Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở "vùng yếu" và chống "lột da" khu lòng chảo Nhơn Trạch

09:07, 06/07/2006

Bị buộc phải ký hiệp định Paris, đồng thời phải thừa nhận sự hợp pháp, hợp hiến của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bọn Mỹ ngụy xem đây là đòn chí tử giáng mạnh vào sinh mệnh chính trị của bè lũ "đồng minh chống cộng". Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hò hét chỉ đạo thực hiện âm mưu: "Trên trung ương thì hòa bình, dưới xã ấp thì chiến tranh; trong phòng họp, bàn đàm phán thì hòa bình, nhưng ra ngoài phòng họp là bình định". Và Thiệu ra lệnh: "Tràn ngập lãnh thổ" cùng lúc triển khai giai đoạn 4 kế hoạch "bình định tứ niên cộng đồng" được gọi bằng cái tên hoa mỹ là chương trình tái thiết nông thôn.

Trung tá Phạm Văn Duyên và vợ là bà Nguyễn Thị Nghiêng đang an hưởng tuổi già ở ấp 2, xã Long An (huyện Long Thành).

Bị buộc phải ký hiệp định Paris, đồng thời phải thừa nhận sự hợp pháp, hợp hiến của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bọn Mỹ ngụy xem đây là đòn chí tử giáng mạnh vào sinh mệnh chính trị của bè lũ "đồng minh chống cộng". Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hò hét chỉ đạo thực hiện âm mưu: "Trên trung ương thì hòa bình, dưới xã ấp thì chiến tranh; trong phòng họp, bàn đàm phán thì hòa bình, nhưng ra ngoài phòng họp là bình định". Và Thiệu ra lệnh: "Tràn ngập lãnh thổ" cùng lúc triển khai giai đoạn 4 kế hoạch "bình định tứ niên cộng đồng" được gọi bằng cái tên hoa mỹ là chương trình tái thiết nông thôn.

 

* Nỗ lực cuối cùng của quân Mỹ ở Nhơn Trạch

 

Dự đoán trước tình hình, ngày 28-10-1972, Trung ương Cục mở cao điểm "chồm lên chiếm lĩnh trận địa", ta kịp thời bẽ gãy kế hoạch "Hùng Vương" của địch với ý đồ ào ạt tấn công vào vùng giải phóng nhằm lấn đất lấn dân; tiếp đó là đập tan chiến dịch "xóa thế da beo"...

Thất bại liên tiếp trong việc dùng lực lượng quân sự lấn chiếm vùng giải phóng của ta, địch chuyển sang thực hiện kế hoạch lấn đất, lấn dân bằng việc đưa bọn phản động trong các tổ chức, tôn giáo, đảng phái núp sau các hoạt động từ thiện xã hội, mà chúng gọi là "cứu trợ nạn nhân chiến cuộc" để thực hiện việc ủi phá địa hình, di dân đến các vùng giải phóng, vùng ven của căn cứ cách mạng...

Đặc biệt, để bảo vệ an toàn cho vành đai khu vực rút quân, Mỹ đã làm một nỗ lực cuối cùng là yểm trợ tối đa cho quân ngụy thực thi kế hoạch "lột da" khu lòng chảo Nhơn Trạch. Trong vùng lòng chảo Nhơn Trạch rộng đến 110 hécta, Mỹ ngụy đã ồ ạt huy động 250 xe ủi hạng nặng có xe tăng yểm trợ, cùng 200 lượt trực thăng cần cẩu lên xuống mỗi ngày.

 

* "Vật mọn ra mắt"

 

Trung tá Hai Duyên (Phạm Văn Duyên), nguyên ủy viên thường vụ Huyện ủy, Phó ban an ninh huyện Nhơn Trạch, nay đã 71 tuổi, đang sống an nhàn ở ấp 2, xã Long An (huyện Long Thành) nhớ lại: "Cuộc đấu tranh chống địch giành dân, lấn đất, ủi phá địa hình thật gian khổ. Nếu không vững, không khéo thì mình bị địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, đẩy cách mạng đến chỗ đối lập với quần chúng. Ngược lại, nếu không kiên quyết thì chính mình mắc âm mưu địch. Những "nạn nhân của chiến cuộc"  ấy sẽ sống ngay cạnh căn cứ ta để thu thập tình báo!".

Ngưng một tí, người sĩ quan an ninh có trên 30 năm trong ngành chậm rãi kể: "Ngày 15-3-1973, tôi và các đồng chí trong tổ công tác phát động phong trào cách mạng tại vùng đồng bào Công giáo di cư định cư ở xã Vĩnh Thanh, đang trụ trong căn cứ thì nghe có tiếng động cơ gần rú. Tưởng xe tăng địch càn vào căn cứ, tôi vội cho người trèo lên cây quan sát thì thấy xe ủi đang ủi phá rừng, cách căn cứ không đầy một cây số. Lập tức tôi cùng các đồng chí trong tổ ra nói rõ cho tên chủ thầu rằng đây là khu vực cách mạng quản lý và hạ lệnh cấm phá, ủi, nếu vi phạm sẽ bị trừng trị. Hôm sau linh mục Nam và linh mục Mạnh từ tu viện Khiết Tâm đến gặp tôi và các đồng chí trong tổ. Sau khi trịnh trọng đặt lên mô đất 2kg đường, 2kg cà phê, 4 cây thuốc lá Capstan, gọi là "vật mọn ra mắt", hai vị linh mục đề nghị được ủi phá 200 hécta đất để lập trại cùi và phát triển kinh tế. Biết đây là âm mưu địch lợi dụng tôn giáo, lợi dụng hoạt động từ thiện để lấn chiếm vùng giải phóng, tôi ôn tồn giải thích cho họ hiểu làm như thế là vi phạm hiệp định, rồi bảo họ mang lễ vật trở về".

