Báo Đồng Nai điện tử
En

Đám cưới của người lao động xa nhà

11:10, 13/10/2006

Mùa cưới bắt đầu và những chuyện dở khóc dở cười đang là nỗi lo của những đôi bạn đều là lao động ngoại tỉnh chuẩn bị làm đám cưới.

Đám cưới của một đôi công nhân ngoại tỉnh.

Mùa cưới bắt đầu và những chuyện dở khóc dở cười đang là nỗi lo của những đôi bạn đều là lao động ngoại tỉnh chuẩn bị làm đám cưới.

 

*"Phố cưới" của công nhân vào mùa

 

Chưa phải là cao điểm của mùa cưới nhưng gần đây, "phố cưới" dọc quốc lộ 1A, đoạn từ ngã tư Amata đến ngã tư Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) đã nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần. Đoạn đường dài chưa đầy 1 km nhưng đã tập trung đến hơn chục nhà hàng tiệc cưới, xung quanh khu vực này có đủ các dịch vụ đáp ứng cho ngày cưới như: quay phim, chụp ảnh, xe hoa, trang điểm, áo cưới... Mỗi cuối tuần, có không dưới trên chục đám cưới của những bạn trẻ công nhân diễn ra tại đây. Đến thời điểm này, các bàn đăng ký tiệc cưới ở đây đã gần như khóa sổ, không nhận tiệc đăng ký vào những ngày cuối tuần từ nay cho đến tháng 12. Nhưng đây không phải là "phố cưới" duy nhất trong tỉnh của các bạn trẻ công nhân. Ở những khu vực xung quanh các khu công nghiệp của huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành  cũng đã mọc lên nhiều khu vực tập trung các nhà hàng tiệc cưới chuyên phục vụ cho công nhân với giá "mềm". Các nhà hàng cạnh tranh nhau không chỉ bằng mức giá mà còn bằng những dịch vụ khuyến mãi kèm theo như: nhạc sống, xe hoa... Tại nhà hàng Ngọc Hương (đoạn gần KCN Amata), các công nhân đều chọn mức giá dưới 560 ngàn đồng/bàn tiệc, bao gồm cả thức uống (là mức giá thấp nhất của nhà hàng). Ông chủ Lê Quang Minh cho biết: "Tiệc cưới công nhân thường chỉ có từ 10-15 bàn, chủ yếu là bạn bè cùng công ty. Tiệc cưới thường rất giản dị vì họ phải tính toán từng chút một. Chúng tôi đưa ra mức giá thấp nhất cho một bàn tiệc là 560 ngàn đồng, nhưng cũng có rất nhiều bạn chỉ đến đây thuê mặt bằng, còn thức ăn thì nhờ người quen nấu giúp hoặc thuê ở những nơi giá rẻ hơn". Thu nhập chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng, lại có nhiều thứ chi tiêu cho cuộc sống xa nhà nên phải mất nhiều năm tiết kiệm, các công nhân ngoại tỉnh mới có thể tổ chức được đám cưới cho mình.

 

* Vui một, lo mười

 

