Báo Đồng Nai điện tử
En

Búng Bình Thiên mùa nước nổi

09:12, 03/12/2012

Về An Giang, mới đến cầu Tha La (huyện Tịnh Biên) đã thấy toàn bộ cánh đồng và cảnh vật xung quanh chìm ngập giữa mênh mông nước. Đi sâu vào huyện An Phú, “cái rốn lũ” của miền Tây, dân miền Đông Nam bộ như chúng tôi mới thực sự thấy được thế nào là… mùa nước nổi. Và thích thú vô cùng, khi được dạo thuyền và hái bông điên điển trên… búng Bình Thiên, một địa danh còn ít người biết đến.

Về An Giang, mới đến cầu Tha La (huyện Tịnh Biên) đã thấy toàn bộ cánh đồng và cảnh vật xung quanh chìm ngập giữa mênh mông nước. Đi sâu vào huyện An Phú, “cái rốn lũ” của miền Tây, dân miền Đông Nam bộ như chúng tôi mới thực sự thấy được thế nào là… mùa nước nổi. Và thích thú vô cùng, khi được dạo thuyền và hái bông điên điển trên… búng Bình Thiên, một địa danh còn ít người biết đến.

Nguyễn Thanh Dũng, hướng dẫn viên của Bến Thành Tourist, nói vui: “Hồi công ty mới khai thác tuyến du lịch “Mùa nước nổi”, có nhiều vị khách lớn tuổi thấy trong chương trình tham quan có búng Bình Thiên liền thắc mắc: “Món bún này ra sao? Chắc là đặc sản ngon lắm hay sao mà mình phải vô tận nơi “khỉ ho cò gáy” đó để thưởng thức?”. Và Dũng cười tủm tỉm: “Đến bây giờ vẫn còn nhiều du khách thắc mắc về… món bún Bình Thiên”.

* Búng là… hồ nước trời?

Thực ra, "búng" là một từ địa phương để chỉ một hồ nước thiên nhiên rộng lênh láng. Từ “búng” không những nghe lạ tai đối với dân thành phố, mà ngay cả cụ Vương Hồng Sển, một chuyên gia về ngôn ngữ miền Tây Nam bộ, trong “Tự vị tiếng nói miền Nam” cũng chỉ nhắc có từ … “bưng” với gốc Khmer được Việt hóa để chỉ “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ” (NXB TP.Hồ Chí Minh, trang 78). Nhưng xem chừng, cả: bưng, đầm, ao, hồ… cũng chưa tương thích, mà chỉ mới là tương cận với… búng. Vì vậy, cái búng có diện tích mặt nước rộng khoảng 300 hécta trong mùa khô, rồi phình ra đến 800 hécta với độ sâu trung bình 4m vào mùa nước nổi, nằm giữa 3 xã: Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú (tỉnh An Giang), cách biên giới Campuchia chỉ 10km, đã là một sự lạ; mà cái tên Bình Thiên kèm theo cũng có một truyền thuyết, càng làm cho địa danh búng Bình Thiên có thêm sức hút.

Bắt cá, tôm trên búng Bình Thiên.
Bắt cá, tôm trên búng Bình Thiên.

Chuyện kể rằng, vào cuối thế kỷ 18, tướng Võ Duy Dương của nhà Tây Sơn đưa quân vào vùng Thất Sơn hùng vĩ, hoang sơ này đúng vào mùa khô hạn. Lúc bấy giờ, không chỉ binh lính, mà người dân quanh đó cũng khốn đốn vì nắng hạn kéo dài. Một nhà sư đã bày cho vị tướng Tây Sơn cách lập đàn trời cầu mưa. Sau khi cúng tế, tướng Dương rút thanh gươm đâm xuống đất. Lạ thay, dòng nước trào lên đọng thành một hồ nước trong xanh. Mọi người mừng vui gọi là búng Bình Thiên, người Khmer dựa theo ý nghĩa này gọi là… hồ nước Trời.

* Vừa vui mắt, vừa ngon miệng!

Đến giờ đây, búng Bình Thiên vẫn được xem là hồ nước ngọt thiên nhiên rộng lớn nhất miền Tây Nam bộ. Cũng khá lạ kỳ, cái hồ nước trời rộng mênh mông nằm ngay đầu nguồn vùng lũ, vậy mà trong mùa nước nổi vẫn trong xanh; trong khi toàn bộ kênh rạch gần đó, kể cả nước trên đoạn sông Bình Di thông với búng Bình Thiên ra sông Hậu, đều ngầu đục phù sa. Đoạn cửa búng, vào mùa nước nổi đẹp và sinh động lạ thường. Trải dài theo bờ búng là một màu vàng rực của rừng cây điên điển đang mùa trổ bông. Dưới mặt búng, nở trắng chi chít bông súng ma, xanh rờn những đám hẹ nước…

Điên điển là loài cây gần gũi với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó tự mọc theo bờ sông, rạch và lặng lẽ héo khô, biến mất trong nhiều tháng khắc nghiệt của mùa nắng…, để rồi bất ngờ hồi sinh một cách mạnh mẽ, tươi xanh vào đầu mùa mưa. Đến khi nước lũ tràn đồng, điên điển lại đồng loạt trổ bông vàng rực cả một vùng sông nước. Cùng lúc, từ Biển Hồ (Campuchia) đổ về đàn đàn, lũ lũ cá linh. “Cặp đôi hoàn hảo” này làm cho cảnh sắc miền Tây vào mùa nước nổi không những tươi vui, sinh động, mà còn cống hiến cho nền ẩm thực Nam bộ một sắc thái riêng, rất độc đáo.

