Báo Đồng Nai điện tử
En

Về Phước An ăn...cúm

10:05, 19/05/2006

Lâu nay ở vùng rừng ngập mặn Phước An, Long Thọ thuộc huyện Nhơn Trạch, bên cạnh các loại hải sản nổi tiếng giàu dinh dưỡng như tôm, cua, ghẹ, sò huyết, cá buôi v.v... còn phải kể đến một loại thức ăn không kém phần khoái khẩu mà ít người biết đến, đó là con cúm. Cúm ở Phước An có khá nhiều và đang trở thành món không thể thiếu trong thực đơn của các quán nhậu...

Lâu nay ở vùng rừng ngập mặn Phước An, Long Thọ thuộc huyện Nhơn Trạch, bên cạnh các loại hải sản nổi tiếng giàu dinh dưỡng như tôm, cua, ghẹ, sò huyết, cá buôi v.v... còn phải kể đến một loại thức ăn không kém phần khoái khẩu mà ít người biết đến, đó là con cúm. Cúm ở Phước An có khá nhiều và đang trở thành món không thể thiếu trong thực đơn của các quán nhậu...

 

Anh Trần Văn Liếu, người có trên 30 năm hành nghề đăng lưới ở vùng đất ngập mặn Phước An cho biết, sở dĩ gọi "con cúm" là vì khi trông thấy người nó co cụm thân mình lại. Cúm có thân hình giống loài cua, ghẹ, cũng 8 cẳng, 2 càng nhưng đào hang sống ở đáy nước. Tuy nhiên, cúm hơi khác cua là mai cúm sần sùi, chân và rìa của mai có nhiều lông tơ. Cặp càng của cúm hơi quá khổ so với thân mình, đồng thời cũng là vũ khí lợi hại trong việc săn bắt mồi và tự vệ. So với loài cua, ghẹ, cúm có thân mình không lớn, trọng lượng bình quân chỉ khoảng 100- 150gr/con. Nếu là cúm lâu năm, chuyên sống ở tầng nước sâu, trong các bãi rạng, có con lên đến 200-300gr. Ở Phước An, cúm có nhiều ở khu vực mương điều, rạch dừa thuộc vùng rừng đước ngập mặn. Cụm ở khu vực này chỉ có một loài là cúm đen. Thịt của loài cúm đen rất chắc và ngọt. Còn ở khu vực ngã ba Tắc Cua, Tắc Cò giáp ranh giữa các huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) còn có thêm loài cúm trắng. Tuy nhiên loại này thịt ốp và không ngon bằng loại cúm đen.

Cúm có mặt quanh năm ở vùng rừng ngập mặn. Cũng ốp, chắc như cua, ghẹ theo mùa trăng. Tuy nhiên mùa rộ, có nhiều cúm là vào khoảng tháng 8 âm lịch kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau, vì đây là thời điểm loài cúm sinh sản. Cách đây vài năm, dân chài Phước An, Long Thọ xem loài cúm không phải là mặt hàng thương phẩm vì ít ai ăn. Do vậy cũng không ai nghĩ đến việc đánh bắt. Tuy nhiên gần đây, do lượng cua, ghẹ tự nhiên sắp cạn kiệt vì nạn đánh bắt bừa bãi và ô nhiễm môi trường nước ở sông Thị Vải, nên loài cúm mới được nhiều người chú ý. Và việc đánh bắt cúm để làm thức ăn thay thế thịt cua đã được dân chài Long Thọ, Phước An và các vùng lân cận tập trung khai thác. Anh Trần Văn Liếu còn cho biết thêm, việc đánh bắt loài cúm không khó lắm. Dựa vào tập quán của cúm chỉ đi ăn khi nào có con nước lớn, nên dân đánh bắt chỉ dùng lưới cào, đóng đáy hoặc dùng bẫy rập cua để đặt là có thể bắt được chúng. Muốn bắt cúm trong lúc con nước ròng thì phải tìm hang. Cúm thường đào hang trú thân ở đáy hoặc 2 bên bờ của dòng chảy, dưới gốc đước v.v... Nếu là hang cúm thì bên ngoài miệng hang có nhiều phế phẩm như vỏ tôm, vỏ sò. Vì sau khi bắt được và "tiêu thụ" xong con mồi, cúm thường dọn vệ sinh hang bằng cách đẩy những rác rưởi ấy ra ngoài. Vì vậy, người đi bắt cúm chỉ cần nhìn thấy dấu vết là có thể đào hang để bắt.

Theo nhiều người dân ở Phước An, Long Thọ, thịt cúm có thể chế biến được nhiều món. Nhưng ngon nhất là vẫn là món cúm hấp nước dừa, cúm rang muối, xào tỏi, xào me, cúm nướng lửa hồng... Ăn món thịt cúm với những cách chế biến trên đây kèm với ly rượu đế, bạn sẽ tận hưởng được vị ngọt của thịt cúm không thể lẫn với các loài hải sản cùng loại. Được biết, hiện tại mỗi kg cúm thương phẩm mà ngư dân đem cân cho các chủ vựa có giá từ 15-20 ngàn đồng. Nhưng khi bước vào các hiệu ăn, quán nhậu đã qua chế biến, mỗi kg cúm được đẩy lên với giá từ 50- 60 ngàn đồng, hoặc 70- 80 ngàn đồng nếu là cúm loại 1. Nếu có dịp về miệt Phước An, Long Thọ, mời bạn hãy nếm thử món thịt cúm một lần cho biết. Dẫu sao thì đây cũng là món ăn dân dã, mang hương vị riêng của chốn đồng quê.

 Đức Việt

Tin xem nhiều