Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai...

10:08, 16/08/2006

Liên tục trong mấy ngày gần đây, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra mưa to và kéo dài, mực nước sông Đồng Nai và La Ngà dâng lên rất nhanh.

Cảnh ngập lụt tại khu vực suối Cầu Đường thuộc tổ 6, ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định huyện Định Quán

Liên tục trong mấy ngày gần đây, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra mưa to và kéo dài, mực nước sông Đồng Nai và La Ngà dâng lên rất nhanh. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh, tính đến 17 giờ ngày hôm qua 16-8, mực nước ở Đăk Lua  đã đo được là134,8m (vượt mức lũ năm 2001-2002), tăng thêm 5 cm so với buổi sáng cùng ngày và mực nước tại Phú Điền là 107,49m, tăng 0,11 m... Trong khi đó, tại Tà Lài mực nước đo được là 114,06m, giảm 4 cm so với buổi sáng và cao hơn mức báo động 3 là 1,06m.

Nhìn chung, lượng mưa ở miền Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên đã giảm, nhưng mực nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai và La Ngà vẫn còn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, trong mấy ngày qua, do mực nước các sông lên nhanh đã gây ra tình trạng ngập lụt ở một số xã ven sông thuộc địa bàn 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu. Trong đó, tính đến chiều ngày 16-8, cả 3 huyện nói trên đã có 1.536 ngôi nhà, hơn 1.735 hécta hoa màu, cây ăn trái và 643 hécta ao cá bị ngập. Riêng huyện Tân Phú có tới 1.472 căn nhà, 1.601 hécta hoa màu, cây ăn trái và 582 hécta ao cá bị ngập...

Ông Nguyễn Phú Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, trong 5 năm (2001-2005), ở Đồng Nai đã từng có 2 năm (2001-2002) xuất hiện lũ lớn trên sông Đồng Nai, gây ngập lụt một số vùng thuộc 3 huyện ven sông, gồm: Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu, làm thiệt hại khá lớn về nhà cửa và tài sản (năm 2001 bị thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng và năm 2002 thiệt hại 19 tỷ đồng). Trong đó, mực nước lũ trên sông Đồng Nai năm 2002 được xem là cao nhất trong 5 năm (tại Đắc Lua là 135,55m, Nam Cát Tiên là 117,25m, tại Tà Lài là 114,08m). Như vậy, tính ra mực nước lũ hiện nay (ngày 16-8) đã xấp xỉ năm 2002, nhưng nhờ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời, nên khi có mưa lũ, ngập lụt xảy ra, Ban chỉ huy PCLB cùng các ngành của tỉnh và các địa phương đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị xuống hiện trường để khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của.  Nhiều xã như: Đăk Lua, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh, Phú Điền, Phú Bình, Phú Thanh, Phú Lâm, Trà Cổ  (huyện Tân Phú), Ngọc Định (huyện Định Quán) và Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu)... ngay khi nước lũ tràn về, đã kịp thời di dời các hộ dân ở vùng bị ngập lên vùng cao. Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mực nước các con sông vẫn còn có khả năng tăng cao, nên Ban chỉ huy PCLB tỉnh đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết trên địa bàn, chủ động di dời dân ở vùng có khả năng bị ngập lên vùng cao an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra tình hình thuốc chữa bệnh, nước sinh hoạt, lương thực ở các khu vực đã di dời dân tới, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh và cứu trợ lương thực kịp thời cho các hộ dân trong vùng bị ngập.

Được biết, ngay từ tháng 4-2006, từ những thông tin dự báo ban đầu về tình hình thời tiết bất thường trong năm 2006 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn, nhất là dự báo lũ cao sẽ tập trung vào các tháng 8 và 9 (với đỉnh lũ trên sông Đồng Nai ở Tà Lài và Biên Hòa đều có khả năng trên mức báo động 3), UBND tỉnh đã ra chỉ thị, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, TP Biên Hòa, TX. Long Khánh tăng cường công tác PCLB, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó có cả việc thường xuyên kiểm tra các vùng ven sông, suối; tổ chức di dời những hộ dân vùng thấp, vùng bị ngập lên vùng cao và chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đảm bảo công tác phòng chống ngập lụt trên địa bàn đạt hiệu quả cao... Riêng đối với các vùng trọng điểm ven sông Đồng Nai, sông La Ngà và những vùng thường bị ngập lụt, lũ quét, theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh, các địa phương cần xây dựng phương án, địa điểm di dời; xây dựng đội xung kích của địa phương để đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ; thường trực 24/24 khi có báo bão khẩn cấp và tin áp thấp nhiệt đới gần bờ...

Phương Ngọc

 

Tin xem nhiều