Với những công nhân ngoại tỉnh, không có người thân bên cạnh thì mọi chuyện càng khó khăn hơn. Do chi phí không nhiều nên những thủ tục rườm rà giúp vui cho ngày cưới được các công nhân trẻ giảm tối đa: xe hoa, du lịch tuần trăng mật, không có nhạc sống... Kế đến là tính toán lượng khách mời và phải chọn đúng ngày công ty của cô dâu hay chú rể... không tăng ca hay có quá nhiều đám, để bàn tiệc cưới không bị trống chỗ. Rồi đến việc chụp ảnh, thuê đồ cưới và cuối cùng, khoản quan trọng nhất là tìm ra một nhà hàng tiệc cưới nào phù hợp nhất với túi tiền. Mới đây, vì không đủ tiền để tổ chức đám cưới ở nhà hàng dù với mức giá mềm mại nhất, một đôi bạn trẻ đã chọn một quán ăn ngay bên quốc lộ 1A để tổ chức ngày vui của mình. Tất nhiên, chất lượng phục vụ ở quán bình dân không thể bằng nhà hàng. Ngược lại, cũng có những đôi cố gắng tổ chức đám cưới thật rình rang nhưng cuối cùng lại kết thúc trong buồn tẻ. Như tiệc cưới của một đôi công nhân ở KCN Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) vừa qua đã diễn ra trong khung cảnh buồn hiu hắt khi quá trưa mà tiệc vẫn dư cả chục bàn vì xưởng hôm ấy có tới 3 - 4 đám cưới, bạn bè làm cùng đã phải chia nhau đi dự các đám cưới khác, cộng thêm yếu tố khách quan là do trời mưa như trút nước.

Cũng có một số tiệc cưới lại kết thúc trong... nước mắt. Chị Kim Định, cán bộ dân số - gia đình - trẻ em phường Long Bình (TP. Biên Hòa) vẫn chưa quên một tiệc cưới như thế diễn ra trên địa bàn phường chị hồi đầu năm. Chị kể, khi tiệc cưới đang diễn ra vui vẻ thì phải dừng lại do... vợ con của chú rể xuất hiện và tố cáo bộ mặt thật của chú rể. Cô dâu ngất, cha mẹ cô dâu lặn lội từ xa vào dự đám cưới con cũng ngất theo. Mọi người thì tiếc cho cô dâu vì đã không tìm hiểu kỹ trước khi tiến tới hôn nhân. Do điều kiện sống xa quê nên nhiều đôi công nhân khi làm đám cưới và dọn về chung sống với nhau thường bỏ qua các thủ tục đăng ký kết hôn. Chính vì vậy mới xảy ra những chuyện dở khóc dở cười trên. Nhiều đôi tân hôn khác lại tổ chức tiệc cưới thật rình rang để rồi cuối cùng phải đối mặt với những khoản nợ khó trả. Sống xa gia đình, các đôi công nhân ngoại tỉnh phải tự xoay sở mọi việc cho đám cưới của mình. Do thu nhập thấp, phải thật tiết kiệm trong nhiều năm để có được ngày vui nhất trong đời nên trong niềm vui ngày đám cưới của những công nhân ngoại tỉnh hôm nay vẫn còn không ít nỗi lo toan.

 

* Chương trình hỗ trợ đám cưới cho công nhân ngoại tỉnh bị... ế

 

Ông Phạm Cành Tơ, Chủ nhiệm CLB thanh niên xa quê phường Bình Đa (TP. Biên Hòa) cho biết: CLB vừa phải trả lại số tiền mà ngành văn hóa tỉnh cung cấp cho chương trình hỗ trợ đám cưới cho công nhân ngoại tỉnh vì không có cặp nào đăng ký! Chương trình được triển khai từ đầu năm 2005, hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng/tiệc cưới, dưới các hình thức như: cung cấp mặt bằng miễn phí, giảm giá bàn tiệc, hỗ trợ MC, phục vụ bàn... Điều kiện cô dâu, chú rể phải là những thanh niên công nhân xa quê, tạm trú tại phường. Trao đổi với ông Phạm Minh Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin về vấn đề này, chúng tôi được biết, sở đang nghiên cứu những hình thức hỗ trợ khác cho đám cưới của các công nhân ngoại tỉnh. Cụ thể, sắp tới đây sở sẽ tổ chức một lễ hội cưới dành cho công nhân có thu nhập thấp, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa. Đến thời điểm này, các công nhân muốn làm đám cưới trong lễ hội đã có thể liên hệ các trung tâm văn hóa cơ sở gần nhất để đăng ký.

K.Ngân - M.Chánh

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Tiffany Trang trí tiệc cưới, wedding planner cao cấp