Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giảm thiểu tác hại lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Đồng Nai

10:08, 16/08/2006

Theo số liệu mới nhất mà Văn phòng thường trực phòng chống AIDS của tỉnh thống kê được thì từ năm 1993 (khi phát hiện ca lây nhiễm HIV đầu tiên trong tỉnh) đến nay toàn tỉnh đã có 5.524 người nhiễm HIV. Trong đó có 838 người đã chuyển sang AIDS và 423 người đã chết vì căn bệnh này.

Chung tay nâng đỡ bệnh nhân HIV/AIDS.

Theo số liệu mới nhất mà Văn phòng thường trực phòng chống AIDS của tỉnh thống kê được thì từ năm 1993 (khi phát hiện ca lây nhiễm HIV đầu tiên trong tỉnh) đến nay toàn tỉnh đã có 5.524 người nhiễm HIV. Trong đó có 838 người đã chuyển sang AIDS và 423 người đã chết vì căn bệnh này. Đây là những con số mang tính tham khảo vì gần như trong báo cáo nào của các huyện, thành phố, người ta cũng tỏ ra dè dặt thòng thêm nhận định: "Số lây nhiễm được phát hiện thông qua công tác giám sát trọng điểm và xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao nên chưa thể xem là chính xác, thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều lần".

 

* Nhằm hạn chế tốc độ lây lan

 

Tuy nhiên, qua những con số này đã cho thấy: Số người nhiễm HIV mới từ đầu năm 2006 đến nay vẫn chủ yếu tập trung ở đối tượng là dân thường (245) và ở các vùng đô thị như Biên Hòa (170), số người ngoài tỉnh và vô gia cư cũng chiếm nhiều (179). Một đặc điểm nữa là trong số 515 người mới nhiễm HIV từ đầu năm đến nay, có đến 323 người (chiếm hơn 62%) có độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi.

Phân tích về việc HIV/AIDS ở Đồng Nai đang phát triển theo hướng "trẻ hóa" này, người ta cho rằng: Đồng Nai nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm, tiếp giáp với các thành phố lớn và các khu du lịch, tính chất di biến động dân số ngày càng phức tạp, tạo ra nguy cơ lây nhanh HIV/AIDS từ địa phương này đến địa phương khác, từ thành thị về nông thôn. Bên cạnh đó, hình thái lây nhiễm HIV ở Đồng Nai chủ yếu qua tiêm chích ma túy (65,27%) và tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục của các nhóm đối tượng nguy cơ cao còn quá thấp. Đây là nguyên nhân chính và trực tiếp làm lây truyền HIV ở Đồng Nai hiện nay. Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống AIDS. Trong đó, có các giải pháp về xã hội như: tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng chống AIDS, phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng, tăng cường pháp luật, truyền thông thay đổi hành vi,... can thiệp giảm thiểu tác hại, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm. Trong các giải pháp về kỹ thuật có việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, bảo đảm an toàn truyền máu, đẩy mạnh công tác điều trị bệnh nhân AIDS... Đối với giải pháp về nguồn lực có việc: tăng cường đầu tư cán bộ chuyên trách, đào tạo mạng lưới tuyên truyền viên và cộng tác viên, tăng kinh phí hoạt động...

Những giải pháp cơ bản đưa vào thực hiện đã giành được hiệu quả đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Trong đó, tổ chức CDC của Mỹ tài trợ các chương trình: Tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tiếp cận cộng đồng và chương trình phân phối bao cao su. Trong dự án LIFE - GAP: "Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2001-2006"; dự án DIFID tại Biên Hòa và Long Thành. Đặc biệt là dự án "Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

 

* 2 chương trình và 4 địa bàn

 

Với Chỉ thị 23/2005/CT-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 7-11-2005 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác hại lây nhiễm HIV/AIDS có thể được xem Đồng Nai là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc "luật hóa" việc cấp phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho người nghiện ma túy và gái mại dâm, dù mới chỉ là tổ chức thí điểm triển khai thực hiện 2 chương trình can thiệp; giảm thiểu tác hại lây nhiễm HIV/AIDS là chương trình bơm kim tiêm sạch và chương trình 100% bao cao su. Vì cho đến bây giờ, ở không ít địa phương vẫn không "thông" với chuyện cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho người nghiện, gái mại dâm bởi những  nơi này cho rằng chẳng khác nào nối giáo cho giặc...

Thế mà Đồng Nai chẳng những bước đầu hợp pháp hóa 2 chương trình bơm kim tiêm sạch và 100% bao cao su, đồng thời còn mạnh dạn triển khai dự án "Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2005-2010 với mục tiêu là góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% bằng các biện pháp can thiệp hiệu quả tại 20 tỉnh, thành phố. Thực hiện dự án này, Đồng Nai đã lập ban quản lý dự án "Phòng chống HIV/AIDS" của tỉnh và chọn thị xã Long Khánh, các huyện Long Thành, Trảng Bom và Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh làm địa bàn triển khai các biện pháp can thiệp thích hợp cho các đối tượng thuộc nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao. Đến nay, trên các địa bàn này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, Trảng Bom đã vẽ bản đồ "điểm nóng" 4 xã và thị trấn cùng với việc triển khai chương trình cho can thiệp giảm tác hại. Đặc biệt là đã trang bị phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, phân phối 9.000 bao cao su, 12.000 bơm kim tiêm thông qua mạng lưới cộng tác viên và giáo dục viên đồng đẳng. Còn huyện Long Thành ngoài thành lập Ban chỉ đạo dự án, tổ quản lý đội ngũ cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng của 19 xã còn trưng tập 3 cán bộ y tế làm giám sát viên. Đáng chú ý là ngoài 19 cán bộ y tế làm cộng tác viên và đồng đẳng viên, Long Thành còn có 8 giáo dục viên đồng đẳng thực hiện việc tiếp cận các đối tượng, tuyên truyền vận động thay đổi hành vi, thực hiện chương trình 100% bao cao su và kim tiêm sạch. Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện với 1 cán bộ hành chính, 2 xét nghiệm viên và 3 tư vấn viên phục vụ nhu cần tư vấn, xét nghiệm HIV trên địa  bàn huyện. Ở thị xã Long Khánh, ngoài việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên xã, phường và giáo dục viên đồng đẳng hoạt động tuyên truyền đến đối tượng nguy cơ cao, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện có 3 bác sĩ làm tư vấn viên đã xét nghiệm HIV/AIDS cho 34 người có nguy cơ cao, cấp 4.716 bao cao su, 2.815 bơm kim tiêm. Đặc biệt là đã tư vấn, chăm sóc tại nhà 68 lượt người nhiễm HIV/AIDS, 264 người thân của người nhiễm HIV...

Cũng cần nói thêm là Công an tỉnh còn có công văn số 81/CAT.PVII và việc nâng cao nhận thức về hiểm họa HIV/AIDS cho lực lượng công an các cấp; xác định chương trình bơm kim tiêm sạch và 100% bao cao su là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sự lây nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, công văn cũng lưu ý lực lượng công an cần cảnh giác để phát hiện những trường hợp lợi dụng việc thực hiện 2 chương trình này để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tổ chức mại dâm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lê Biên Hùng

 

Tin xem nhiều