Trung tá Hai Duyên phân trần: "Thế đấy! Trước những tên địch thứ thiệt, tên địch cỡ bự mà thời bấy giờ chúng tôi chỉ được phép dùng Hiệp định Paris để chiến đấu mà thôi!".

Ông nói thêm: "Trước tình hình chiến trường chuyển biến quá mau lẹ, hình thái đấu tranh cũng phức tạp quá thì lực lượng an ninh chúng tôi cũng kịp thời được Ban an ninh tỉnh Biên Hòa hướng dẫn bằng Chỉ thị 06/CT ban hành trước đó đúng 1 ngày. Chỉ thị 06/CT hướng dẫn an ninh các cấp thi hành Thông tư số 04/TT72 của Thường vụ Trung ương cục. Chỉ thị nêu rõ: "Thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, đưa bọn công an, cảnh sát, tình báo... vào làm nòng cốt trong việc thực hiện kế hoạch bình định, Mỹ - ngụy âm mưu làm suy yếu Đảng ta, tách Đảng ta ra khỏi quần chúng bằng cuộc chiến tranh gián điệp. Chúng dùng bạo lực để úp chụp quần chúng vào các tổ chức do chúng lập ra, gây chia rẽ, hận thù, nghi ngờ giữa Đảng với quần chúng, giữa quần chúng với nhau bằng các thủ đoạn bôi lem, gây lẫn lộn trắng đen trong quần chúng mà lực lượng an ninh nếu không nắm vững chính sách, sẽ không tấn công, trấn áp địch đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng tội, đúng chính sách của Đảng và như vậy vô hình trung chúng ta mắc mưu địch, tự tách mình ra khỏi quần chúng"...

 

* Hai lần bị đói đến phải... xin ăn!

 

Tên thật của ông Hai Duyên là Phạm Văn Ruynh, sinh năm 1935 trên mảnh đất nghèo Hoành Mỹ (tỉnh Thái Bình), nơi có con sông Trạm Trai chảy ngang qua mà thuở ấu thơ hai anh em ông lặn lội bắt cá, mò cua ốc để kiếm miếng ăn, trong lúc cha mẹ phải sang tận Hưng Yên để gặt thuê, cấy mướn. Năm 20 tuổi, Ruynh được nhận vào làm công an xóm Thân Ái rồi lên Công an xã và sau đó làm Công an huyện, Công an tỉnh. Năm 1968, đang công tác ở Phòng bảo vệ nội bộ của Ty Công an tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Ruynh được điều động vào Nam chiến đấu.

Ruynh đổi tên thành Duyên và vượt Trường Sơn vào đến chiến trường phân khu 4 thì người đã gầy tóp, xác xơ vì sốt rét. Thế nhưng Hai Duyên vẫn xin được đến ngay Nhơn Trạch nơi cuộc chiến đang hồi ác liệt. Mới chân ướt chân ráo đến Tam An, Hai Duyên đã được "đón tiếp" bằng một trận phi pháo của địch. Ra đến quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) lại bị phục kích, Hai Duyên đành phải cắt rừng đi ngược về hướng Bàu Hàm. Kể về chuyện bị kẹt cả chục ngày ở Hưng Nghĩa, Bàu Hàm, Trảng Bom, ông Phạm Văn Duyên lộ vẻ bức xúc: "Trong đời tôi bị hai trận đói tưởng chừng không qua nổi. Đó là trận đói năm Ất Dậu ở Thái Bình. Còn lần kẹt ở Hưng Nghĩa thì vừa sốt vừa đói. Khi gặp được giao liên tỉnh Biên Hòa, tôi hỏi xin cơm nguội liền bị từ chối vì đồng chí ấy cũng lâu ngày không có cơm ăn. Thế là tôi đành phải lủi ra đám rẫy của đồng bào Hoa Nùng và lén bẻ bắp chuối cắt mỏng ra xào với hạt trái cầy. Tôi đã ăn ròng rã cả chục ngày chỉ với món duy nhất này!". Ông Hai Duyên nhớ lại: "Cũng có lúc tôi rất là hạnh phúc. Đó là thời gian được giao phụ trách xã Phú Hội. Biết tôi ở tận ngoài Bắc lặn lội vào đây chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt nên mấy mẹ, mấy chị rất thương "thằng Hai Bắc Kỳ". Người thì may cho quần áo, người nấu cháo gà bồi dưỡng, dạy cho ăn sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ... là những thứ mà lần đầu tiên trong đời một chàng trái Thái Bình như tôi mới nhìn thấy!".

 

* Một nhiệm vụ bất khả thi!

 

Năm 1971, tình hình ở chiến trường Nhơn Trạch trở nên khốc liệt. Các đơn vị bộ đội, cán bộ, du kích đã bắn cháy 43 xe tăng và xe ủi, 20 máy bay và hàng trăm tên lính ngụy bỏ xác... nhưng khu vực lòng chảo Nhơn Trạch vẫn từng bước bị... "lột da". Cơ quan Huyện ủy Nhơn Trạch phải chia nhỏ thành từng bộ phận để chém vè (tạm ẩn nấp). Đứng trước tình hình khó khăn như vậy, Huyện ủy quyết định phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng xuống tận cơ sở và lợi dụng thời cơ để mở "vùng yếu". Thế là đội công tác di cư được ra đời với nhiệm vụ thâm nhập vào vùng đồng bào Công giáo di cư để tuyên truyền, giác ngộ đường lối cách mạng; xây dựng cơ sở và vận động đồng bào bung ra làm ăn. Mục tiêu là hai xã Nhơn Thanh và Vĩnh Thanh (bây giờ là xã Vĩnh Thanh), nơi hầu hết dân cư là đồng bào Công giáo từ Bắc di cư được ngụy quyền tổ chức cho định cư nơi đây. Ở vùng này mỗi ấp là một giáo xứ có nhà thờ riêng và được bao bọc bằng hàng rào kẽm gai với hệ thống giao thông hào kín đến mức chó chui vào cũng không lọt. Mỗi cổng ấp đều có phòng vệ dân sự canh gác chặt chẽ. Đặc biệt, nhà nào cũng có vũ khí để sẵn sàng "tử chiến với bọn Cộng sản vô thần". Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Hai Duyên, Phó ban an ninh huyện làm đội trưởng Đội công tác di cư.

Lần đầu Hai Duyên chia đội thành 2 cánh để xuống rừng Sác và vào rừng Giồng định gặp những người dân trong ấp ra làm ăn để tuyên truyền nhưng bị thất bại. Do thoáng nhìn thấy "mấy ông Việt Cộng" bà con đã vội bỏ chạy. Hai Duyên bèn một mình mặc áo sơ mi trắng ra tận cánh đồng Bắc Minh vắng vẻ để bắt chuyện với 4 thanh niên ở ấp Đại Điền đang phát cỏ. Không kịp bỏ chạy nhưng họ run cầm cập khi nghe người "phía bên kia" hỏi chuyện. Nghe Hai Duyên nói giọng Bắc và nhìn vẻ mặt đôn hậu, hiền lành của người "cán binh Bắc Việt" họ bình tĩnh trở lại và bắt đầu yên tâm trò chuyện. Phải mấy lần "bắt chuyện" như thế, những thanh niên ở đây mới dần dần hết sợ Việt cộng. Và ông Đội trưởng Hai Duyên cũng mới nhận ra được là bà con Công giáo di cư hầu hết đều là người lao động, nông dân nghèo chỉ biết lam lũ làm ăn. Vốn xuất thân trong hoàn cảnh bần hàn, Hai Duyên rất thông cảm điều này, thế là ông bàn cùng anh em trong đội tìm cách giúp đỡ số đồng bào này đỡ nhọc nhằn hơn trong cuộc mưu sinh. Ban đầu là cắt tranh, chặt cây đem đến tận rẫy để bà con làm chòi che nắng tránh mưa, sau đó thì hướng dẫn bà con đi lấy củi, chỉ chỗ mở thêm đất canh tác. Từ 4 gia đình có "liên lạc với Việt Cộng" đã tăng lên 30 gia đình ở ấp Thiết Nham ra cất chòi làm rẫy, rồi lan ra đến 80 gia đình ở các ấp Đại Điền, Đại Thanh. Qua gần gũi, tiếp xúc, Hai Duyên đã giác ngộ và móc được 5 thanh niên tình nguyện làm "tai, mắt" cho an ninh huyện. Trong đó có một liên toán trưởng nhân dân tự vệ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ do an ninh huyện giao. Đặc biệt, thông qua các ông trùm họ đạo, Hai Duyên lần lượt "làm quen" với hầu hết các chức sắc tôn giáo ở xứ đạo toàn tòng này. Và vì vậy, ngày giải phóng vùng đất đạo này, các vị linh mục lệnh cho lực lượng nhân dân tự vệ cũng như bà con giáo dân xếp súng. Riêng linh mục Nguyễn Hưng Mạch thì giao cho Hai Duyên mấy chục khẩu súng và còn lên tiếng kêu gọi binh lính ngụy đang lẩn trốn ra trình diện chính quyền cách mạng.

Và mãi đến tháng 12-1977, ông Trưởng công an huyện Nhơn Trạch mới được phép về quê để gặp lại người vợ mà ông đã cưới cùng với năm ông được kết nạp vào Đảng và từ đó hai người phải xa cách nhau đúng 20 năm.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều