Nước chảy từ hòn non bộ ở Đan viện Khiết Tâm không bảo đảm vệ sinh
* Vẫn còn đông người đến lấy nước

09:10, 18/10/2006

Như trước đây báo Đồng Nai thông tin, có một số chức sắc của Đan viện Khiết Tâm ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) đã tổ chức kinh doanh và làm ngơ để nhiều người dân thiếu hiểu biết đến lấy nước chảy ra từ hòn non bộ nhân tạo trong khuôn viên đan viện đem về chữa bệnh. Sau đó, qua vận động của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt từ khi có kết luận của Sở Y tế khẳng định nguồn nước lấy từ hòn non bộ không đảm bảo vệ sinh, không chứa chất có khả năng chữa bệnh thì tình hình lắng dịu xuống một thời gian.

Vẫn có đông người tụ tập quanh hòn non bộ để cầu nguyện và xin "nước thánh".

Như trước đây báo Đồng Nai thông tin, có một số chức sắc của Đan viện Khiết Tâm  ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) đã tổ chức kinh doanh và làm ngơ để nhiều người dân thiếu hiểu biết đến lấy nước chảy ra từ hòn non bộ nhân tạo trong khuôn viên đan viện đem về chữa bệnh. Sau đó, qua vận động của các ban, ngành, đoàn thể  và đặc biệt từ khi có kết luận của Sở Y tế khẳng định nguồn nước lấy từ hòn non bộ không đảm bảo vệ sinh, không chứa chất có khả năng chữa bệnh thì tình hình lắng dịu xuống một thời gian.

Thế nhưng gần đây, theo ghi nhận của chính quyền địa phương, số người đến lấy "nước thánh" về chữa bệnh đã tăng trở lại. Cụ thể, vào sáng ngày 15-10, theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 100 người, chủ yếu đến từ TP.Hồ Chí Minh, đã tìm đến tượng Đức Mẹ trong khuôn viên Đan viện Khiết Tâm đọc kinh cầu nguyện và sau đó tìm "nước thánh". Nhiều người tranh nhau dùng tay vốc nước rỉ ra từ hòn non bộ đắp lên mình, có người thì dùng khăn thấm nước rồi lau chùi mặt, tay chân. Một số người khác mang những chai nước suối đến cầu nguyện và đặt dưới chân tượng Đức Mẹ để "xin phép thánh". Thậm chí, một số người đã dùng đến ống hút đút vào những khe hở có nước rỉ ra của hòn non bộ và sử dụng kim tiêm hút nước đem về trị bệnh. Mặc dù Đan viện Khiết Tâm không tổ chức thu tiền người dân đến lấy nước nhưng hầu như mọi người đến đây đều được hướng dẫn muốn cầu nguyện gì thì ghi vào một bì thư và bỏ tiền (từ 20 đến 200 ngàn đồng) vào hòm công đức đặt ở một số nơi trong khuôn viên đan viện. Những người phụ trách ở đây giải thích, Đan viện Khiết Tâm không kinh doanh, không ép buộc mà đó là lòng tự nguyện của người dân. Còn viện phụ Trần Ngân (người phụ trách cao nhất của Đan viện Khiết Tâm) thì trả lời rằng, ông đã cho người tô trét lại những nơi nước chảy ra ở hòn non bộ. Ông cũng thừa nhận nguồn nước này không có khả năng  chữa bệnh nhưng vẫn lập lờ khi trả lời các phóng viên: "Tôi bị bệnh về mắt nên ít ra ngoài, không để ý có đông người đến hay không. Bà con đến là để đọc kinh cầu nguyện. Còn người ta lấy nước chữa bệnh có khỏi hay không là do niềm tin, đức tin của mỗi người..."

Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và đức tin của mỗi người. Tuy nhiên, pháp luật cũng không cho phép những hoạt động dị thường tại các cơ sở thờ tự và do một số người lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái phép. Các cơ quan chuyên môn đã kết luận nguồn nước chảy ra từ hòn non bộ ở Đan viện Khiết Tâm là không đảm bảo vệ sinh, không chứa hợp chất có khả năng chữa bệnh. Thế nhưng nhiều người vẫn phao truyền là có thể chữa khỏi bá bệnh, đó là niềm tin mù quáng, thiếu cơ sở khoa học. Điều này chính viện phụ Trần Ngân và những người phụ trách ở Đan viện Khiết Tâm đã biết rõ, nhưng đáng tiếc là đã làm ngơ để người dân vẫn ùn ùn kéo đến lấy "nước thánh".

An Xuyên

 

Tin xem nhiều