Báo Đồng Nai điện tử
En

Phường Quang Vinh làm tốt công tác an dân trong việc giải tỏa, bố trí tái định cư

09:07, 20/07/2006

Thời gian qua ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) nổi lên tình trạng khiếu nại tố cáo hoặc đơn thư gửi vượt cấp. Đến nay, mặc dù chủ trương quy hoạch trên địa bàn phường chỉ mới ở giai đoạn đầu, song nhờ làm tốt công tác an dân nên tình trạng "rủ nhau" đến các cơ quan công quyền của tỉnh, thành phố để khiếu kiện đã không còn xảy ra...

Một góc dự án giai đoạn 1 KP4, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) đã được người dân giao đất.

Thời gian qua ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) nổi lên tình trạng khiếu nại tố cáo hoặc đơn thư gửi vượt cấp. Đến nay, mặc dù chủ trương quy hoạch trên địa bàn phường chỉ mới ở giai đoạn đầu, song nhờ làm tốt công tác an dân nên tình trạng "rủ nhau" đến các cơ quan công quyền của tỉnh, thành phố để khiếu kiện đã không còn xảy ra...

 

Chủ tịch UBND phường Quang Vinh Đoàn Thị Xuân cho biết, từ trước năm 2002, khi những thông tin "vỉa hè" râm ran về quy hoạch, giải tỏa ở khu phố 4 của phường thì tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Cho đến năm 2002, khi UBND TP. Biên Hòa công bố quy hoạch chi tiết ở khu phố 4, cụ thể là giai đoạn 1 quy hoạch 3,8 hécta, giai đoạn 2 quy hoạch 5 hécta thì tình hình trở nên "nóng" thật sự vì có nhiều đơn thư của người dân nơi đây gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến chuyện khiếu nại tố cáo (KNTC) là người dân ở khu phố 4 yêu cầu áp giá đền bù theo giá thị trường và đòi bố trí tái định cư... Không ít lần, một số hộ dân còn tụ tập, tổ chức kéo đến các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố và tỉnh để khiếu kiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự trị an. Thực tế, nhiều trường hợp áp giá đền bù có sự chênh lệch bất hợp lý, ví dụ như làm thủ tục trước được đền bù giá thấp, hoàn chỉnh hồ sơ sau được đền bù giá cao... Cũng có không ít hộ gia đình không thuộc diện đủ tiêu chuẩn để được xem xét bố trí tái định cư, chẳng hạn như việc mua bán, sang nhượng diễn ra vào thời điểm sau năm 2002, hoặc đất giải tỏa ít... nhưng do người dân không hiểu đầy đủ nên cứ viết đơn kiến nghị gửi nhiều nơi đề nghị được xem xét. Mặt khác, còn có những hộ dù đã được đền bù nhưng không chịu giao đất vì chưa có nơi ở mới khiến việc thu hồi đất bị chậm trễ; mặt bằng cho dự án tiến hành thi công trở nên "da beo" vì có hộ đồng ý giao đất, giao nhà nhưng có hộ nhận tiền đền bù rồi vẫn cứ "cắm dùi" tại chỗ.

Trước những diễn biến khá căng thẳng giữa một bên là công dân đòi quyền lợi và một bên là chính quyền địa phương phải thực hiện tốt những quy định của chính sách đất đai, UBND phường Quang Vinh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ tình hình phức tạp này. Với phương châm: "Giải quyết dứt điểm việc KNTC ngay từ cơ sở thì mới hạn chế được tình trạng gửi đơn thư vượt cấp", UBND phường đã bố trí những cán bộ có năng lực, hiểu biết pháp luật cùng với lãnh đạo làm nhiệm vụ tiếp dân để giải đáp những thắc mắc của người đứng đơn khiếu nại; đồng thời thường xuyên tổ chức những đoàn công tác xuống tận các khu vực dân cư để lắng nghe ý kiến của người có nhà đất nằm trong khu vực bị giải tỏa. Những hộ dân đủ điều kiện hưởng quyền lợi về cấp đất tái định cư hoặc nhà chung cư được hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết; những vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền địa phương thì được quan tâm giải quyết rốt ráo. Riêng với những hộ đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu giao đất vì chưa có nơi ở mới, UBND phường kiến nghị UBND TP. Biên Hòa nâng mức hỗ trợ thuê nhà từ 400.000 đồng/ hộ lên 800.000đồng/ hộ/ tháng. Quá trình tiếp và vận động người dân thực hiện đúng các chính sách về đất đai, đền bù giải tỏa, người dân ở khu phố 4 hiểu ra vấn đề. Rất nhiều trường hợp khiếu nại xin rút đơn, nhiều trường hợp chấp nhận hướng xử lý mà chính quyền địa phương đưa ra. Đáng kể là tốc độ giao đất cho Ban quản lý dự án được đẩy nhanh hơn. Tính đến nay, trong 210 hộ dân nằm trong dự án của giai đoạn 1 đã có 79 hộ hoàn chỉnh thủ tục để được xét cấp nhà liên kế; 31 trường hợp khác được ở nhà chung cư. Số còn lại gồm 50 hộ có đất trống (không nhà) đang đợi UBND thành phố xem xét tiếp; 50 hộ có đất bị giải tỏa là mồ mả không còn ý kiến thắc mắc hoặc đề nghị được xem xét...

Nói về những kinh nghiệm an dân trên lĩnh vực giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư, Chủ tịch UBND phường Đoàn Thị Xuân cho rằng, thực tế những vướng mắc phát sinh của người dân về áp giá đền bù không phải có lý, ví dụ: Đối với những trường hợp tích cực hoàn chỉnh hồ sơ trước thì chỉ nhận được đền bù theo giá cũ (69.000 đồng/m2), còn những hộ làm thủ tục sau này lại được nhận tiền đền bù theo giá mới (216.000đồng/m2). Sự chênh lệch này, mặc dù là quyết định của Nhà nước áp dụng cho từng thời điểm, nhưng xét cho cùng, người mất đất vẫn bị thiệt thòi nên họ khiếu nại là có cơ sở. Hay như có những trường hợp cư trú từ năm 2003 trở về trước được xét cấp nhà liên kế, còn quá trình ở sau này chỉ được xét cấp nhà chung cư là những quy định phù hợp, nhưng do người dân không hiểu nên cho rằng chính quyền địa phương giải quyết không công bằng. Thêm vào đó, giá đền bù hiện nay vẫn còn thấp so với giá thị trường nên không thuyết phục được người có đất bị thu hồi. "Chính vì vậy, nếu như không quan tâm đến công tác tiếp dân để vận động, hướng dẫn người dân hiểu, chấp hành và làm đúng các thủ tục cần thiết; việc giải quyết thiếu minh bạch, không hợp tình cũng như không đúng quy định của Nhà nước thì chắc chắn sẽ làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Đây mới là những phát sinh không chỉ dẫn đến KNTC kéo dài mà còn gây nhiều hệ lụy rắc rối, phức tạp khó lường. Bởi đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, thu hồi đất luôn là những vấn đề nhạy cảm, nó gắn liền với cuộc sống và sự phát triển của người dân sau này!". Chủ tịch UBND phường Đoàn Thị Xuân nói.

 T.N

 

 

Tin xem nhiều