Vài năm gần đây, vào mùa nước nổi, các chuyến du lịch săn ảnh đã thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh về Đồng Tháp, An Giang… chụp ảnh bông điên điển. Các công ty du lịch, lữ hành khi thiết kế tour đều kết hợp tổ chức thi “hái bông điên điển” và được nhiều du khách yêu thích. Đây cũng là dịp để thưởng thức những món ngon không phải lúc nào cũng có, như: canh chua bông điên điển với cá linh, bánh xèo nhân bông điên điển, bánh xèo cá linh, cá linh nướng trui, lẩu mắm cá linh nhúng bông điên điển, bông điên điển làm dưa chấm với cá linh kho mía, mắm cá linh…

Mùa nước nổi, về miền Tây Nam bộ vừa vui con mắt, lại vừa ngon cái miệng. Nhưng vô búng Bình Thiên thì còn hơn thế nữa…

* Làng Chăm Islam bên bờ búng

Dân của 3 xã: Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội sống quanh búng Bình Thiên hầu hết là người Khmer và người Kinh. Đặc biệt, ở ấp Búng Lớn của xã Nhơn Hội có một làng Chăm hiền hòa, bình dị và rất thân thiện với khách phương xa. Cộng đồng dân tộc Chăm ở đây có chừng 3 ngàn người, đều theo đạo Hồi, với trang phục truyền thống, phụ nữ vẫn thường mang khăn che mặt để lộ đôi mắt to, đẹp nhìn khá ấn tượng. Thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah của người Chăm Islam ở bên bờ búng Bình Thiên khá khang trang, rộng rãi. Hướng dẫn viên Phạm Trung Em của An Giang Travel cho biết: “Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận theo đạo Bà La Môn nên kiêng thịt bò, còn bà con người Chăm ở đây theo đạo Hồi nên ăn thịt bò, nhưng kiêng thịt heo, không uống rượu bia, có tập tục ăn bốc bằng tay trái nên rất ít ăn món canh… Nhờ sống lâu năm ở búng Bình Thiên này nên bây giờ bà con nấu mấy món đặc sản mùa nước nổi rất ngon! Và bà con đang tập làm du lịch kiểu "homestay" nên cũng giao du cởi mở lắm!”.

Săn ảnh trên búng Bình Thiên.
Săn ảnh trên búng Bình Thiên.

Đi đầu trong số những người Chăm tham gia làm du lịch mùa nước nổi ở búng Bình Thiên, ông Mách Ly, một “già làng” 63 tuổi, từng tham gia công tác chính quyền ở địa phương và là một thành viên trong Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo ở Nhơn Hội, không giấu vẻ tự hào cho biết: “Bà con người Chăm theo đạo Hồi ở Nhơn Hội lâu nay chỉ sống với 2 nghề chủ yếu là làm nông và hạ bạc. Ruộng quanh bờ búng nhờ tưới tắm phù sa màu mỡ nên mỗi năm làm được 3 vụ lúa, mùa nắng còn tận dụng đất bãi ven bờ búng trồng thêm bắp, rau cải, nuôi lươn… Mùa nước lũ kéo lưới đánh bắt cá linh, cá rô, tôm tép…, đặc biệt là thu hái bông điên điển, bông súng… bán ra tận chợ Châu Đốc, Long Xuyên. Năm 2012 này, chúng tôi tập làm quen với nghề làm du lịch. Bước đầu, chúng tôi nhận nấu và tổ chức ăn tại nhà, cho thuê trang phục truyền thống của người Chăm để chụp ảnh lưu niệm, chèo ghe xuồng đón chở khách tham quan trên búng… Nhiều đoàn khách do các công ty du lịch đưa đến đây đều tỏ ra thích thú trước cảnh quan thơ mộng và yên bình nơi đây; đặc biệt là tỏ ra hài lòng trước sự phục vụ nhiệt tình, thân thiện (dù chưa chuyên nghiệp lắm) của chúng tôi. Người Chăm ở Nhơn Hội còn rất chân chất, hiền lành và tuân thủ sống “tốt đời, đẹp đạo”, nhà nhà đều khuyên bảo nhau không để cho tệ nạn xã hội thâm nhập vào đời sống. Lâu nay, ở Búng Lớn chưa hề xảy chuyện cờ bạc, rượu chè, trộm cắp”.

Giữa thời buổi khí hậu biến đổi mang tính toàn cầu như hiện nay mà ngồi trong căn nhà sàn thoáng mát trên bờ búng Bình Thiên để thưởng thức đặc sản mùa nước nổi, lại luôn thấp thoáng áo váy, khăn choàng rực rỡ của các cô gái Chăm làm du khách có cảm giác vừa lạ, vừa quen. Nhưng trên tất cả là cảm giác rất bình yên và thánh thiện, mà không phải nơi đâu cũng có được...

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều