ràng, chẳng bút mực nào có thể tả hết được nỗi khốn cùng mà những gia đình có người bị nhiễm CĐDC đã và đang phải gánh chịu. 31 năm trôi qua - tính từ ngày đất nước thống nhất, những đứa trẻ dù sinh sau chiến tranh vẫn từng ngày từng giờ chống chọi lại những cơn đau vật vã do bệnh tật từ CĐDC đem đến. Còn các bậc cha mẹ có con bị nhiễm CĐDC, họ đã làm tất cả để cho con cái họ được tồn tại, dù đó có thể chỉ là những thân xác vô hồn. Đáng tiếc là, trong lúc hàng triệu nạn nhân CĐDC trên toàn đất nước Việt Nam là bằng chứng xác thực nhất, sinh động nhất về hậu quả của thứ vũ khí hủy diệt da cam/dioxin tàn khốc, thì chủ nhân của nó cho đến giờ này vẫn chưa chịu thừa nhận trách nhiệm. Đây quả là sự bất công và tàn nhẫn không thể nào chấp nhận được.

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều