Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây thuốc lá trên vùng đất đá

10:01, 21/01/2013

Bên vườn cây thuốc lá xanh nõn nà, anh Lê Văn Gì (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết, cây thuốc lá được một tháng tuổi sẽ được nông dân cai nước. Từ đây, cây thuốc lá tự hấp thụ sương đêm để sống và tạo ra những mẻ thuốc vàng ươm khi được phơi dưới nắng xuân...

Bên vườn cây thuốc lá xanh nõn nà, anh Lê Văn Gì (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết, cây thuốc lá được một tháng tuổi sẽ được nông dân cai nước. Từ đây, cây thuốc lá tự hấp thụ sương đêm để sống và tạo ra những mẻ thuốc vàng ươm khi được phơi dưới nắng xuân...

* Mùa thuốc vui

5 giờ sáng, sương đêm còn đọng trên lá, chúng tôi đã có mặt tại rẫy thuốc lá của anh Gì. Lúc này, bếp lửa trong chòi của anh Gì đã bừng lửa, nhưng anh vẫn còn nán ngủ. Thấy chúng tôi đến sớm, chị Thắm (vợ anh Gì) vội lay chồng dậy. Chị giải thích, công đoạn xắt thuốc chỉ làm ban đêm. Còn thu hoạch lá thuốc phải chờ khi mặt trời hửng nắng, làm khô hết hơi sương còn bám trên lá. Làm vậy, lá thuốc mới túa nhựa vàng, sẽ thơm, không bị úng khi ủ và vàng sợi khi phơi dưới nắng xuân. Nghe chị Thắm giải thích, chúng tôi biết mình đã phá giấc ngủ của vợ chồng anh Gì, vì cho rằng thuốc lá hái sớm mới tươi, thơm nên vội vàng khởi hành sớm. Tuy vậy, chúng tôi lại đến trễ giờ, khi cánh thợ xắt thuốc lá thuê cho vợ chồng anh vừa xong việc (làm đêm) và lục đục thu dọn đồ nghề về nhà ngủ.

Lá thuốc bó thành bó nhỏ, được đem vào chòi ủ 3 ngày rồi mới thuê thợ xắt sợi.
Lá thuốc bó thành bó nhỏ, được đem vào chòi ủ 3 ngày rồi mới thuê thợ xắt sợi.

Thấy chúng tôi xuýt xoa bàn tay kêu lạnh, chị Thắm rót ly trà nóng đon đả mời khách và hài hước nói: “Mấy chú nhấp ly trà “ướp xác” (loại trà rẻ tiền) giữa tiết trời tháng Chạp đầy sương để cảm nhận mùi nhựa thuốc ngoài vườn lùa vào. Ở đây, không riêng gì cánh mày râu, phụ nữ tụi tui cũng nghiện mùi thuốc lá trong vườn tỏa ra vào lúc ban mai”. Quả đúng như lời chị Thắm ví von, sương đêm cộng với hơi đá, sự ẩm thấp của đất càng làm cho lá thuốc ngoài vườn thêm đậm mùi. “Cái thứ thuốc lá này, người trồng không nghiện hút, nhưng nghiện mùi của nó khi còn ở trên cây. Vợ chồng tui học được nghề trồng thuốc lá từ người Hoa ở đây” - anh Gì sau khi tỉnh ngủ, vội khoác thêm chiếc áo ấm ra tiếp chuyện chúng tôi.

Con chó mực bỗng thò cổ ra ngoài tấm vách sủa inh ỏi. Anh Gì nói với chúng tôi, thợ hái thuốc đang tới. Họ tới sớm để cùng vợ chồng anh tán chuyện cho vui, chứ giờ thu hoạch thuốc phải bắt đầu từ 7 giờ 30. “Rẫy thuốc này rộng 1,5 hécta, tui thuê của người ta giá 40 triệu đồng/năm. Tiền thuê đất, làm 2 vụ bắp là đủ trang trải. Còn vụ thuốc lá là của mình, lời nhiều hay ít đều trông chờ vào nó hết. Với giá thuốc sợi khô, chỉ cần đổ đồng 150 ngàn đồng/kg là có lời rồi. May sao, năm nay rẫy thuốc của vợ chồng tui và các hộ khác tại ấp Võ Dõng 3 đều đạt năng suất cao. Thuốc sợi đầu mùa được tiểu thương thu mua 180 ngàn đồng/kg rồi đó” - anh Gì nhịp chân mãn nguyện nói.

Nhìn đồng hồ đã quá 7 giờ, chị Thắm hối thúc chồng về nhà (cách vườn thuốc lá 500m) chở 2 đứa con ra điểm trường Võ Dõng 3 (thuộc Trường tiểu học Lê Quý Đôn) gửi cho hai thầy giáo dạy chữ để vợ chồng thu hoạch thuốc. Chị Thắm cho hay, nhờ lớp học do ông Hai Nhì thành lập nên bà con ở miền Tây đến đây làm ăn như anh chị có nơi gửi con để đi làm. “Con em tụi tui như cây thuốc lá vậy. Cây thuốc hấp thụ sương đêm và nắng xuân để cho ra sợi thuốc vàng, thơm. Còn con em tụi này hấp thụ chữ nghĩa từ lòng từ tâm của các thầy cô, mạnh thường quân bên ngoài vào giúp đỡ mà khôn lớn, biết đọc, biết viết” - chị Thắm tỏ bày.

* Xuân về trên vùng đất đá

Rời rẫy thuốc của gia đình anh Gì, chúng tôi la cà hỏi chuyện hết rẫy thuốc này đến rẫy thuốc kia của các nông dân trồng thuốc khu vực đồi Sóc Lu (các xã: Gia Kiệm, Quang Trung của huyện Thống Nhất), sau đó theo quốc lộ 20 thẳng tiến về các rẫy thuốc của đồng bào người Hoa ở các xã: Phú Tân, Phú Vinh (huyện Định Quán) và thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú).

Theo các nông dân ở đây, cây thuốc lá rất thích hợp với vùng đất đá. Về đêm, rễ cây hấp thụ sương đêm để nuôi lá. Ban ngày, lá hấp thụ nắng xuân để tiết nhựa, tạo hương. “Ngoài thu hoạch lá, nông dân bọn mình còn chọn cây tốt cho trổ hoa, đậu trái để lấy hạt làm giống. Hoa thuốc cũng đẹp, cũng dẫn dụ ong bướm đến tìm mật và khoe sắc với muôn hoa dại khác nơi rẫy vườn” - nông dân trồng thuốc Phòng A Kha (ấp 8, xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho hay.

Cây thuốc lá trên vùng đất đá đã đem lại cho người nông dân khoản thu nhập khá vào mùa khô hạn.
Cây thuốc lá trên vùng đất đá đã đem lại cho người nông dân khoản thu nhập khá vào mùa khô hạn.

Với truyền thống trồng thuốc của người Hoa nơi vùng đất đá, nông dân Xám Liều (ấp 5, xã Phú Tân, huyện Định Quán) tự hào khoe tài vỡ đất, đưa cây thuốc du nhập vùng đất đá, hình thành được thương hiệu thuốc rê vàng nổi tiếng vùng Tân Phú, Định Quán một thời. Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Xám Liều vừa chỉ đạo cánh thợ phụ nữ hái thuốc. Theo một người hái thuốc tên Mến, công việc hái thuốc lá của chị được chủ vườn trả 150 ngàn đồng/ngày, nếu không bao cơm. Còn được bao cơm 2 bữa, tiền công 120 ngàn đồng/ngày, công xắt thuốc trung bình 200 ngàn đồng/đêm.

Với hàng trăm hécta thuốc lá được trồng trên những vùng đất lởm chởm vào tháng 9, nông dân các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú và vài xã khác của huyện Trảng Bom, Xuân Lộc đã có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/sào thuốc/vụ (kéo dài 5 tháng). Sang tháng 2-3 của năm mới, khi mùa mưa xuất hiện, người nông dân trả đất lại cho các cây trồng khác sinh sôi.

Rong ruổi khắp các cánh đồng thuốc lá trên vùng đất đá và tỉ tê chuyện trò với các nông dân, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của cây thuốc và khát vọng của nhà nông trước cái lạnh, khô hanh mùa khô, khi sự khốn khó của nhà nông dần được thay đổi qua những mùa vụ nông sản, như: tiêu, điều, cà phê, cây ăn trái, lúa…

Khi tiết trời chuyển sang tháng Chạp, nhiều cây trồng trong vườn đã ngả màu vì thiếu nước, cây thuốc lá vẫn mạnh mẽ hút sương đêm để cho ra những cánh lá vừa thơm, nhiều nhựa, khi ta chạm tay vào sẽ cảm thấy rin rít. Những cây thuốc lá trên vùng đất đá góp thêm mùa xuân qua màu xanh của lá, những mẻ thuốc vàng ươm được phơi dưới nắng xuân và những chùm hoa trắng rung rinh theo gió. Cây thuốc lá còn thông báo cho chúng tôi biết sự yêu lao động, khát khao làm giàu của người nông dân.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích