Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm nhận từ Washington
Bài cuối: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ?

10:07, 05/07/2006

Tôi đặt chân đến Mỹ vào một buổi trưa đầu tháng 6-2006, nơi mùa hè đã bắt đầu. Vì là mùa hè nên nhu cầu đi du lịch theo gia đình hay theo trường học, theo nhóm bạn bè khá đông. Với 12 sân bay nội địa và quốc tế mà tôi đã có dịp đến và đi trong suốt cuộc hành trình 3 tuần lễ, sân bay San Francisco đã là sân ga cuối cùng tôi dừng chân để làm thủ tục về Việt Nam. Trong lúc di chuyển bằng những chuyến bay, tôi đã quan sát nước Mỹ từ các sân bay và tự hỏi: Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Đa số những mặt hàng tiêu dùng có giá trung bình đều đến từ Trung Quốc.

Tôi đặt chân đến Mỹ  vào một buổi trưa đầu tháng 6-2006, nơi mùa hè  đã bắt đầu. Vì  là mùa hè nên nhu cầu đi du lịch theo gia đình hay theo trường học, theo nhóm bạn bè  khá đông. Với 12 sân bay nội địa và quốc tế mà tôi đã có dịp đến và đi  trong suốt cuộc hành trình 3 tuần lễ, sân bay San Francisco đã là sân ga cuối cùng tôi dừng chân để làm thủ tục  về Việt Nam. Trong lúc di chuyển bằng những chuyến bay, tôi đã quan sát nước Mỹ từ các sân bay và tự hỏi: Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

 

* Từ sân bay nước người

 

Sân bay Chicago rộng lớn từ cái nhìn của một kẻ lần đầu đến với nó. Quả thật hệ thống tàu điện vận chuyển khách từ ga hàng không  chính  đến các cổng để đáp chuyến bay đi khắp nơi từ sân bay này hoạt động ì  ầm suốt cả ngày.  Cứ vài phút lại  một chuyến ghé các trạm  đổ và nhận khách. Khách từ nước ngoài vào Mỹ bằng cửa khẩu Chicago, khách nội địa đi đến các  tiểu bang trong nước Mỹ, khách đi ra các nước... Trong vòng 5 phút nhưng tôi đếm được  hơn  chục chiếc máy bay cất và hạ cánh. Tần suất hoạt động ở sân bay Chicago rất dày.  Và sau những chuyến bay, tôi lại nghĩ Chicago cũng mới chỉ là một, còn hàng chục sân bay nội địa và sân bay quốc tế trên đất Mỹ  rộng lớn, trải rộng từ bờ Thái Bình Dương sang phía Đại Tây Dương, cũng với tần suất hoạt động nhộn nhịp như thế. Điều này  chứng tỏ phương tiện hàng không được người dân sử dụng phổ biến - dù cho gần đây tai nạn máy bay xảy ra nhiều hơn và thảm khốc hơn.

Những nhận xét được chứng minh thêm bằng những chuyến bay mà chúng tôi có dịp đi từ các sân bay New York, Indianapolis, Atlanta, Mississippi, Dallas, Salt Lake,  Porland (Oregon) và cả San Francisco... Một vé máy bay nội địa có giá từ hơn 100 USD đến vài ba trăm USD, thậm chí có vé đến 500-700USD - tùy theo hành khách có yêu cầu đi xa, gần hoặc đi gấp, ngồi hạng ghế nào... Và kể từ vụ khủng bố tòa nhà tháp đôi 11-9 đến nay, việc di chuyển bằng đường hàng không dù là nội địa hay quốc tế ở Mỹ cũng bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn - vậy mà tuyến nào cũng đông nghẹt người, sân bay nào cũng phải nhiều cổng, nhiều tầng để đón hành khách. Sự  tổ chức trong quản lý điều hành từ mặt đất đến không trung, từ cách phục vụ hành khách của sân bay, của các hãng máy bay cho thấy trình độ chuyên nghiệp đã nâng cao như thế nào. Nhiều người am hiểu về ngành hàng không Mỹ cho biết, vẫn có sự cạnh tranh của các hãng máy bay trong tổ chức khai thác chuyến bay; trong cung cách phục vụ hành khách, trong trang bị phương tiện..., và các sân bay vẫn tiếp tục nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng cho sự phát triển của công nghiệp hàng không. Trong đó sân bay Dallas được coi là một ví dụ: với cả ngàn hecta, đậu được hàng trăm máy bay, một lúc có thể 5-7 máy bay cất cánh hoặc hạ cánh; mỗi cổng di chuyển hành khách lên, xuống máy bay cách nhau cả cây số và đây là sân bay mà đường phi đạo chạy trên đường xe ôtô, không gây cản trở giao thông. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ hàng không đã thể hiện sức mạnh kinh tế, trình độ chuyên nghiệp trong quản lý điều hành ngành công nghiệp hàng không.

 

* Có một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Viêt Nam

 

Chỉ cần ngồi ở các sân bay trên đất Mỹ hay đứng trên một góc phố nào ở Washington DC, ở New York , Indianapolis, San Francisco hay ở những vùng nghèo như Mississippi, vùng thảo nguyên và núi đồi với tuyết phủ một năm tới 7-8 tháng như Wyoming... để quan sát,  những nhà sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam cũng tìm thấy có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của mình và cũng sẽ cảm thấy nhói lòng khi hàng Việt Nam hầu như không thấy xuất hiện ở thị trường hơn 220 triệu dân và nhu cầu đa dạng này.

Trước hết là hàng giày dép, may mặc.  Do phải  di chuyển nhiều không chỉ bằng các phương tiện chuyên chở mà cả đi bộ nên người Mỹ sử dụng giày thể thao khá phổ biến, kể cả người già. Mỗi đôi giày 50-70USD và những loại giày model của các hãng nổi tiếng như Nike, Reebok, Adidas... có giá tới 120-140USD/đôi. Giày dép phụ nữ hiện nay "made in" China đang được bày bán khắp các cửa hàng ở nước Mỹ, cũng từ 49,99USD đến 60-70USD/đôi; những đôi dép đi trong nhà có kiểu cách đôi chút như bọc bằng những sợi thừng nhỏ, gắn vài hột đá hay cả dép kẹp đế cao su giá cũng đến 20 USD/đôi. Hàng may mặc cũng vô số kể hàng nhập từ Trung Quốc. Quần áo vào thị trường này cũng không phải khó tính, chỉ cần nắm bắt nhu cầu, thời tiết của từng khu vực và giá cả phù hợp là có thể xâm nhập được. Ở bất cứ cửa hàng nào ở Washington DC hay New York, cho đến siêu thị  ở các vùng quê cũng đều thấy tràn ngập hàng Trung Quốc. Những bộ quần áo có giá hàng chục USD gồm nhiều loại, từ đồ ngắn đến đồ dài, từ quần vải cho đến quần jean. Ngoài ra còn hàng điện tử, điện máy gia dụng; hàng đồ chơi trẻ em  cũng bày bán tràn lan ở các cửa hiệu, siêu thị với "made in China". Trong đó đặc biệt hàng lưu niệm bằng gốm sứ, bằng nhựa composit như những gạt tàn thuốc lá, những chiếc dĩa có in các biểu tượng của từng vùng như hình cầu Vàng (Golden Gate Bridge) ở San Francisco, Nữ thần Tự Do hay những toà nhà chọc trời, cầu dây văng lâu đời nhất ở New York;  Nhà Trắng hay Tòa nhà Quốc hội    Washington DC, những chiếc túi xách, những thú nhồi bông,móc chìa khóa... hầu như được đến từ Trung Quốc.

Một mặt hàng khác được tiêu dùng rất nhiều nữa là vali, túi xách đựng hành lý. Do phải di chuyển nhiều và thường bằng phương tiện hàng không, tàu điện  nên hầu như mỗi ngày ở các sân bay trên đất Mỹ có hàng triệu vali, túi xách của hành khách được sử dụng. Và không ít người hàng năm đều có nhu cầu thay vali, túi xách vì di chuyển nhiều làm cho sản phẩm này bị hư hỏng, cũ, sờn rách. Loại sản phẩm này vừa được sử dụng phổ biến, vừa trở thành "mode" nên cũng tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu. Mặt hàng cà phê cũng được sử dụng như một món nước giải khát thường xuyên của nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần  nên các cửa hàng, quày hàng bán cà phê lúc nào cũng có khách...

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Mỹ được coi là thị trường tiêu dùng khá dễ tính và đa dạng, sức mua lớn nên đây là nơi hấp dẫn cho các nước có nguồn nhân lực dồi dào, giá thành nhân công rẻ để tổ chức sản xuất hàng tiêu dùng đưa vào thị trường này, như Việt Nam. Thời gian qua một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam  cũng đã nỗ lực khai phá, thâm nhập thị trường Mỹ nhưng quả thật vẫn như "muối bỏ biển". Nếu đi một vòng các siêu thị lớn, nhỏ ở các thành phố, người ta tìm mua món hàng "made in China, Thailand, Japan..." thì không khó nhưng tìm hàng made in Vietnam thì lại quá khó. May ra ở khu vực hay cửa hàng bán giày thể thao với các thương hiệu của Nike, Reebok, Adidas mới có xuất xứ tại Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến cho rằng: Đây là thị trường rất hấp dẫn, người Mỹ có nhu cầu tiêu dùng rất cao và cũng không khó tính lắm nên có rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Giờ đây cánh cửa WTO đã mở, Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam cũng đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Do vậy, thời cơ cho DN Việt Nam vào thị trường Mỹ đã sẵn sàng. Chỉ có điều, năng lực sản xuất và cạnh tranh của DN Việt Nam ra sao khi phải cạnh tranh với các nước khác để có thể tìm được chỗ đứng cho mình tại thị trường Mỹ. Vấn đề bây giờ là thuộc về chúng ta...

Kim Loan

 

Tin xem nhiều