Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ Đồng Nai: Nơi người lao động gửi gắm niềm tin

11:05, 09/05/2006

Không chỉ làm công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật (TT TVPL) Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Đồng Nai còn tham gia giải quyết tranh chấp lao động có hiệu quả và thực sự đóng vai trò cầu nối giúp hàn gắn mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Người lao động đến TT TVPL LĐLĐ Đồng Nai nhờ hỗ trợ pháp lý.

Không chỉ làm công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật (TT TVPL) Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Đồng Nai còn tham gia giải quyết tranh chấp lao động có hiệu quả và thực sự đóng vai trò cầu nối giúp hàn gắn mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

 

* Từ trợ giúp pháp lý...

 

Anh Trịnh Văn Lợi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty K. từ ngày 10-10-2002. Đến ngày 29-3-2005, công ty ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Lợi với  lý do là anh lười biếng không hoàn thành nhiệm vụ và có tham gia đình công. Tuy nhiên, công ty không chứng minh được việc anh không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời viện dẫn việc anh có tham gia đình công để ra quyết định cho nghỉ việc cũng không đúng quy định pháp luật. TT TVPL LĐLĐ Đồng Nai đã cử luật sư Vũ Ngọc Hà làm đại diện anh Lợi khởi kiện vụ việc ra tòa. Kết quả, tòa án đã tuyên buộc công ty phải nhận anh trở lại làm việc, bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc với tổng số tiền trên 11 triệu đồng. Anh Lợi phấn khởi cho biết: "Nói thật, lúc đầu mình  đến Trung tâm nhờ tư vấn cũng chỉ để hiểu rõ lý do công ty cho mình nghỉ việc như thế có đúng quy định hay không, đồng thời tìm đến các chuyên gia tư vấn để có người đồng cảm chứ không dám nghĩ là mình lại thắng kiện.".

Vụ việc của anh Trịnh Văn Lợi là một trong số hàng chục trường hợp mà Trung tâm đã tư vấn và đại diện cho người lao động khởi kiện thành công tại tòa. Một số trường hợp tương tự, như vụ chị Đỗ Thị Huệ bị công ty A. điều chuyển làm công việc khác không đúng quy định, chị Huệ không chấp nhận thì bị sa thải, Trung tâm đã hỗ trợ chị Huệ khởi kiện ra tòa và công ty phải bồi thường chị Huệ 9,4 triệu đồng. Vụ 4 công nhân Nguyễn Bá Khoa, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Hà, Phạm Thị Phụng bị công ty M. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Trung tâm đã giúp các công nhân này thảo đơn khởi kiện và bảo vệ trước tòa thành công, người lao động được bồi thường 31,3 triệu đồng... Những lao động trên cho biết trước đây do chưa nắm rõ pháp luật nên không dám kiện chủ doanh nghiệp. Khi được tư vấn, hỗ trợ họ đã mạnh dạn khởi kiện vụ việc ra tòa.

Chị Phạm Thị Xuân Đào, nhân viên của TT TVPL LĐLĐ Đồng Nai, cho biết hoạt động chính của đơn vị là tư vấn pháp luật lao động miễn phí. Ngoài ra, trung tâm còn có các dịch vụ thu phí như tư vấn dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, kinh tế... Đa số các trường hợp người lao động tìm đến trung tâm nhờ trợ giúp pháp luật lao động do kiến thức pháp luật có hạn nên các nhân viên trung tâm phải soạn thảo đơn giúp và theo nguyên tắc là có thu phí giấy mực tượng trưng. Tuy nhiên, nhiều công nhân bị quỵt lương, bị sa thải... có hoàn cảnh rất khó khăn, thế là trung tâm miễn phí tất cả.

 Nhiều công nhân nói họ đến với Trung tâm là do bạn bè giới thiệu, khi một người được tư vấn thành công thì tuyên truyền cho người khác. Cứ thế người này truyền miệng cho người kia và họ xem các anh chị trong trung tâm như người thân, là chỗ dựa vững chắc khi họ gặp rủi ro, trắc trở trong cuộc sống.

 

*... Đến hàn gắn quan hệ lao động

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, giám đốc trung tâm, thì công nhân khởi kiện là điều cần thiết khi doanh nghiệp không có thiện chí giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng. Tuy nhiên, chuyện đưa nhau ra tòa chỉ là giải pháp cuối cùng, cái chính là người làm công tác tư vấn phải làm sao để các bên tranh chấp thấy có lý có tình mà tự giải quyết với nhau. Thông thường khi nhận được yêu cầu tư vấn của người lao động, chuyên viên tư vấn chủ động liên hệ với chủ sử dụng lao động hoặc cán bộ công đoàn của đơn vị đề nghị cung cấp thông tin và phân tích lý lẽ cho họ. Nhiều trường hợp chủ sử dụng lao động tỏ rõ thiện chí đã mời ngay người lao động đến đơn vị giải quyết dứt điểm vụ việc. Như vậy hai bên không phải kéo nhau ra tòa, vừa đỡ tốn kém thời gian, công sức và hạn chế tối đa rạn nứt trong quan hệ lao động. Vụ việc mới đây tại một công ty ở KCN Biên Hòa 1 là ví dụ. Một số công nhân đến Trung tâm đề nghị giúp họ khởi kiện vì công ty không trả lương ngừng việc. Chuyên viên của Trung tâm đã chủ động liên hệ với đại diện công ty và phát hiện không riêng gì số công nhân trên mà toàn bộ gần 350 công nhân khác cũng không được lãnh lương trong 2 tháng ngừng việc. Sau khi được chuyên viên Trung tâm tư vấn phân tích sự việc, phía công ty chấp nhận trả 150 triệu đồng lương ngừng việc cho các công nhân.

Để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động, Trung tâm chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai Bộ Luật lao động tại đơn vị, nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để hai phía tự điều chỉnh nhằm thống nhất về quyền và trách nhiệm trong quan hệ lao động. Đặc biệt, trong thời gian gần đây khi một số cuộc đình công ở Đồng Nai có xu hướng bùng phát mạnh, các chuyên viên của Trung tâm đã tham gia giải thích pháp luật, ngăn chặn kịp thời một số vụ đình công tự phát. Qua đó, bảo vệ quyền lợi của cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp.

Trần Đức

 

 

Tin xem nhiều